|
Ảnh minh họa |
Trong sản xuất lúa gạo có ba mấu chốt là đất, nước và giống. Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo đến nay vẫn còn nhiều bất cập, nông dân trồng lúa còn gặp nhiều khó khăn. Thiếu các giống lúa năng suất và chất lượng cao, thích nghi với đặc thù từng tiểu vùng sinh thái của ĐBSCL, chống chịu được sâu bệnh và điều kiện khó khăn do biến đổi khí hậu. Thiếu nguồn cung cấp giống tốt, đến nay chỉ có khoảng trên 30% giống cấp xác nhận được sử dụng trong sản xuất lúa. Nông dân sản xuất lúa gặp nhiều rủi ro do sâu bệnh, thiên tai như lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn và thị trường tiêu thụ. Một số nơi “nâng cấp” hạt giống chưa đúng với quy định với ý đồ thành tích hay thương mại, nên có địa phương công bố đã dùng giống lúa xác nhận tới 20%-40% nhưng thực tế chỉ đạt 10%-14%.
Theo Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có hơn 260 giống lúa đã được chấp nhận đơn bảo hộ quyền tác giả, trong đó 91 giống đã được cấp bằng bảo hộ giống cây trồng mới. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, hiện Việt Nam có quá nhiều loại giống, nhưng chất lượng không cao; tình trạng làm giống giả, nhái, kém chất lượng tràn lan. Thời gian qua, qua thanh kiểm tra, có trên 210 mẫu giống lúa có một hoặc một số chỉ tiêu không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật; phát hiện sai phạm tại gần 140 cửa hàng, xử lý vi phạm 94 cửa hàng.
Hầu như 63 tỉnh, thành của nước ta, tỉnh nào cũng có một trung tâm nghiên cứu giống lúa của Nhà nước, cùng hàng ngàn doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã và cá nhân nông dân trên khắp vùng miền cả nước tham gia sản xuất lúa giống.
Với một đội ngũ hùng hậu như thế, đáng lẽ gạo Việt Nam phải vang danh khắp thế giới. Thế nhưng qua 20 năm xuất khẩu gạo, Việt Nam vẫn cứ mãi ì ạch ở phân khúc gạo cấp thấp, chất lượng kém, không có thương hiệu, giá trị hạt gạo làm ra thấp, nông dân vẫn nghèo khó.
Một vấn đề tồn tại trong nghiên cứu lúa giống nữa là nhiều trung tâm gọi là “nghiên cứu” cho oai, thực chất chỉ là nơi chọn tạo, sản xuất hạt giống F1, ngay đến khâu sản xuất giống xác nhận cũng chưa làm nổi, chứ đừng nói đến siêu nguyên chủng.
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT, hiện các tỉnh ĐBSCL (chiếm hơn 90% diện tích sản xuất lúa của cả nước) có gần 1.500 CLB, tổ hợp tác, nông hộ sản xuất lúa giống, nhưng do công tác quản lý còn yếu kém, thậm chí “thả nổi” nên chất lượng giống các đơn vị này làm ra không ai kiểm soát. Hệ quả là hiện có hơn 80% giống lúa sản xuất hàng năm ở Việt Nam không đạt tiêu chuẩn xác nhận, làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng hạt lúa.
Từ nhiều năm nay, các loại giống lúa "dòng 2" sau khi sản xuất từ giống lúa xác nhận, thay vì làm lúa thịt thì được mua bán trôi nổi trên thị trường mà cơ quan chức năng gọi đó là giống không rõ nguồn gốc. Do giá rẻ, mua bán thuận tiện nên nó mặc nhiên tồn tại…
Tại ĐBSCL đang có quá nhiều giống lúa được sử dụng nhưng lại không có những giống vượt trội hẳn. Về lúa thơm, có thể kể ra các giống rất tốt như Nàng hoa 9, các giống ST, giống lúa VND 95-20… Trong đó, gạo xay ra từ lúa Nàng hoa 9 đã được nhiều chuyên gia, khách hàng đánh giá là không thua kém giống Khao Dawk Mali nổi tiếng của Thái Lan. Còn lúa hạt dài, chúng ta cũng có những giống tốt như OM 4900, OM 6976… đang được khách hàng nước ngoài ưa chuộng... Những giống tốt đó đang gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng vùng sản xuất, nguyên nhân chính là ở khâu thị trường do thiếu sự tham gia của doanh nghiệp xuất khẩu.
Nhiều giống lúa tốt được đưa vào sản xuất ở ĐBSCL, nhưng sau một thời gian ngắn đã nhanh chóng bị thoái hóa. Nguyên nhân chính là ở tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực giống. Hiện nay, có tình trạng nhiều DN không có trong tay bản quyền một giống lúa nào đó, tức là không có hạt giống siêu nguyên chủng trong tay, nhưng vẫn công khai tổ chức SXKD giống lúa ấy. Khi không có bản quyền thì đương nhiên DN không thể nắm được hết những đặc tính của giống lúa. Do đó, hạt giống thương mại do họ SX ra chắc chắn không thể đạt chất lượng tốt. Đây là vấn đề mấu chốt khiến nhiều giống lúa khi mới ra đời thì rất tốt, nhưng chỉ sau một thời gian không lâu đã bị thoái hóa.
Tại Quảng Ngãi, cứ đến mùa vụ, giống lúa như “trăm hoa đua nở”. Sự xuất hiện của quá nhiều giống lúa đã khiến người nông dân Quảng Ngãi như lọt vào “ma trận”. Trong Hội nghị sơ kết vụ đông xuân 2014-2015, triển khai sản xuất vụ hè thu 2015, ông Phan Quang Hùng- Phó Phòng NN&PTNT huyện Sơn Tịnh cho rằng, cơ cấu tới 27 giống là quá nhiều. Khảo sát các đại lý vật tư nông nghiệp, hiện có không dưới vài chục giống lúa đang bán trên thị trường, có cả những giống lúa mà ngành nông nghiệp đã khuyến cáo không dùng vì kém chất lượng hoặc giống dài ngày không phù hợp trong điều kiện sản xuất của vụ hè thu. Quá nhiều giống gây ra tình trạng loạn lúa giống, thông tin bị “nhiễu”, người nông dân chẳng khác gì lọt vào “ma trận” giống lúa, gây bất lợi cho nông dân trong quá trình sản xuất. Mặc khác nó cũng gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong quá trình kiểm soát chất lượng trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.
Về lúa lai, theo Bộ NN&PTNT, Việt Nam đã chi gần 38 triệu USD để nhập khẩu hơn 11.200 tấn hạt giống lúa lai, gieo trồng khoảng 400 nghìn ha lúa. Phần lớn lúa lai được nhập từ Trung Quốc và các Công ty đa quốc gia. Hiện, nguồn cung giống lúa lai phục vụ sản xuất trong nước đã đáp ứng được khoảng 30%, khoảng 70% còn lại phải nhập khẩu.
Việc phụ thuộc gần như hoàn toàn vào hạt giống lai nhập khẩu (phần lớn từ Trung Quốc) khiến chúng ta không chủ động, kiểm soát được cả về mặt chất lượng và giá cả. Bởi thông thường, phía Trung Quốc chỉ chuyển giao những giống lúa lai cho ta sau khi họ đã sản xuất đại trà được 2-3 năm.
Mặc dù còn có những hạn chế nhất định về chất lượng, nhưng lúa lai lại cho năng suất cao và tính chống chịu tốt trong điều kiện bất thuận của môi trường, hay các yếu tố phi sinh học. Chính vì vậy, người dân vẫn thích lúa lai hơn, nên nhiều bộ giống lúa Trung Quốc đang chiếm ưu thế.
Theo ông Phạm Đồng Quảng, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), Việt Nam đã tạo ra được gần 20 tổ hợp lúa lai. Năm 2014, cả nước sản xuất được 2.560 ha giống lúa lai F1, tăng 200 ha so với 2013, năng suất hạt giống lai đạt 2,5 tấn/ha với sản lượng tăng đột biến lên khoảng 6.500 tấn, so với các năm trước chỉ khoảng 5.000-5.500 tấn. Dự kiến, năm 2015 nước ta sẽ đáp ứng 35% nhu cầu hạt giống lúa lai trong nước. Thời gian tới, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát đã hứa trước Quốc hội là sẽ chủ động sản xuất được 70% giống lúa lai, 30% còn lại nhập khẩu.
Việc ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ trong chọn tạo giống nhằm tìm ra giống lúa cho năng suất cao ổn định, phẩm chất gạo tốt, kháng sâu bệnh, thích nghi điều kiện tiểu vùng sinh thái và thay đổi khí hậu toàn cầu sẽ giúp bà con nông dân nâng cao thu nhập. Theo TS. Robert Zeigler, Tổng giám đốc Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI), thay vì tập trung quá nhiều vào việc nâng cao năng suất bằng cách sản xuất nhiều giống lúa năng suất cao, chất lượng thấp và bán với giá rẻ, Việt Nam nên đầu tư nhiều hơn cho khâu chọn tạo giống và chú trọng nhiều hơn đến việc sản xuất các giống lúa chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu gia tăng của thị trường khi hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu./.