(TNNN) - Thời gian gần đây, tình trạng tôm giống sau khi thả bị nhiễm bệnh chết hàng loạt đã xảy ra tại nhiều địa phương trong cả nước, gây thiệt hại rất lớn cho bà con nông dân. Chưa bao giờ người nuôi tôm phải phân vân, đắn đo việc lựa chọn con giống như thời điểm hiện nay.
|
Ảnh minh họa |
Theo Chi cục Thú y tỉnh Thái Bình, tính đến hết ngày 7-5 dịch bệnh đốm trắng trên tôm sú và tôm thẻ phát sinh tại hai xã Thái Đô (huyện Thái Thụy) và Đông Minh (Tiền Hải), diện tích ao nuôi có tôm chết là 4,274 ha với số lượng giống thả là 2,215 triệu con. Tổng số hộ có tôm chết ở hai xã là 35 hộ với 40 ao nuôi. Các mẫu xét nghiệm đều cho kết quả dương tính với bệnh đốm trắng ở tôm.
Tại Hà Tĩnh, từ đầu tháng 5 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện bệnh đốm trắng trên tôm, làm cho hàng vạn con tôm giống khoảng 30-40 ngày tuổi bị chết. Trước đó, ngày 25/4, tại các xã Kỳ Trinh, Kỳ Thư, Kỳ Thọ (huyện Kỳ Anh), bệnh đốm trắng cũng đã làm hàng vạn con tôm giống nuôi trên diện tích 7 ha (nuôi theo hình thức quảng cảnh) của bà con nơi đây bị chết.
Tại Kiên Giang, theo kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y tỉnh, trong 150 mẫu tôm giống (gồm xét nghiệm miễn phí cho dân nuôi quảng canh, làm dịch vụ và giám sát dịch bệnh), phát hiện có 83 mẫu nhiễm bệnh còi (MBV), chiếm 55,3%; 11 mẫu đốm trắng (WSD); 2 mẫu hoại tử gan tụy cấp (AHPND) và 4 mẫu chẩn đoán hoại tử cơ nhưng chưa rõ nguyên nhân.
Ở Bạc Liêu, hiện có 394 cơ sở sản xuất và ươm tôm giống để bán. Tuy nhiên, số cơ sở đầu tư mạnh về quy mô, đi đầu trong ứng dụng công nghệ hiện đại, sử dụng nguồn tôm bố mẹ sạch bệnh để có tôm giống chất lượng cao chỉ chiếm 20%.
Là nước xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới, con tôm đã mang lại 4,1 tỷ USD cho Việt Nam trong năm 2014 (chiếm gần 52% giá trị xuẩt khẩu thủy sản). Thế nhưng, đây cũng là năm mà Việt Nam phải chi tới hơn 1 tỷ USD để nhập khẩu tôm giống.
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), trung bình mỗi năm Việt Nam cần đến 130 tỷ con tôm giống thương phẩm để phục vụ nuôi trồng, trong đó có 100 tỷ tôm thẻ chân trắng và 30 tỷ tôm sú. Mỗi năm chúng ta mới sản xuất được 3.000 cặp tôm sú giống bố mẹ (đáp ứng 10% nhu cầu), còn tôm thẻ chân trắng bố mẹ phải nhập khẩu 100%. Năm 2014, Việt Nam nhập khẩu khoảng 248.000 con tôm thẻ chân trắng giống bố mẹ. Từ nguồn tôm bố mẹ này, các doanh nghiệp sản xuất tôm giống thương phẩm, khoảng hơn 100 tỷ con tôm giống mỗi năm để cung cấp cho người nuôi tôm.
Vì chưa sản xuất được tôm giống bố mẹ, nên Việt Nam phải bỏ ra 10 triệu USD mỗi năm để nhập từ khẩu từ: Mỹ, Singapore, Thái Lan, Indonesia (trung bình mỗi con tôm giống bố mẹ từ 40 - 50 USD). Nhưng mỗi cặp tôm giống bố mẹ này chỉ sản xuất được trong vòng 3 - 4 tháng, sau đó phải thay mới, nên chúng ta luôn phải phụ thuộc vào nguồn tôm giống nhập khẩu.
Vì phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu nên chất lượng tôm giống không đảm bảo. Nước ta đã có nhiều đề tài nghiên cứu để tạo ra tôm giống bố mẹ, cung cấp cho thị trường nhưng đến nay, vẫn chưa có đơn vị nào công bố chính thức sản xuất được tôm giống bố mẹ.
Để chủ động được nguồn tôm giống thẻ chân trắng bố mẹ, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 và 2 nghiên cứu theo hai giai đoạn. Giai đoạn trước mắt, nhanh chóng tạo ra tôm giống bố mẹ có chất lượng, thay thế nguồn nhập khẩu. Dự kiến, năm 2016 sẽ có tôm giống bố mẹ đưa vào sản xuất. Giai đoạn hai, dự án dài hạn, nhằm có được tôm giống bố mẹ chất lượng cao, cung cấp cho thị trường vào năm 2020.