Tái cơ cấu ngành muối theo hướng phát triển bền vững
17:05 - 25/06/2015
(Cổng ĐT HND) - Việt Nam có 21 tỉnh ven biển sản xuất muối trải dài từ Hải Phòng đến Cà Mau, thu hút 78.600 lao động. Tổng sản lượng muối bình quân trong 5 năm gần đây đạt trên 900 nghìn tấn/năm. Năm 2014, diện tích sản xuất muối cả nước ước đạt gần 15.000 ha. Sản lượng muối đạt 1,2 triệu tấn.
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, hiện ngành muối đang đứng trước nhiều thách thức: việc làm, thu nhập của diêm dân ngày càng khó khăn hơn do sản xuất thủ công, năng suất thấp. Hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là các FTA vừa ký giữa Việt Nam và các nước sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, tiêu thụ, và thu nhập của người làm muối, phần lớn là các hộ nghèo ở nông thôn. Xu hướng cạnh tranh ngày càng tăng trong ngành muối, ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiêu thụ muối, tác động tiêu cục đến cuộc sống của người sản xuất. Biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tài nguyên nước biển diễn biến phức tạp và thay đổi, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất muối.

 
Muối trong nước dư thừa khoảng 600.000 tấn, cao hơn gấp 4 lần so với năm trước. Trong khi đó, muối từ Pakistan, Ấn Độ vẫn được nhập về ồ ạt. Chất lượng muối công nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà máy, muối nhập ngoại đạt tiêu chuẩn chất lượng mà giá thành rẻ hơn rất nhiều so với muối nội. Công việc nặng nhọc, thu nhập thấp khiến nhiều diêm dân bỏ nghề lên thành phố kiếm sống.

 
Mùa vụ sản xuất muối bị thu hẹp do khí hậu, thời tiết bất thường, thời gian mùa khô rút ngắn lại, mưa trái vụ… gây thiệt hại đáng kể cho diêm dân. Tổn thất sau thu hoạch tăng do phần lớn muối thô được bảo quản tại các kho tạm xây dựng ngay tại đồng muối bằng vật liệu không chắc chắn, dễ hỏng.
 

Trước thực trạng khó khăn của ngành muối, vừa qua, Bộ Nông nghiệp và phát triển  phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành muối muối theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
 

Theo đó, đến năm 2020, tổng diện tích sản xuất muối ổn định 14.500 ha, sản lượng đạt 2 triệu tấn, trong đó diện tích sản xuất muối công nghiệp 8.000 ha, sản lượng muối công nghiệp đạt 1,31 triệu tấn (chiếm 65,5%). Chất lượng muối đạt các chỉ tiêu chất lượng theo Tiêu chuẩn Quốc gia tương ứng với từng loại muối. Phát triển diện tích sản xuất muối công nghiệp, áp dụng khoa học công nghệ, thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất, nhất là khâu thu hoạch muối, tăng năng suất 20%, tăng giá trị gia tăng các sản phẩm muối ít nhất 20% so với hiện nay. Nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống thủy lợi đồng muối của dân, áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến muối, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm muối ít nhất 20% so với hiện nay. Đồng thời xây dựng mô hình liên kết hợp tác sản xuất muối sạch bền vững, thúc đẩy sự hợp tác của người dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ muối.


Việc tái cơ cấu ngành muối theo hướng phát triển bền vững là thật sự cần thiết nhằm cải thiện đời sống của diêm dân và khuyến khích họ duy trì nghề làm muối truyền thống.  Vì vậy, để đề án tái cơ cấu ngành muối đi vào thực tiễn hiệu quả, chúng ta phải bắt đầu triển khai từng bước trong bối cảnh nghề sản xuất cũng như diêm dân đang khó khăn, chính sách nhà nước chưa đáp ứng nhu cầu.
 
 
Đầu tiên, các địa phương cần tập trung triển khai cụ thể hóa kế hoạch hành động, các chính sách hiện hành để hỗ trợ sản xuất, lựa chọn các dự án ưu tiên đầu tư, đặc biệt là cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất muối. Yêu cầu Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối tiếp tục tham mưu cho Bộ để soạn thảo Nghị định về ngành hàng muối trình Chính phủ, trong đó làm rõ công tác quản lý chất lượng, phân biệt muối ăn và muối công nghiệp, những tiêu chuẩn, quy chuẩn, cơ chế chính sách,.. nhằm tạo ra cơ chế đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp liên kết tốt với vùng nguyên liệu và hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu.
 

Sản phẩm muối có đặc thù riêng, là mặt hàng nhạy cảm, mặt hàng thiết yếu và có sự điều chỉnh giá của Nhà nước. Muối cũng luôn là mặt hàng dự trữ quốc gia. Mặt khác, người lao động ở các vùng ven biển nghèo, nên tái cơ cấu với muối không những phải nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững mà còn phải quan tâm đến lợi ích đời sống của nông dân.
 

Cần tạo ra những cơ chế đột phát trong ứng dụng công nghệ vào sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp liên kết tốt với vùng nguyên liệu và hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần sớm thúc đẩy hình thành Hiệp hội ngành hàng Sản xuất và kinh doanh muối. Hiệp hội có vai trò nói lên tiếng nói của người sản xuất và kinh doanh, làm cầu nối với Nhà nước, bảo vệ quyền lợi cho người sản xuất và DN.
 

Cục chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối nên phối hợp cùng Viện cơ điện và công nghệ sau thu hoạch nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng, đặc biệt là muối ăn để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và muối công nghiệp để đáp ứng nhu cầu của nhà máy. Viện cơ điện và các cơ quan nghiên cứu cần bám sát thực hiện, làm sao có nhiều đề tài và sản phẩm khoa học, giảm giá thành, nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh của ngành muối.
 

Cuối cùng, tổng kết các mô hình sản xuất, mô hình liên kết và trao đổi các kinh nghiệm thực tiễn. Đồng thời, khi thực hiện các kế hoạch trung hạn, các địa phương cần triển khai các dự án ưu tiên do các khó khăn trong cơ sở hạ tầng. Với các mô hình sản xuất nông hộ cần có mối liên kết dưới hình thức Tổ hợp tác và Hợp tác xã; các doanh nghiệp cần liên kết và có chính sách riêng cho các vùng nguyên liệu.
 

 
Quốc Hoàng
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo