Báo chí và quả vải
10:10 - 19/06/2015
Những việc truyền thông làm được ở vụ vải thiều 2015 có thể rút ra nhiều kinh nghiệm về sự tham gia của công tác truyền thông trong tiêu thụ nông sản.
Sự vào cuộc của báo chí đã tạo nên luồng sinh khí mới cho tiêu thụ vải thiều

Người Việt dùng nông sản Việt

Những ngày này, dù đang vụ vải thiều chính vụ ở phía Bắc nhưng khác với mọi năm, dư luận không còn thấy quặn lòng với hình ảnh quả vải ùn ứ ê chề ở những chợ đầu mối, ở cửa khẩu Lạng Sơn vẫn ra rả trên các mặt báo.

Anh bạn tôi quê Lục Ngạn (Bắc Giang) mừng rơn khoe rằng: Vụ vải này vườn nhà anh thu 6 tấn vải, ước lãi 450 triệu đồng sau khi trừ mọi chi phí, bởi được mùa lại được giá.

Chẳng biết vải thiều XK đi Mỹ, đi Úc thế nào, nhưng nông dân bán vải năm nay rất có thế, bởi ở đâu cũng râm ran chuyện vải thiều XK đi Mỹ, đi Úc, đi siêu thị nên thương lái rào rào tranh mua, nhất là thương lái Trung Quốc, vải đẹp họ chấp nhận mua với giá 17-18 nghìn đồng/kg, vải xấu cũng 13-14 nghìn đồng/kg.

So với năm ngoái, giá vải thiều chính vụ năm nay tăng từ 3-5 nghìn đồng/kg.

Còn nhớ ở hội nghị tiêu thụ vải thiều do UBND tỉnh Hải Dương tổ chức cuối tháng 5/2015, ông Mai Xuân Thìn, GĐ Cty TNHH Sản xuất – Thương mại và Dịch vụ Rồng Đỏ (TP.HCM), DN đưa lô vải thiều đầu tiên XK đi Mỹ đã thành thật với hàng trăm đại biểu rằng: Vụ vải thiều năm nay, các DN xuất khẩu chúng tôi sẽ cố gắng XK được vải thiều đi Mỹ và Úc bằng mọi giá, nhưng thăm dò thị trường là chính, chứ kỳ vọng số lượng ngay thì chưa thể.

Tuy nhiên, điều đáng mừng nhất là ngay từ đầu vụ vải, thông tin về vải thiều đi Mỹ, Úc trên báo chí đã kéo sự quan tâm rất lớn của các DN lẫn dư luận xã hội.

“Chưa biết số lượng vải XK được là bao nhiêu, giá cả thế nào nhưng chắc chắn giá vải năm nay sẽ cao hơn nhiều so với năm ngoái” – vị này chắc mẩm.

Không chỉ những thông tin về vải thiều XK dồn dập trên mặt báo, ở thị trường nội địa, thông tin về hàng loạt DN lớn vào cuộc tiêu thụ vải như một đòn bẩy thứ hai.

Sau vụ “giải cứu” dưa hấu miền Trung hồi tháng 5/2015, nhiều quan điểm cho rằng việc tiêu thụ nông sản không chỉ trông chờ vào kiểu làm từ thiện.

10-43-57_imge00226
Kiểm tra vùng SX vải thiều VietGAP

Ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Cty Thương mại Hà Nội (Hapro) thì lại có cách nhìn khác. Chủ trì cuộc họp với các Cty thành viên bàn kế hoạch tiêu thụ 5.000 tấn vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) đầu vụ vải năm nay, ông Thắng tự tin khẳng định, việc Hapro cam kết mua vải cho dân cao hơn thương lái 10% không phải làm theo kiểu phong trào, mà là kinh doanh, có lãi hẳn hoi.

Xa hơn, đây là một chiến lược dài hơi của Hapro trong việc liên kết tiêu thụ cho nhiều nông sản khác. Theo vị này, bên cạnh tìm đường XK, nông sản Việt phải đứng vững, chiếm lĩnh được ở thị trường nội địa gần 100 triệu dân.

Vị lãnh đạo Hapro thẳng thắn: “Chúng ta có cuộc vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, nhưng hầu hết là hàng tiêu dùng, còn nông sản thì lâu nay chưa thấy.
Chúng tôi mời báo chí đến đây không phải để quảng bá cho Hapro, mà mong muốn báo chí cùng sát cánh với chúng tôi để tiêu thụ nông sản cho nông dân. Việc này vai trò của báo chí vô vùng quan trọng”. 

Một trong những yếu tố để thúc đẩy thị trường trong nước, bên cạnh về chất lượng sản phẩm là hàng đầu, thì phải làm truyền thông, để người Việt ủng hộ hàng nông sản Việt.

Có lẽ nhận thấy rõ vai trò ấy mà ngay cuộc họp bàn chuyện kinh doanh nội bộ về tiêu thụ vải thiều, ông Thắng đã cho mời nhiều cơ quan báo chí tới dự, thậm chí đề nghị phóng viên các báo hiến kế cho Hapro.

Chủ động thông tin cho báo chí

Chiều muộn một ngày đầu tháng 9/2014, ông Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục BVTV gọi điện cho PV Báo NNVN giọng gấp gáp: “Em sang lấy thông tin đăng báo ngay, Mỹ đã có thư trả lời đồng ý cho NK vải và nhãn của Việt Nam”.

Gặp tôi, ông bảo, họ đồng ý nhưng chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Mặc dù từ nay tới vụ vải năm 2015 còn hơn nửa năm, nhưng công việc còn rất bề bộn, nào là cấp mã số vùng trồng, hoàn thiện quy trình chiếu xạ để họ kiểm tra, lại còn mời DN vào cuộc, bởi nếu không có DN thì thị trường mở cửa cũng như không…

Cùng với thắng lợi về XK mặt hàng rau quả nước ta năm 2014, tiếp tục nhiệm vụ đã triển khai, tại những cuộc họp, hội nghị tổng kết cuối năm 2014, đầu năm 2015, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã liên tục nhấn mạnh về nhiệm vụ trọng tâm của ngành BVTV năm 2015.

Đó là nỗ lực đàm phán, mở cửa nhiều hơn nữa các mặt hàng hoa quả XK sang các thị trường mới.

10-43-57_imge00241
Thông tin sớm cho báo chí đã giúp các địa phương chủ động kế hoạch SX để XK

Đối với quả vải và nhãn ở phía Bắc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh chủ trì Ban chỉ đạo XK Rau quả Bộ NN-PTNT (được thành lập trong năm 2014) ngay sau Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 phải gấp rút phối hợp với các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên triển khai các giải pháp xây dựng vùng trồng, chuẩn bị sẵn sàng nguồn hàng XK khi các thị trường chấp nhận mở cửa, với quyết tâm phải XK bằng được những lô vải đầu tiên ngay vụ vải 2015.

Với định hướng theo dõi, bám sát để thông tin, tuyên truyền về tình hình chuẩn bị XK các mặt hàng hoa quả, Báo NNVN từ cuối năm 2015 đã ưu tiên phản ánh, đăng tải về vấn đề XK rau quả với mật độ dày.

Thống kê sơ bộ nửa đầu năm 2015, đã có ít nhất 30 bài viết tập trung về diễn biến đàm phán mở cửa thị trường của các cơ quan Bộ NN-PTNT, các khó khăn, vướng mắc, các công việc mà địa phương, DN, nông dân cần phải làm ngay để có thể XK các mặt hàng hoa quả đã và sắp mở cửa XK, liên tục cập nhật tình hình chuẩn bị, xây dựng vùng nguyên liệu tại các địa phương… được đăng tải trên Báo NNVN.

Trong hàng loạt tin bài ấy, có quá nửa được chính lãnh đạo Cục BVTV (cơ quan đầu mối của Bộ NN-PTNT về đàm phán mở cửa thị trường XK) chuẩn bị thông tin, chủ động gọi điện, cung cấp thông tin.

Liên tục những tin vui về quá trình đám phán với các nước để mở cửa cho từng loại hoa quả của chúng ta dội về.

Lần nào cũng vậy, giọng ông Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục BVTV chủ động thông báo cho PV NNVN cũng gấp gáp: “Bộ Nông nghiệp Úc đã có thông báo đồng ý cho NK vải của Việt Nam; lô nhãn đầu tiên đã được XK đi Mỹ; hai container vải đã sang Mỹ; Cục BVTV đang đàm phán các khâu cuối để xoài XK sang Nhật…”.

Lạ! Trong nghiệp làm báo, cánh PV thường phải hết hơi chạy theo xin thông tin của các cơ quan chức năng, bây giờ lại có chuyện cơ quan chức năng chủ động mời nhà báo viết tin bài?

Đánh giá về vai trò của truyền thông, báo chí trong xúc tiến tiêu thụ nông sản thời gian gần đây, ông Hoàng Trung cho rằng, các báo đài hiện nay còn chạy theo thông tin sự vụ nhiều quá. Chẳng hạn đến vụ dưa hấu, vải thiều, thanh long…, khi thấy được giá thì rất nhiều báo cùng nhau thông tin kiểu “nông dân hốt bạc”.

Ngược lại khi ế ẩm thì chủ yếu chỉ phản ánh chuyện ùn tắc cửa khẩu, nông dân khóc ròng, dưa hành đổ cho trâu bò ăn… là chính.

Hay ví như chuyện XK hoa quả, chỉ đến khi có thông tin mới về nước nào đó đã cho phép NK hoa quả của Việt Nam, thì các báo mới vào cuộc đưa tin. Trong khi đó, để chuẩn bị cho một loại hoa quả nào đó XK được, có khi phải chuẩn bị trước đó 3-5 năm trời.

Trong đó có rất nhiều việc cần phải thông tin như khó khăn vướng mắc, phải xây dựng nguyên liệu ra sao, các nước yêu cầu thế nào…

“Thay vì để cơ quan báo chí tìm tới lấy thông tin, chủ trương của Cục BVTV là sẽ chủ động thông tin cho báo chí về các vấn đề liên quan tới hoa quả XK. Bởi để quả vải XK được sang Mỹ hay Úc chẳng hạn, chúng ta đã phải trải qua mấy năm đàm phán, rồi xây dựng vùng nguyên liệu trong nước.

Việc chủ động thông tin sớm cho báo chí, sẽ là kênh quan trọng giúp các DN, các địa phương, nông dân, cơ quan chức năng liên quan biết phải làm gì để có thể XK được, đáp ứng yêu cầu của các nước, đồng thời có sự chuẩn bị về chính sách, sẵn sàng để xây dựng kế hoạch đón đầu khi cơ hội mở ra” – ông Trung lí giải.

Sự thật không phải lúc nào cũng tốt

Kinh nghiệm ở nhiều nước cho thấy trước khi mở cửa NK hay XK một loại nông sản nào đó, báo chí truyền thông của họ đã vào cuộc từ rất sớm, đến khi sự việc diễn ra thì cả xã hội đã biết và nhất quán.

Điều này tôi thấy chúng ta chưa làm được, bởi chưa có định hướng và kế hoạch thông tin dài hơi. Tôi nghĩ phải có sự vào cuộc, chỉ đạo của cơ quan quản lí báo chí TƯ để thống nhất cách làm, thống nhất tư tưởng chung.

Việc mỗi báo có mỗi cách nhìn khác nhau đôi khi cũng gây nên những hiểu nhầm cho dư luận. Chẳng hạn như chuyện tiêu thụ nông sản, trong khi các cơ quan chức năng của chúng ta đã và đang rất nỗ lực để mở cửa XK, đã tìm được nhiều thị trường, thì nhiều đài báo vẫn chỉ nói một chiều về chuyện chúng ta không có đầu ra, không tìm kiếm thị trường, SX kiểu “cầu may”…

Hay như câu chuyện dưa hấu dồn ứ cửa khẩu, năm nào báo chí cũng nói, dư luận gay gắt rằng tại sao chúng ta không mở thêm nhiều cửa khẩu để khỏi ùn ứ?

Nhưng họ đâu biết rằng việc đó các cơ quan chức năng Việt Nam đã đàm phán, đã vào cuộc rất lâu rồi, nhưng phía Trung Quốc họ chỉ cho phép mở chừng ấy cửa khẩu, mỗi cửa khẩu họ chỉ cho thông quan một số mặt hàng nhất định mà thôi.

Về cách thông tin, tôi nghĩ nông sản là mặt hàng rất nhạy cảm. Ở nhiều nước, không phải thông tin gì họ cũng đăng. Trong khi chúng ta từ chuyện năng suất, sản lượng vụ này bao nhiêu, mất mùa hay được mùa, được giá hay ế ẩm đều tung hết lên mặt báo.

Báo chí trong nước hiện nay không phải viết ra chỉ có mỗi chúng ta đọc, mà thế giới, đặc biệt là các đại sứ, tham tán thương mại nước ngoài ở Việt Nam họ theo dõi rất kỹ, tôi nghĩ là còn kỹ hơn cả chúng ta nữa. Vì thế sự thật 100% không phải lúc nào cũng tốt.

(Ông Hoàng Trung)

 

LÊ BỀN
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo