Xây dựng nông thôn mới: Nghiêm cấm huy động dân nghèo đóng góp
15:54 - 07/07/2015
“Vừa rồi có nơi đã huy động cả người nghèo đóng góp vào xây dựng nông thôn mới, trừ vào cả số tiền mà người nghèo được hưởng thì thật là phản cảm", và thêm một lần nữa, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu không được huy động dân nghèo đóng góp tiền của để xây dựng đường xá, các công trình để đạt các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh:Chính quyền địa phương các cấp chỉ được huy động sức dân vào xây dựng nông thôn mới ở mức hợp lý, tùy thuộc vào điều kiện của người dân. Không được huy động đóng góp nông thôn mới của hộ nghèo. - Ảnh: VGP/Thành Chung

Chỉ đạo này được Phó Thủ tướng đưa ra tại Hội nghị tổng kết 5 năm xây dựng, quản lý giao thông nông thôn gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới của ngành giao thông vận tải, vừa được tổ chức tại Hà Nội, ngày 6/7.


Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, cũng là Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cho biết thời gian qua, ông đã chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp (chính quyền cấp xã) huy động quá sức sức dân hoặc người dân nghèo vào xây dựng nông thôn mới.


Ông cho rằng, đối với vùng có đông đồng bào nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thì ngân sách Nhà nước thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng phải là chủ yếu, có thể chiếm 90-100% vốn vì “dân đã nghèo thì huy động được gì nữa”.


“Vừa rồi có nơi đã huy động cả người nghèo đóng góp vào xây dựng nông thôn mới, trừ vào cả số tiền mà người nghèo được hưởng thì thật là phản cảm. Tôi đã chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp này”, Phó Thủ tướng nói đồng thời nhấn mạnh: “Chính phủ nghiêm cấm huy động người nghèo đóng góp”.


Phó Thủ tướng còn cho biết, hiện nay, việc phân bổ vốn xây dựng nông thôn mới cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, hải đảo, bãi ngang ven biển được Chính phủ ưu tiên nguồn lực gấp 2 lần các xã bình thường (theo Nghị quyết của Quốc hội) nhưng “để đáp ứng nhu cầu về hạ tầng giao thông, sản xuất thì còn phải đầu tư nhiều hơn nữa”. Nhưng chính quyền địa phương các cấp chỉ được huy động sức dân vào xây dựng nông thôn mới ở mức hợp lý, tùy thuộc vào điều kiện của người dân. Thậm chí, Phó Thủ tướng đề nghị: “Nếu huy động người nghèo dùng sức để xây dựng giao thông thì chính quyền phải tạo thêm điều kiện để người nghèo có thêm thu nhập từ sự huy động của chính quyền”.
 

Để thực hiện được quan điểm nhân văn này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh: Phân bổ ngân sách, vật tư, thiết bị từ cấp Trung ương tới địa phương cũng phải rõ ràng, vùng nghèo khó phải được hưởng nhiều hơn vùng có điều kiện thuận lợi.

Ngoài ra, để đảm bảo tiết kiệm trong thực hiện xây dựng đường giao thông, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị các địa phương căn cứ vào hướng dẫn của Chính phủ về phân cấp thực hiện các công trình nông thôn mới để triệt để phân cấp cho nhân dân xây dựng và giám sát.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho lãnh đạo và nhân dân các địa phương có thành tích xuất sắc trong xây dựng giao thông nông thôn. Mỗi địa phương này sẽ được Chính phủ hỗ trợ 1.000 tấn xi măng để tiếp tục xây dựng đường giao thông nông thôn - Ảnh: VGP/Thành Chung

Theo báo cáo của một số địa phương tại Hội nghị, việc giao cho nhân dân trực tiếp đầu tư, xây dựng đường giao thông nông thôn có giá trị thấp hơn tới 1/2 hoặc 2/3 tổng giá trị con đường nếu để xã thực hiện. Ngược lại, chính quyền và các cơ quan chức năng chỉ cần hỗ trợ dân ở khâu thiết kế kỹ thuật và vật tư xây dựng.


Bản thân Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng ghi nhận hình thức này đạt hiệu quả cao khi ông trực tiếp tới thăm con đường bê tông liên thôn dài nhất tỉnh Lào Cai ở xã Tả Phời, ngoại thành thành phố Lào Cai. Tỉnh giao cho người dân làm con đường rộng 3,5 m, dài 17 km này chỉ hết 10 tỷ đồng, trong khi dự toán là 40 tỷ đồng. Con đường giúp rút ngắn thời gian từ trung tâm xã tới thành phố Lào Cai xuống còn một nửa.


Không chỉ vậy, do dân trực tiếp thi công nên khi hoàn thành, người dân cũng trực tiếp quản lý, bảo vệ nên không xảy ra việc xe quá tải di chuyển làm hỏng đường, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, hiệu quả kinh tế cho người dân.


Cũng tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá cao nỗ lực của ngành giao thông vận tải,  chính quyền địa phương các cấp đã huy động được 186.194 tỷ đồng trong 5 năm qua để phát triển đường giao thông nông thôn, gấp 1,83 lần so với 10 năm trước đó trong bối cảnh kinh tế-xã hội của đất nước gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, chủ yếu là vốn từ phía Nhà nước chiếm trên 70%, còn lại là vốn huy động từ xã hội và cộng đồng dân cư.


Với số vốn trên, chiều dài đường giao thông nông thôn tăng 217.433 km (kể cả giao thông nội đồng), trong đó xây dựng mới gần 47.500 km đường giao thông nông thôn, tăng hơn 10.000 km so với 10 năm trước. Cải tạo, nâng cấp và sửa chữa hơn 103.000 km, bình quân tăng 54%/năm; xây dựng mới 15.474 cầu và sửa chữa hơn 11.000 cầu.

Tính chung cả nước, hệ thống đường giao thông nông thôn tới nay đã cứng hóa được hơn 220.000 km, ứng với 44,68%.


Một số tỉnh, thành phố trên cả nước có tỷ lệ đường giao thông nông thôn được cứng hóa, xây dựng mới cao như Vĩnh Phúc (trên 80%), Cần Thơ (92%). Đặc biệt ở Tuyên Quang, trong 4 năm qua, chiều dài đường giao thông nông thôn được xây dựng mới dài hơn 2.000 km, gấp 1,5 lần chiều dài từ Hà Nội tới Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, việc xây dựng, cứng hóa số quãng đường còn lại sẽ gặp rất nhiều khó khăn về thi công và vốn do nằm ở các xã miền núi, biên giới, hải đảo. Do đó, việc huy động nguồn lực thực hiện vẫn phải đặt vai trò của Nhà nước lên đầu tiên.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải sớm nghiên cứu trình Quốc hội Đề án phát hành trái phiếu xi măng để làm đường nông thôn mới, nhất là ở vùng biên giới, vùng núi cao. Đồng thời, Bộ này sớm ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với từng loại đường nông thôn tương ứng với mỗi vùng miền.


Trong bố trí ngân sách địa phương thì các tỉnh phải chủ động, chú ý tới đặc thù của từng vùng, nhất là vùng miền núi khó khăn, để phân bổ ngân sách ưu tiên hơn. Còn Chính phủ cũng đang giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát và thực hiện phân bổ cao hơn cho các xã miền núi, bãi ngang ven biển... sau khi được Quốc hội tăng chi 15.000 tỷ đồng cho Chương trình từ năm 2014-2016.

Nhấn mạnh ý nghĩa của phát triển giao thông nông thôn nói riêng và các chỉ tiêu nông thôn mới nói chung đối với phát triển kinh tế-xã hội vùng nông thôn (chiếm 80% diện tích, 70% dân số của cả nước), Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị Đại hội đảng bộ cấp huyện, tỉnh cần phải đưa các chỉ tiêu này vào Nghị quyết để thực hiện hiệu quả, chất lượng vì cuộc sống của người dân.

Thành Chung/ Theo Chinhphu.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo