"DN và HTX có thể làm “nhạc trưởng” bởi mục đích của SX cánh đồng lớn là mối liên kết ngày càng bền chặt." - Đó là ý kiến của ông Đoàn Ngọc Phả, PGĐ Sở NN-PTNT An Giang.
|
Nông dân tham gia CĐL với mục đích là đầu ra ổn định, tăng lợi nhuận |
Cũng theo lời ông Phả, nếu thực hiện tốt điều đó, nông dân sẽ tiêu thụ được lúa, DN có được vùng nguyên liệu, chủ động trong XK. Ngoài ra, nếu HTX làm “nhạc trưởng” thì phải đủ mạnh.
Qua hơn 3 năm liên kết giữa nông dân và DN qua mô hình CĐL cho thấy, phần lớn DN chỉ làm dịch vụ cung ứng giống, vật tư nông nghiệp... còn việc bao tiêu sản phẩm do HTX hoặc bà con tự lo liệu. Do vậy, giá thành SX lúa không cạnh tranh nổi với các nước thế giới và khu vực.
Ông Châu Thanh Phong, GĐ phụ trách vùng nguyên liệu của Cty Thịnh Phú, ở TP Long Xuyên (An Giang) cho rằng: Trong khi tình hình XK gạo đang gặp khó khăn về đầu ra thì một trong những giải pháp để cạnh tranh là phải tiếp tục hạ giá thành SX.
Nếu xét trên phương diện lợi thế so sánh thì HTX có nhiều lợi thế hơn trong cung cấp dịch vụ phục vụ SX. Nếu HTX làm chủ đầu tư, hay nói cách khác là “nhạc trưởng”, cần có cơ chế thiết lập mối quan hệ thật thân thiết giữa nông dân và DN, phải có khung pháp lý đủ mạnh để gắn bó họ với nhau.
Thực tế hiện nay, giữa DN và nông dân gắn kết với nhau bằng hình thức DN đầu tư giống, vốn cho nông dân nhưng rải rác trong tỉnh. Vẫn còn tình trạng nông dân không đồng ý giá thu mua của DN, đơn phương bán lúa cho thương lái bên ngoài khi giá lúa cao hơn so với hợp đồng ban đầu, làm cho DN phải khổ sở trong việc thu mua sản phẩm.
Ông Lê Thành Lập, Phó Chủ tịch Liên minh HTX An Giang đề xuất: "Nếu để HTX giữ vai trò “nhạc trưởng” trong mối liên kết này, tôi nghĩ sẽ có rất nhiều cái lợi. Trước mắt, các dịch vụ phục vụ SX thì HTX sẽ làm tốt hơn DN vì đã có sẵn. Xã viên sẽ hưởng được nhiều cái lợi trước mắt cũng như lâu dài, giúp họ gắn bó hơn trong liên kết này.
Vấn đề ở đây là Nhà nước cần tạo điều kiện để HTX được vay vốn phát triển SX. HTX giữ vai trò “nhạc trưởng” thì việc thu mua lúa tạm trữ cũng có thể đảm nhiệm luôn". |
Vụ ĐX 2014 - 2015, DN XK gạo trong và ngoài tỉnh An Giang triển khai mô hình CĐL được 20.000 ha. Đi đầu là các Cty CP Bảo vệ thực vật An Giang, Afiex, Angimex, Thịnh Phú, TCty Lương thực miền Bắc. Song, tình trạng giữa DN và nông dân bội tín lẫn nhau vẫn còn diễn ra.
Nguyên nhân của vấn đề trên là do một trong 2 bên không giữ chữ tín và lòng tin cho nhau. Hợp đồng liên kết đã ký với nhau nhưng nội dung chưa rõ ràng, cụ thể, nếu có đưa ra tòa án xét xử cũng chẳng xử được gì. Đây là một thực tế cần nhìn nhận để từ đó có hướng xử lý trong thời gian tới.
Ông Dương Chí Tâm, PGĐ HTXNN Đức Thành nhận định, để HTX làm chủ đầu tư trong CĐL, Nhà nước cần có cơ chế cho HTX vay vốn để phát triển các dịch vụ phục vụ SX. Lúc đó, HTX sẽ cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, các dịch vụ cày xới, tưới tiêu, thu hoạch, kể cả tín dụng nội bộ…
Từ đó SX sẽ phát triển, giá thành sẽ hạ xuống thấp, nông dân sẽ có lợi nhiều hơn, chất lượng sản phẩm tốt hơn và chúng ta sẽ được nhiều thứ khác. DN chỉ làm mỗi một nhiệm vụ đi tìm thị trường để mua hết số lúa mà 2 bên đã ký hợp đồng bao tiêu.
"Mục đích của DN là tối đa hóa lợi nhuận, còn mục đích của HTX là tối đa hóa lợi ích của xã viên. Chính vì vậy, để phong trào kinh tế hợp tác của tỉnh phát triển trong thời gian tới, Nhà nước cần tạo điều kiện về mặt cơ chế, chính sách để HTX có đủ vốn vươn lên đảm đương vai trò là “nhạc trưởng” trong CĐL.
Nếu được vậy thì xã viên sẽ được hưởng lợi nhiều hơn, nông dân gắn bó hơn với đồng ruộng và mối liên kết giữa DN và nông dân sẽ ngày càng thắt chặt hơn”, ông Vân kiến nghị.