Vướng mắc trong đóng tàu vỏ thép
08:57 - 29/05/2015
(TNNN)- Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/07/2014 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 25/8/2014 đã quy định đầy đủ, có hệ thống, đồng bộ các chính sách cơ bản nhất cho việc khuyến khích ngư dân đóng tàu công suất lớn, vỏ thép để dần chuyển từ khai thác gần bờ sang khai thác xa bờ có giá trị kinh tế cao hơn, đồng thời góp phần vào bảo vệ các vùng biển của nước ta. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, đến nay vẫn còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ.
Ảnh minh họa


Thiết kế mẫu tàu chưa phù hợp
 
Đến nay Bộ NN&PTNT đã phê duyệt 21 mẫu tàu thiết kế để triển khai thực hiện nghị định với 6 loại nghề thích hợp trên 4 vùng biển: Vịnh Bắc bộ, biển miền Trung, biển miền Đông và Tây Nam bộ. Với kinh nghiệm nhiều năm đi biển, ngư dân băn khoăn về mẫu thiết kế tàu vỏ thép do Bộ NN&PTNT chưa phù hợp với thực tế nên buộc phải điều chỉnh lại. Điều này dẫn đến mất thời gian xin ý kiến đăng ký mẫu mới tại Tổng cục Thủy sản và làm chi phí đóng tàu vỏ thép theo mẫu mới cao hơn rất nhiều. Theo dự toán, vốn để đóng một con tàu vỏ thép ban đầu từ 7-8 tỉ đồng, nếu đóng theo mẫu mới đội lên đến 17-18 tỉ đồng.
 
Một vướng mắc khác là hiện vẫn chưa có giá chuẩn cho các mẫu tàu vỏ thép. Giá dự toán do các cơ sở đóng tàu đưa ra vẫn quá cao. Cũng đóng tàu theo yêu cầu của ngư dân nhưng ở Quảng Nam chỉ 12 tỉ đồng/tàu, trong khi con số đó ở Bình Định lên tới 20 tỉ đồng. Trong khi hiện vẫn chưa có cơ quan thẩm định giá độc lập để xác định giá trị thực của con tàu.
 
Ngoài ra, khi đóng tàu vỏ thép, ít nhất mỗi tàu phải có một thợ cơ khí, thợ điện, điện lạnh, có một gara để sửa chữa máy móc phòng khi tàu hư hỏng, trục trặc... cộng thêm chi phí đóng tàu lớn cũng khiến ngư dân ngại đóng tàu vỏ thép.
 
Thủ tục vay vốn còn rườm rà
 
Ngư dân cho biết thủ tục làm hồ sơ tham gia vay vốn theo Nghị định 67 của Chính phủ vẫn còn rườm rà và đợi vay được vốn quá lâu. Ngoài ra, giá thành tàu thép gấp đôi so với tàu vỏ gỗ cùng công suất, trong khi đó sản lượng khai thác của tàu vỏ thép không hơn nhiều. Nếu để thời hạn vay 11 năm, ngư dân rất khó hoàn vốn, trả nợ. Trong khi đó nhiều ngân hàng vẫn còn chần chừ, chưa quyết liệt cho vay dẫn đến chậm tiến độ của chính sách.
 
Những kết quả bước đầu
 
Qua 08 tháng triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP, đến nay đã có 22 tỉnh, thành phố (trong tổng số 28 địa phương thực hiện Nghị định) phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện vay vốn đóng mới tàu cá. Số tàu đăng ký đóng mới là 602 chiếc có công suất từ 400 CV trở lên. Các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng đóng mới, nâng cấp với tổng số tiền là 243,31 tỷ đồng và thời hạn vay 11 năm. Về chính sách bảo hiểm, đã có 21/28 tỉnh phát sinh doanh thu phí bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ và bảo hiểm tai nạn thuyền viên với tổng số phí bảo hiểm khoảng 2.700 tỷ đồng...
 
Tháng 4/2015, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định), Công ty TNHH MTV Nam Triệu (thuộc Bộ Công an) đã tổ chức lễ ký hợp đồng đóng tàu vỏ thép với 11 ngư dân Bình Định đủ điều kiện vay vốn đóng tàu mới theo Nghị định 67 của Chính phủ. Trong đó, huyện Phù Cát có 6 chủ tàu, huyện Hoài Nhơn có 4 chủ tàu và 1 chủ tàu ở thành phố Quy Nhơn. 11 tàu cá này được đóng theo mẫu thiết kế đã được Bộ NN&PTNT ban hành, tàu sẽ được hoàn thành và bàn giao ngư dân trong vòng 6 tháng từ ngày ký hợp đồng. Đối với mẫu tàu hành nghề lưới vây, tổng trị giá hợp đồng trọn gói đóng tàu là 19,885 tỉ đồng. Đối với mẫu tàu hành nghề lưới rê, tổng trị giá hợp đồng trọn gói là 19,149 tỉ đồng.
 
Tại TP. Đà Nẵng (Quảng Nam), cuối tháng 3/2015 Cty TNHH MTV đóng và sửa chữa tàu Hải Sơn (thuộc Tổng Cty Sông Thu, Tổng cục Công nghiệp Bộ Quốc phòng) đã tổ chức lễ ký kết và khởi công đóng mới hai tàu cá vỏ thép đầu tiên tại tỉnh cho hai ngư dân là ông Phan Thu và Trần Công Chi (trú xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) theo Nghị định 67. Hai tàu cá vỏ thép có ký hiệu thiết kế LR-01-BNN (V040-QNa-1 và V040-QNa-3) với hệ động lực diesel. Tàu hành nghề lưới rê, công suất máy chính 822CV, tổng trị giá đầu tư 12,6 tỷ đồng. Trong đó, BIDV hỗ trợ cho vay lên tới 93 % trị,giá tương đương 11,7 tỷ đồng, thời hạn cho vay 11 năm, tài sản thế chấp chính là con tàu hình thành từ vốn vay, lãi suất cho vay được hỗ trợ theo đúng hướng dẫn của Nghị định 67.
 
Tại Đà Nẵng, ông Lê Văn Nhắn- phường Nại Hiên Đông và ông Trần Văn Mười- phường Mân Thái, cùng quận Sơn Trà đã được thành phố phê duyệt cho vay 10 tỷ đồng/hộ đóng mới tàu theo Nghị định 67. Vừa qua, ngư dân Lê Văn Sang (ngụ phường Thuận Phước, quận Hải Châu - chủ tàu vỏ thép Sang Fish 01) được thành phố phê duyệt cho vay vốn đóng tàu vỏ thép thứ 2 theo Nghị định 67 tại BIDV-Chi nhánh Hải Vân với số tiền vay đóng mới 14 tỷ đồng.
 
Tại tỉnh Quảng Ngãi, cuối năm 2014, Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi và Cty CP Thủy sản Lý Sơn đã ký kết Hợp đồng tín dụng cho vay Dự án đóng mới tàu vỏ thép dịch vụ hậu cần nghề cá. Tổng nhu cầu vốn là 25 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của DN là 4,6 tỷ đồng (chiếm 18%), vốn vay Agribank 20,4 tỷ đồng (chiếm 82%). Thời hạn vay vốn 132 tháng kể từ ngày ký hợp đồng. Tàu có chiều dài 46 m, với tổng công suất 938 CV.
 
Tại Quảng Ninh, hiện vẫn chưa có tàu cá nào được vay vốn theo Nghị định 67.
 
Từ thực tế trên cho thấy số hợp đồng tín dụng ngư dân vay của các ngân hàng ở các địa phương hiện còn quá ít, trong khi theo chính sách của Chính phủ, số tàu đánh bắt xa bờ từ nay tới năm 2020 phải đạt 2.097 tàu đánh bắt và 205 tàu dịch vụ hậu cần. Theo chỉ đạo của Chính phủ, thời gian tới, các Bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế huy động nguồn lực cho đầu tư hạ tầng; bổ sung đối tượng đóng mới tàu bằng vật liệu mới; xem xét, ủy quyền và hướng dẫn cho các địa phương chịu trách nhiệm phê duyệt những điều chỉnh nhỏ về thiết kế không ảnh hưởng đến an toàn, tính năng của tàu; xem xét mức vay theo nhu cầu và khả năng của ngư dân, không quy định tối thiểu, chỉ quy định tối đa; kéo dài thời gian vay vốn; chia tiến độ cho vay; mở rộng ngân hàng được vay vốn; giảm dần lãi suất; cải cách các thủ tục hành chính. Mặt khác, Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu, báo cáo Chính phủ để có chỉ đạo đồng bộ trong việc sử dụng máy móc, trang thiết bị; nghiên cứu các đơn vị bảo hiểm có năng lực để thực hiện; gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng; các chính sách phải được thực hiện trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân...

Theo Nghị định 67 của Chính phủ, khi đáp ứng đủ điều kiện, chủ tàu sẽ được vay từ 70-95% giá trị con tàu với lãi suất là 7%/năm. Trong đó, chủ tàu cá trả từ 1-3%/năm, số còn lại Ngân sách nhà nước chi trả. Cụ thể: chủ tàu cá đầu tư đóng mới tàu cá vỏ thép có công suất trên 800CV được vay tối đa 95% giá trị, hưởng lãi suất 1%. Từ 400-800CV vay tối đa 90% và lãi suất 2%/năm. Thời hạn cho vay đóng mới, nâng cấp tàu không quá 11 năm và thời hạn cho vay vốn lưu động không quá 12 tháng kể từ ngày ký kết hợp đồng tín dụng.

Thái Dương
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo