Mặc dù đạt được một số kết quả quan trọng nhưng đến nay, sau 2 năm triển khai Đề án tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, nhiều địa phương vẫn tỏ ra lúng túng. Nguyên nhân được chỉ ra là do nhận thức về điều này còn chưa trúng.
|
Mô hình cánh đồng mẫu lớn, một nội dung của đề án tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo, được triển khai thực hiện ở nhiều địa phương |
Ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho biết: Sau 2 năm triển khai Đề án tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, giá trị sản xuất tăng trung bình từ 3% trở lên. Đến nay, đã có 41/63 tỉnh, thành phố xây dựng và phê duyệt Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó có lĩnh vực trồng trọt. Nhiều địa phương đã ban hành các chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; khuyến khích phát triển các loại cây trồng chủ lực có lợi thế ở địa phương… Nhờ đó, giá trị sản phẩm thu được trên 1ha canh tác tăng đáng kể: Năm 2012 đạt 72,8 triệu đồng/ha, năm 2014 đạt 79,3 triệu đồng/ha. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm trồng trọt vẫn duy trì ở mức 14,5 tỷ USD/năm. Hiện có 7 mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm, gồm: gạo 2,95 tỷ USD, cao su 1,78 tỷ USD, càphê 3,56 tỷ USD, hạt điều gần 2 tỷ USD, hạt tiêu 1,2 tỷ USD, rau quả 1,69 tỷ USD, sắn và sản phẩm từ sắn 1,14 tỷ USD…
Ngành trồng trọt đã đẩy mạnh chuyển đổi diện tích gieo trồng lúa sang cây trồng khác hoặc nuôi trồng thủy sản, từ đó đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Năm 2013, diện tích chuyển đổi đạt khoảng 90.000ha, năm 2014 gần 180.000ha, năm 2015 đạt khoảng 120.000ha. Mục tiêu đến năm 2020, chuyển đổi khoảng 700.000ha.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp còn thiếu ổn định (nếu như trồng trọt năm 2013 tăng 3%; năm 2014 là 3,2% thì 6 tháng đầu năm 2015 lại chưa đạt 2%). Ngoài ra, năng suất một số loại nông sản nước ta còn thấp, giá thành cao, thị trường tiêu thụ chưa ổn định (năng suất ngô chỉ bằng 80% năng suất bình quân thế giới; đậu tương bằng 57%; mía bằng 80% năng suất mía của Thái Lan...). Điều đáng nói hơn là, chất lượng nhiều loại nông sản của Việt Nam còn thấp, như: gạo, càphê, chè, trái cây... “Một trong những vấn đề nổi cộm không thể không nhắc tới là an toàn vệ sinh nông sản thực phẩm hiện tồn tại nhiều bất cập. Đây là nguyên nhân làm giảm nhu cầu tiêu thụ trong nước và rào cản hạn chế xuất khẩu nông sản nước ta, nhất là các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản...”, ông Trung nhấn mạnh.
Nhìn nhận về những nguyên nhân khiến tái cơ cấu ngành nông nghiệp ì ạch, hiệu quả chưa cao, nhiều ý kiến cho rằng, là do yếu kém trong khâu nhận thức.
“Nhiều đề án được xây dựng không sát với yêu cầu đặt ra về tái cơ cấu, thậm chí địa phương lúng túng nên chưa phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, ông Trung nêu một thực tế.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát cho rằng, vướng mắc trong tái cơ cấu trồng trọt là tư duy về tái cơ cấu của nhiều địa phương chưa “trúng”.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lâm Đồng, cho rằng, tái cơ cấu trồng trọt cần gắn với kết nối thị trường, xúc tiến thương mại, tăng cường công tác dự báo thị trường, liên kết các vùng miền sản xuất, lựa chọn những nội dung ưu tiên để làm trước, chuyển từ quy hoạch sản xuất sang quy hoạch ngành hàng, nhân rộng mô hình HTX hiệu quả gắn với mô hình cánh đồng mẫu lớn.
Nói về kế hoạch trong thời gian tới, ông Trung cho biết: “Tổ chức lại sản xuất được xem là động lực để thúc đẩy quá trình thực hiện tái cơ cấu. Cụ thể, ngành trồng trọt sẽ phát triển các hình thức tổ chức của nông dân như tổ hợp tác, hợp tác xã, các hiệp hội... để tổ chức lại sản xuất nhằm tạo ra những vùng sản xuất hàng hóa tập trung chất lượng cao, đồng đều, phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu. Cùng với đó là tăng cường liên kết giữa nông dân, các tổ chức của nông dân và doanh nghiệp để hợp tác đầu tư sản xuất kinh doanh tiêu thụ sản phẩm”.
Để cải thiện tình hình trên, trong thời gian tới, ngành trồng trọt sẽ chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa. Căn cứ vào điều kiện sản xuất của các vùng miền để lựa chọn phát triển những sản phẩm hàng hóa chủ lực như: Vùng phía Bắc là gạo chất lượng cao, chè, rau, hoa, quả,… để cung cấp chủ yếu cho thị trường nội địa và một phần cho xuất khẩu; khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ, ĐBSCL là lúa gạo, cây công nghiệp, cây ăn trái,… để phục vụ xuất khẩu và một phần nội địa. Ngành sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cả trong nước và xuất khẩu, trong đó tập trung vào thị trường xuất khẩu. Đồng thời, sẽ hoàn thiện các cơ sở pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi triển khai tái cơ cấu; đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến và tăng cường công tác khuyến nông…
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, lĩnh vực trồng trọt có vị trí rất quan trọng trong ngành nông nghiệp, giá trị sản xuất của trồng trọt hiện chiếm 53% trong cơ cấu ngành nông nghiệp, với hơn 500.000 tỷ đồng trong năm nay. Để thúc đẩy và duy trì tốc độ tăng trưởng, thực hiện tái cơ cấu ngành trồng trọt phải hướng đến nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững, lựa chọn những cây trồng chủ lực có lợi thế kinh tế cao. Theo đó, tái cơ cấu không chỉ là thay đổi cơ cấu cây trồng mà phải thay đổi cách tiếp cận trong tổ chức sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, cạnh tranh quốc tế và phát triển bền vững.