Liên kết sản xuất giống, người cười kẻ khóc: Mũi tên trúng 3 đích
Quảng Nam là mảnh đất màu mỡ thu hút nhiều DN vào liên kết sản xuất giống cây trồng… Tuy nhiên, có một số Cty làm ăn kiểu "chụp giật" đã đẩy HTX lâm cảnh nợ nần, nông dân không mặn mà liên kết.
|
Nông dân xã Đại Hòa chở lúa giống bán cho DN |
Liên kết SX lúa giống nông dân được nhiều cái lợi. Lúa giống, phân bón, kỹ thuật... được DN hỗ trợ. Sản phẩm làm ra cũng được thu mua hết với giá cao hơn lúa thương phẩm từ 20 - 25%. Phía DN bắt tay liên kết cũng được một khoản lợi nhuận cao.
Đầu ra khỏi lo
Hôm chúng tôi đến HTXNN Đại Hòa, huyện Đại Lộc đúng ngày DN tổ chức thu mua lúa. Lão nông Võ Đình Quý ở thôn Bộ Bắc cho biết: “Đã 2 năm liên tiếp, tui liên kết với TCty CP Giống cây trồng Thái Bình (TSC) SX 3 sào giống lúa TBR 225. Cuối vụ được Cty thu mua hết sản phẩm. Bà con nơi đây làm được bao nhiêu lúa giống đều được tiêu thụ hết”.
Theo ông Quý, từ đầu vụ, Cty cung cấp giống cho bà con, ngoài ra còn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Năng suất lúa vụ nào cũng đạt khoảng 4 tạ/sào. Việc liên kết SX giống đã thực sự đem lại hiệu quả cho bà con, bởi DN thu mua lúa giá cao. Ngoài thị trường chỉ 6.000 đ/kg thì Cty mua 7.200 đ. Bình quân mỗi sào bà con thu gần 3 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 2 triệu, cao hơn lúa thương phẩm 1 triệu.
Cùng chung niềm vui, lão nông Nguyễn Văn Tuấn ở cùng thôn phấn khởi: "Vụ ĐX 2014-2015 thời tiết bất lợi, nhưng nhờ có kỹ thuật chăm sóc lúa và phòng trị sâu bệnh, nên năng suất vẫn đạt khá. Trước đây bà con SX lúa theo kiểu nhỏ lẻ, sâu bọ cắn phá gây thiệt hại lớn. Nay cả cánh đồng chỉ trồng một loại giống nên sâu bọ giảm hẳn. Hết cảnh ruộng này phun thuốc thì sâu bọ sang ruộng khác. Việc tưới, tiêu cũng rất dễ dàng vì bà con làm đồng bộ”.
Theo ông Tuấn, khi tham gia SX lúa giống, nông dân được hỗ trợ trước tiền giống, thuốc BVTV; kỹ thuật chăm sóc lúa cũng được học bài bản. Vì vậy, trình độ SX được nâng lên rất nhiều.
Khi chúng tôi đến, hàng trăm nông dân xã Điện Thọ 1, huyện Điện Bàn tập trung trước sân HTXNN Điện Thọ 1 để nhận tiền bán lúa.
Xưởng chế biến lúa giống của HTX Điện Thọ 1
Đang đếm tiền, bà Nguyễn Thị Hồng phấn khởi: "Vụ này tui liên kết với Cty Giống cây trồng - vật nuôi TT - Huế SX 3,5 sào giống lúa Q5. Sản phẩm được HTX thu mua, sau đó bán lại cho Cty. Họ mua lúa tươi nên tui không phải mất công phơi sấy, giá bán lại cao. Sau ít ngày bà con được nhận tiền đầy đủ. Từ khi liên kết SX, tui biết phòng trừ sâu bệnh kịp thời nên năng suất lúa vụ nào cũng khá”.
HTX sống khỏe
Còn nhớ cách đây 6 năm trước, HTXNN Đại Minh, huyện Đại Lộc đứng bên bờ phá sản, bởi các nguồn thu từ việc kinh doanh điện, thủy lợi phí bị cắt giảm, còn buôn bán vật tư thì không cạnh tranh được với các đại lý. Nhưng từ khi bắt tay liên kết với TSC làm lúa giống, HTX có nguồn thu ổn định.
Hàng năm các HTX ở Quảng Nam liên kết với DN SX trên 4.000 ha lúa giống. Nhờ đó đã xây dựng được nhiều vùng chuyên canh SX hàng hóa tập trung, thuận lợi để áp dụng cơ giới hóa, giúp nông dân nâng cao thu nhập... |
Ông Trương Tấn Hải, Phó Chủ nhiệm HTXNN Đại Minh cho biết, toàn xã gieo cấy 250 ha lúa, trong đó SX tới 180 ha lúa giống. Bà con đạt doanh thu 5 - 7 tỷ đ/năm. So với SX lúa thương phẩm thì làm lúa giống lãi ròng khoảng 2 tỷ đ/năm. HTX thu được từ 200 -300 triệu đ/năm, đủ chi trả để hoạt động.
“Ngày mới bắt tay liên kết SX, nông dân rất lo ngại, họ không tin là sẽ hiệu quả. HTX cùng DN phải vận động từng hộ. Sau vụ đầu thắng lợi, bà con đăng ký tham gia nhiều hơn”, ông Hải cho hay.
Ông Hồ Anh Tuấn, Chủ nhiệm HTXNN Đại Hòa cho biết, đây là năm thứ 2, HTX liên kết với TSC làm lúa giống, mỗi năm SX trên 100 ha, sản lượng đạt trên 550 tấn. “Làm lúa giống cho lợi nhuận tăng 20 - 25% so với lúa thương phẩm. Đầu vụ Cty đầu tư giống, cử cán bộ "nằm vùng" để theo tình hình sâu bệnh, lúa phát triển rất tốt. Kỹ thuật chăm sóc của bà con được nâng lên rõ rệt, họ nhận biết được sâu bệnh gây hại và dùng loại thuốc gì để phòng trừ”, ông Tuấn chia sẻ.
Sản phẩm được DN thu mua kịp thời
Tương tự 2 HTX trên, HTXNN Điện Thọ 1 liên kết với 4 DN SX lúa giống trên địa bàn. Mỗi vụ, HTX SX hơn 100 ha, với sự tham gia của 800 hộ dân. HTX vừa là cầu nối với DN vừa là bà đỡ cho nông dân.
Ông Lê Hữu Ái, Chủ nhiệm HTX Điện Thọ 1 cho biết, khi ký kết hợp đồng với DN, HTX đứng ra cung cấp vật tư cho bà con. Đến cuối vụ, bà con gặt xong, HTX thu mua lúa tươi tại ruộng bán cho Cty. Sau 7 - 10 ngày, Cty thanh toán tiền sòng phẳng. Bà con mua phân bón, thuốc BVTV... HTX sẽ khấu trừ, không tính lãi. Liên kết SX không chỉ nông dân có lãi mà HTX cũng có được khoản thu để duy trì hoạt động. (Còn nữa)