Kinh tế tập thể: Cần chính sách đặc thù
14:55 - 29/07/2015
(Cổng ĐT HND) - Thực hiện Luật HTX do Quốc hội ban hành từ năm 2012, đến nay trên địa bàn cả nước có hàng ngàn HTX nông nghiệp bao gồm: HTX dịch vụ nông nghiệp; HTX chăn nuôi;  HTX Thủy sản;  HTX trồng trọt... Các hợp tác xã đã thực hiện chức năng quản lý sản xuất, cung ứng dịch vụ nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.
Ảnh minh họa

Hỗ trợ nông dân tiếp cận các cơ chế chính sách của nhà nước, các nguồn lực; quản lý và khai thác có hiệu quả cơ sở hạ tầng nông nghiệp trong nông thôn. Là cầu nối giúp các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp liên kết với nông dân sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Nhiều HTX nông nghiệp qui mô lớn hoạt động hiệu quả đã góp phần đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế xã hội ở địa phương.


Trong phát triển kinh tế trang trại, tính đến nay chỉ riêng Hà Nội có 1.291 trang trại. Trong đó có 11 trang trại trồng trọt, 944 trang trại chăn nuôi, 1 trang trại nông nghiệp, 180 trang trại nuôi trồng thủy sản và 155 trang trại kinh doanh tổng hợp. Là loại hình kinh tế sử dụng hiệu quả các nguồn lực lao động và đất đai, nội lực vốn của chủ hộ, đã tạo việc làm cho trên 9.000 lao động, chiếm 0,15% số lao động nông thôn tham gia vào sẩn xuất nông nghiệp.


Tuy nhiên, kinh tế trang trại tăng nhanh về số lượng qui mô còn nhỏ, chiếm tỷ lệ thấp trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Nhiều trang trại thiếu vốn, chưa đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, việc giao đất, cho thuê đất chưa cụ thẻ, chưa mở rộng liên kết sản xuất theo hướng chuyên canh, qui mô hàng hóa. Mặc dù có thị trường rộng lớn nhưng tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn, vì vậy cần có chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho kinh tế trang trại phát triển.


Các hợp tác xã nông nghiệp mới chỉ thực hiện được một số dịch vụ đầu vào, dịch vụ đầu ra chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa được chú trọng. Vốn và cơ sở vật chất phục vụ sản xuất vừa thiếu lại vừa lạc hậu. Sự hợp tác liên kết trong hợp tác xã, doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất, cung ứng vật tư, chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn yếu kém. Trình độ cán bộ chủ chốt hợp tác xã còn hạn chế, thiếu năng động, kém hiệu quả… mặt khác hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp không chỉ cung ứng các dịch vụ đầu vào, đầu ra mà còn cả dịch vụ công ích ở nông thôn như: thủy lợi, nước sạch, môi trường, chuyển giao khoa học kỹ thuật… Vì vậy cần có chính sách hỗ trợ cho hợp tác xã nông nghiệp phát triển.


Sau khi Quốc hội ban hành Luật HTX số 23/2020/QH13, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 193/2013/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật hợp tác xã, trong đó có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước đối với hợp tác xã; ngoài các chính sách chung cho các hợp tác xã còn có qui định riêng cho các hợp tác xã nông, lâm, ngư, diêm nghiệp. Tuy nhiên, do tính đặc thù nên các hợp tác xã nông nghiệp vẫn vướng mắc, khó tiếp cận với cơ chế, chính sách hỗ trợ, các qui định chưa cụ thể. Hợp tác xã muốn hoạt động hiệu quả cần mở rộng qui mô nhưng do vướng mắc liên quan đến sử dụng hạ tầng phục vụ sẩn xuất nông nghiệp và nhất là hiện nay, liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản đang trở thành xu hướng tất yếu…
 
 
Những ưu việt của kinh tế hợp tác, HTX kiểu mới chưa ăn sâu trong tư tưởng cán bộ Đảng viên và nhân dân… nên họ phó mặc việc hình thành, phát triển HTX cho cơ chế thị trường điều tiết. Một ông chủ nhiệm, hay lãnh đạo HTX có thâm niên, kinh nghiệm, tài giỏi cấp quốc gia thậm chí khu vực hay quốc tế, nhưng không được đánh giá cao bằng một chủ doanh nghiệp mới thành công chút ít (dù chưa bền vững) trong thời gian ngắn, hay người mẫu, ca sĩ hạng trung.


Vấn đề vị thế của HTX chưa được nhìn nhận đúng đắn còn thể hiện trong việc nhiều chính sách ưu đãi đã "quên mất" đối tượng là HTX. Mặc dù Luật Hợp tác xã 2012 cũng như Nghị định số 193/2013/NĐ-CP có quy định chung về hỗ trợ vốn, tín dụng thông qua Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX và các tổ chức tín dụng (TCTD) theo quy định, nhưng chưa có các chính sách hỗ trợ cụ thể hơn trong việc ưu đãi tín dụng đối với HTX ở các TCTD.


Ví dụ, Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg ban hành quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV không quy định đối tượng được áp dụng là HTX, trong khi đây cũng là một kênh hỗ trợ HTX trong việc vay vốn đầu tư hoạt động tại các TCTD.


 Kinh phí và định mức hỗ trợ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với các thành viên của HTX, mặc dù đã được sửa đổi về các mức chi hỗ trợ, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu về nâng cao số lượng và chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Quy định về định mức hỗ trợ mới chỉ áp dụng cho việc đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ trong thời gian ngắn, mà chưa có quy định về định mức hỗ trợ trong trường hợp được cử đi đào tạo chính quy. Mức hỗ trợ đối với các DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trong đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường và áp dụng khoa học công nghệ không được áp dụng cho việc đào tạo nguồn nhân lực của HTX trong cùng lĩnh vực.


Đây là lý do, các đại diện HTX, lãnh đạo địa phương cho rằng, để thực hiện có hiệu quả chính sách ưu đãi về tín dụng đầu tư phát triển, cần xây dựng hệ thống liên kết giữa Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Trung ương và các Quỹ địa phương, theo hướng Quỹ Trung ương là đầu mối hướng dẫn, tư vấn và phối hợp cùng Quỹ địa phương triển khai hỗ trợ vốn cho các HTX theo các hình thức khác nhau như hợp vốn đồng tài trợ, uỷ thác..


Với các khó khăn, tồn tại như vậy, cần được bổ sung xây dựng chính sách mới thay thế chính sách được qui định tại quyết định của UBND TP để hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại. Đồng thời, tạo điều kiện cho các HTX nông nghiệp, kinh tế trang trại sớm tiếp cận với các cơ chế chính sách hỗ trợ của Trung ương, thành phố được thuận lợi, góp phần tái cơ cấu để hội nhập quốc tế.
 
Khánh Toàn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo