Phát triển bền vững cây hồ tiêu
11:00 - 29/06/2015
(TNNN) - Năm 2014 Việt Nam xuất khẩu hồ tiêu đạt kim ngạch 1,2 tỉ USD. Tuy nhiên, do lợi nhuận từ việc trồng tiêu mang lại cao nên nông dân ở các địa phương tự phát mở rộng diện tích ồ ạt, trong khi kỹ năng trồng và chăm sóc không đúng quy trình dẫn đến cây tiêu bị sâu bệnh, năng suất, giá bán thấp...
Ảnh minh họa

Xuất khẩu hồ tiêu đứng đầu thế giới
 
Đến nay, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu hồ tiêu nhiều nhất, hiện chiếm 57% lượng hồ tiêu giao dịch thị trường thế giới. Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), năm 2014 hồ tiêu lần đầu lọt vào nhóm các mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỉ USD với kim ngạch 1,2 tỉ USD. Hồ tiêu Việt Nam đã xuất khẩu đi 97 quốc gia và vùng lãnh thổ nên không bị phụ thuộc thị trường, ngay với Trung Quốc (chiếm 20% thị phần). Thị phần nhập khẩu hồ tiêu Việt Nam châu Âu hiện chiếm 34%, châu Á 36%, châu Mỹ 20% và châu Phi là 10%.
 
Từ năm 2007 đến nay, giá hồ tiêu nông dân bán luôn ở mức cao và theo xu hướng năm sau cao hơn năm trước, hiện nay ở mức cao kỷ lục 200.000 đồng/kg. Năm 2014, sản lượng hồ tiêu cả nước đạt 152.000 tấn, trong đó các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Đông Nam bộ chiếm 95% sản lượng tiêu của cả nước.
 
4 tháng đầu năm 2015, các doanh nghiệp xuất khẩu 57.000 tấn, thấp hơn 23% so với cùng kỳ, nhưng giá trị lại tăng 21%, với kim ngạch đạt 521 triệu USD. Giá hồ tiêu đen xuất khẩu bình quân đạt trên 8.700USD/tấn, tăng hơn 2.200USD/tấn (34,7%), tiêu trắng đạt 12.500USD/tấn cũng tăng 34,7% so cùng kỳ năm 2014. Đây cũng là mức giá kỷ lục từ trước đến nay với hồ tiêu Việt Nam.
 
Năng suất hồ tiêu Việt Nam đã đạt bình quân 2,3-2,5 tấn/ha, số diện tích đạt năng suất 8-10 tấn/ha tăng hàng năm và được xem là ngành hàng có hiệu quả cao nhất trong số 5 loại cây công nghiệp lâu năm của Việt Nam.
 
Với việc có thể giữ trong kho 2 năm vẫn không ảnh hưởng đến chất lượng, người trồng tiêu Việt Nam đã chủ động trữ hàng, buộc người mua muốn có hàng phải tăng giá và khi giá lên thì không hạ nên lợi nhuận phần lớn vào túi người trồng còn doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu hưởng phí dịch vụ xuất khẩu (công mua hàng, đóng gói, nâng chất lượng…). Điều này lý giải vì sao, đầu năm nay, khi vào vụ thu hoạch giá hồ tiêu thường giảm, nhưng thực tế chỉ thời gian tết giá có hơi sụt, còn từ tháng 3 đến nay luôn ở mức 200.000 đồng/kg.
 
Các doanh nghiệp trong ngành đã tập trung đẩy mạnh chế biến sâu, giảm dần xuất khẩu thô, đa dạng hoá sản phẩm theo nhu cầu thị trường, cho giá trị gia tăng cao hơn như sản phẩm tiêu trắng, tiêu bột, tiêu đỏ phục vụ thị trường cao cấp. Hiện đã có 18 doanh nghiệp hồ tiêu đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tiêu công nghệ hiện đại, công suất 60.000-70.000 MT/năm, trong đó có 14 nhà máy chế biến hồ tiêu đạt tiêu chuẩn châu Âu, Mỹ…
 
Dù vụ thu hoạch tiêu năm 2015 cơ bản hoàn tất nhưng chưa có con số chính thức về năng suất, sản lượng; lượng tiêu lớn chủ yếu đang nằm trong dân và các đại lý. Theo nhận định của VPA và Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế, sản lượng hồ tiêu Việt Nam 2015 ổn định dù thời tiết bất lợi và dịch bệnh khá nặng ở các vùng chuyên canh nhưng được bù lại từ nguồn hạt tiêu thu hoạch vụ đầu của diện tích trồng tự phát những năm 2010-2011.
 
Sản xuất tự phát vượt quy hoạch
 
Do thu nhập từ hồ tiêu hiện nay cao nhất trong tất cả các loại cây trồng nên nông dân tự ý mở rộng diện tích. Theo khảo sát của các chuyên gia, diện tích hồ tiêu trồng mới trong 2 năm 2013 và 2014 lên đến 10.000 ha/năm và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có thêm 1.882 ha trồng mới, Bình Phước có thêm 1.533 ha. Ước tính trong những tháng đầu năm 2015, diện tích hồ tiêu Việt Nam đã tăng gần gấp đôi so với quy hoạch, và vẫn còn tiếp tục tăng lên.
 
Đến nay, tổng diện tích hồ tiêu cả nước đạt gần 86.000ha, trong đó vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên hơn 78.000ha (chiếm 91,39%).
 
Theo chủ trương của VPA, đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, diện tích trồng hồ tiêu cả nước duy trì và ổn định ở mức 50.000ha, trong đó chủ lực tập trung ở khu vực Đông Nam bộ và Tây Nguyên chiếm đến 81% (41.500ha). Diện tích hồ tiêu cho sản phẩm 47.000ha, năng suất đạt bình quân 30 tạ/ha với tổng sản lượng đạt 140.000 tấn. Trong đó, sản phẩm tiêu chất lượng cao đạt 90% với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt từ 1,2-1,3 tỷ USD.
 
Phát triển chưa bền vững
 
Do phát triển tự phát nên vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang rất nóng. Dù chưa có báo cáo chính thức nhưng thông tin về việc hồ tiêu Việt Nam bị phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại một số nước nhập khẩu đặt ra vấn đề cho ngành hồ tiêu trong thời gian tới. Ngoài ra, nhiều quy định về dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trên hồ tiêu của các nước nhập khẩu đã bắt đầu có hiệu lực. Từ năm 2014 và nhất là năm 2015, châu Âu đã siết chặt vấn đề VSATTP, kiểm tra gắt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nên lượng xuất năm 2014 và 4 tháng đầu năm 2015 sang thị trường này bị giảm, riêng thị trường Đức giảm trên 50%.
 
Giá tiêu Việt Nam hiện thấp hơn Malaysia, Indonesia từ 600 - 1.500 USD/tấn do chất lượng thấp.
 
Do lợi nhuận từ việc trồng tiêu mang lại cao nên nông dân ở các địa phương tự phát mở rộng diện tích ồ ạt, trong khi đó kỹ năng trồng và chăm sóc không đúng quy trình nên trong thời gian gần đây một số diện tích trồng tiêu bị sâu bệnh cho năng suất thấp, thậm chí ở một số nơi có nhiều diện tích bị mất trắng do bệnh gây hại.
 
Giá cao, lợi nhuận lớn không chỉ làm gia tăng diện tích vượt quá quy hoạch mà còn xuất hiện tâm lý chạy theo năng suất, dẫn đến việc khai thác tài nguyên (đất, nước…) thiếu khoa học, lạm dụng phân bón, khiến sâu bệnh có chiều hướng lan rộng, cây tiêu mất sức đề kháng, mau suy kiệt.
 
Theo điều tra của Viện KHKT nông nghiệp miền Nam, có 8 loại dịch bệnh trên hồ tiêu là bệnh thối rễ, xoăn lá, đốm lá đen, đốm lá trắng, đốm rong, rệp bông, nhưng nguy hiểm nhất là bệnh chết nhanh do nấm Phythopthora và bệnh chết chậm do nấm Fusarium, từng xóa sổ nhiều vùng tiêu ở các tỉnh trọng điểm Tây Nguyên, Đông Nam bộ… Nấm bệnh nhiều buộc bà con gia tăng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, dẫn đến nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
 
Ngoài ra, đầu ra hiện quá thuận lợi nên nông dân không quan tâm đến việc kết nối tiêu thụ với doanh nghiệp. Theo Chủ tịch VPA Đỗ Hà Nam, chủ trương của Nhà nước luôn kêu gọi liên kết sản xuất lớn, gắn kết nông dân và doanh nghiệp nhưng riêng ngành hồ tiêu thì nông dân không thích doanh nghiệp đến tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác.
 
Thời gian tới, ngành hồ tiêu chủ trương không tăng diện tích mà tập trung củng cố, nâng cao chất lượng, giá trị và chú trọng vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm trong toàn chuỗi. Đồng thời, chú trọng trồng tiêu hữu cơ với giá bán gấp 2,6 lần như Malaysia để đa dạng thêm phân khúc thị trường. Bên cạnh đó, đầu tư thêm nhiều cơ sở chế biến sâu, đa dạng sản phẩm bằng công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao sức mạnh, đáp ứng nhiều thị trường sử dụng gia vị không sử dụng hoá chất…
 

Trần Hưng
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo