Khó khăn ngành mía
08:57 - 29/05/2015
(TNNN)- Niên vụ mía 2014-2015, ngành mía gặp rất nhiều khó khăn khi giá bán mía của người nông dân cũng như giá đường xuất trực tiếp của các công ty đường thấp nhất từ trước đến nay. Hệ quả là nhiều địa phương giảm sút diện tích mía do nông dân có tâm lý chán nản và mất lòng tin vào cây mía. 400.000ha mía đã bị bà con phá bỏ, thay thế bằng các loại cây trồng khác như sắn, cao su…, còn doanh nghiệp cũng lao đao khi bán ra thì lỗ còn không bán thì không có tiền để tiếp tục sản xuất kinh doanh. 
Ảnh minh họa

Trong khi đó, nguồn cung đường vẫn ở tình trạng vượt cầu. Theo Bộ NN-PTNT, niên vụ 2014-2015, tổng diện tích mía cả nước đạt 305 nghìn ha, cao hơn quy hoạch diện tích mía đến năm 2020, năng suất mía bình quân cả nước là 65,3 triệu tấn. Tổng sản lượng mía ước đạt 20 triệu tấn, tương đương niên vụ trước. Có 41 nhà máy đường mía hoạt động, sản xuất gần 1,6 triệu tấn đường. Tuy nhiên, nhu cầu đường trong nước chỉ khoảng 1,4 triệu tấn, vì thế, khoảng 200 nghìn tấn đường sẽ dư thừa, gối sang niên vụ sau.
 
Tại tỉnh Tây Ninh, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, niên vụ 2015-2016 tổng diện tích mía trồng của tỉnh chỉ đạt gần 9.300 ha, giảm gần 7.000 ha (tức giảm 42% tổng diện tích mía toàn tỉnh) so với niên vụ trước. Nhiều huyện của tỉnh được xem là thế mạnh về cây mía từ nhiều năm nay như: Châu Thành, Tân Châu, Bến Cầu, Dương Minh Châu cũng đã giảm diện tích mía từ 40 - 60% so với niên vụ 2014-2015.
 
Nguyên nhân dẫn đến tổng diện tích mía của tỉnh giảm mạnh chủ yếu là do sâu bệnh hoành hành, giá mía thu mua đầu vào của các nhà máy đường trong tỉnh giảm mạnh từ 100.000 - 150.000 đồng/tấn so với niên vụ trước. Trong khi đó, các chi phí sản xuất như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí nhân công trồng, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển đều tăng từ 10 - 20% so với vụ trước, dẫn đến người dân trồng mía bị thua lỗ nặng nên đã chủ động chuyển sang trồng sắn, ngô, cao su và một số loại cây trồng khác với hi vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
 
Những tồn tại trong sản xuất
 
Nhiều năm nay, sản xuất mía đường của nước ta vẫn theo truyền thống, manh mún khiến cho giá mía và giá đường luôn ở mức cao so với thế giới. Hiện đa phần vùng nguyên liệu mía trong nước là đất của nông dân và trung bình mỗi hộ trồng mía chỉ sở hữu khoảng 0,5-0,7ha, trong khi ở các nước là hàng chục héc ta, dẫn đến mô hình canh tác theo nông hộ ở dạng nhỏ lẻ, không thể áp dụng cơ giới hóa. Đến thời điểm hiện tại, mức độ cơ giới hóa trong canh tác mía tại Việt Nam mới chỉ khoảng 10-20%, quá thấp so với tỷ lệ 80-90% tại các nước sản xuất đường lớn trên thế giới.
 
Ngoài ra, năng suất và chất lượng mía của Việt Nam vẫn rất thấp. Việt Nam hiện đứng trong nhóm 10 nước có diện tích trồng mía lớn nhất thế giới, nhưng trong nhóm 10 nước đó, năng suất mía của Việt Nam (64,7 tấn/ha) chỉ cao hơn năng suất của Pakistan và Indonesia. Năng suất mía nước ta đang thấp hơn nhiều so với nhiều nước khác như Mỹ (75,41 tấn/ha), Brazil (74,3 tấn/ha), Thái Lan (74,23 tấn/ha). Hiện mía Việt Nam có chữ đường khoảng 10 CCS, trong khi thế giới đạt 12-13 hoặc cao đến 15-16 CCS như ở Australia và một số vùng ở Trung Quốc.
 
Do năng suất mía và chữ đường thấp nên năng suất đường của Việt Nam cũng thấp hơn khá nhiều so với các nước trong khu vực. Trong niên vụ 2013-2014, năng suất đường của Việt Nam là 5,47 tấn/ha; của Philippines là 5,77 tấn/ha; Trung Quốc 7,62 tấn/ha; Thái Lan 8,07 tấn/ha; Australia 11,8 tấn/ha…
 
Bởi vậy, giá thành đường của Việt Nam luôn đứng vào hàng cao nhất thế giới. Niên vụ 2013/2014, giá thành đường Việt Nam là 11.000 - 13.000 đồng/kg trong khi giá thành thế giới là 9.800 - 10.200 đồng/kg.
 
Trong khi đó, giá mía nguyên liệu tại các nước rất rẻ, tại Thái Lan là 30 USD/tấn, Úc khoảng 20 USD/tấn. Brazil là nước trồng mía nhiều nhất thế giới, 1 tấn mía chỉ có giá khoảng 13 USD. Trong khi đó, Việt Nam làm ra một tấn mía 50-55 USD, như vậy sẽ rất khó cạnh tranh khi mà giá nguyên liệu chiếm tới 70-80% giá thành sản xuất đường.
 
Một nguyên nhân khác là đất trồng mía hiện không phải là đất tốt nhất cho mía. Hiện đất trồng mía ở Việt Nam phần lớn là đất đồi dốc và sỏi đá, ở ĐBSCL thì hay ngập nước, bị lũ lụt... Với kỹ thuật và giống mía hiện nay, nếu được trồng ở đồng bằng sông Hồng thì hoàn toàn có thể đạt được năng suất 100 tấn/ha.
 
Về phía doanh nghiệp
 
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), hiện các nhà máy đường phần lớn đã đầu tư bài bản về thiết bị, công nghệ không thua kém các nước tiên tiến. Tuy nhiên, phần này chỉ có tác động vào 20-25% giá thành sản phẩm, còn quyết định chính là giá mía nguyên liệu đầu vào chiếm 75-80%.
 
41 nhà máy mía đường trên cả nước hiện chỉ có một số doanh nghiệp đầu tư vùng nguyên liệu trên 50 ha, còn lại chủ yếu mua mía thông qua thương lái. Một số nhà máy đường đã tích cực đầu tư máy móc, thiết bị kỹ thuật hiện đại không thua kém công nghệ thế giới như Bourbon Tây Ninh, Biên Hòa… Các nhà máy cũng quan tâm đến việc hỗ trợ nông dân sản xuất thông qua việc chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ giống, phân bón. Song, với khả năng có hạn, đặc điểm địa hình, nhiều vùng sản xuất còn gặp khó khăn, trình độ nông dân còn hạn chế, sản xuất vẫn mang tính manh mún, dẫn đến năng suất chưa cao, chất lượng mía không đồng đều đã gây khó khăn cho doanh nghiệp.
 
Ngoài ra, tình trạng đường nhập lậu từ Thái Lan vẫn tràn vào nhiều, nhất là ở An Giang mỗi ngày có khoảng 700 - 1.000 tấn đường lậu được tuồn qua biên giới, cung cấp rộng khắp thị trường miền Tây và Tp.HCM. Chính vì vậy, giá đường bán buôn trên thị trường tại Hà Nội có sự tăng nhẹ trong khi giá đường tại miền Trung và Thành phố Hồ Chí Minh vẫn giảm 100 - 200 đồng/kg.
 
Ngành mía trước thời điểm hội nhập
 
Đến thời điểm hiện tại, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú, ngành mía đường trong nước vẫn đang được Nhà nước bảo hộ ở mức độ khá cao, hơn nhiều so với các ngành hàng sản xuất quan trọng khác như dệt may, da giày, gạo, cà phê…
 
Theo lộ trình hội nhập AFTA, chậm nhất đến đầu năm 2018 nước ta sẽ xóa bỏ bảo hộ đối với mặt hàng đường, thuế suất thuế nhập khẩu là thuế suất cam kết theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) 5%, đồng nghĩa với việc tự do hóa nhập khẩu đường trong các nước ASEAN. Ngay trong năm 2015, theo cam kết WTO, Việt Nam sẽ nhập 81.000 tấn đường.
 
Để duy trì, phát triển ngành mía đường và nâng cao thu nhập cho bà con nông dân trồng mía, mới đây, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo ngành nông nghiệp trước mắt cần cải tạo bộ giống cho cây mía, khuyến khích, tạo điều kiện cho tất cả các DN mía đường NK những bộ giống tốt trên thế giới về Việt Nam. Ngoài ra, phải rà soát lại quy hoạch vùng trồng mía, có chính sách linh hoạt cho ngành này. Đồng thời, tiến hành dồn điền đổi thửa, tạo ra những cánh đồng lớn nguyên liệu mía để tạo điều kiện đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, góp phần tăng năng suất, giảm chi phí đầu vào, giúp ngành mía đường nâng cao sức cạnh tranh khi nước ta hội nhập sâu vào kinh tế thế giới và tăng thu nhập cho bà con nông dân.

Theo Cục Chế biến, Thương mại Nông lâm Thủy sản và Nghề muối, tính đến ngày 15/4/2015 đã có 19/41 nhà máy kết thúc vụ sản xuất 2014-2015, các nhà máy đã ép được gần 13 triệu tấn mía, sản xuất được hơn 1,2 triệu tấn đường. So với cùng kỳ năm trước, lượng mía ép giảm hơn 2 triệu tấn, lượng đường giảm 218 nghìn tấn. Lượng đường tồn tại kho các nhà máy đến ngày 15/4/2015 là 560 nghìn tấn, thấp hơn cùng kỳ năm trước 141.540 tấn.
 
Lượng đường bán ra của các nhà máy cũng giảm đáng kể so với cùng kỳ. Từ 15/2 - 15/3, các nhà máy bán ra thị trường 88.850 tấn, giảm gần 50% so với con số cùng kỳ năm trước là hơn 170.000 tấn. Từ 15/3 - 15/4, lượng đường bán ra là 115.000 tấn, thấp hơn cùng kỳ năm trước là 62.540 tấn.
 
Giá đường bán buôn đường kính trắng loại 1 (có VAT) tại nhà máy giữ ổn định và cao hơn tháng trước không đáng kể, từ 12.000 -12.200 đồng/kg. Giá đường xuất sang Trung Quốc tại Lào Cai là: 13.450 đồng/kg.
 
Giá mua mía 10 CCS tại ruộng vẫn ổn định: Nghệ An: 780.000 – 810.000 đồng/tấn; Cao Bằng, Sơn La: 800.000 - 870.000 đồng/tấn; Tuyên Quang, Hòa Bình, Thanh Hóa, Gia Lai, Tây Ninh: 900.000 đồng/tấn; Hậu Giang 800.000 đồng/tấn, Sóc Trăng 786.000 đồng/tấn, Đồng bằng sông Cửu Long: 750.000 đồng/tấn; Phú Yên: 920.000 đồng/tấn.

Minh Quân
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo