Là vùng đất giàu tiềm năng phát triển cây chè và các sản phẩm chế biến từ chè, tuy nhiên, khái niệm “chè hữu cơ” (chè không sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học) chỉ mới xuất hiện vài năm trở lại đây tại Lào Cai khi Công ty TNHH liên kết sinh thái mở rộng đầu tư nhà xưởng chế biến chè tại xã Bản Liền (Bắc Hà) để xuất khẩu sản phẩm sang châu Âu.
|
Nông dân xã Bản Liền thu hái chè. |
Từ cái bắt tay của doanh nghiệp
Toàn tỉnh hiện có trên 200 ha chè sản xuất theo hướng hữu cơ, chủ yếu tập trung tại xã Bản Liền (Bắc Hà). Do thói quen sản xuất hình thành từ xa xưa, nên chè Bản Liền vẫn giữ được chất lượng thơm ngon đặc biệt. Trước kia, xã Bản Liền là vùng chè Tuyết shan cổ thụ, ngày nay, một số cây chè cổ thụ vẫn còn nhưng nông dân đã biết cách bảo tồn giống chè quý bằng cách trồng mới cây chè, mở rộng diện tích.
Năm 2005, nhận thấy tiềm năng phát triển chè hữu cơ trên đất Bản Liền, Công ty TNHH liên kết sinh thái quyết định đầu tư nhà xưởng để chế biến chè an toàn. Từ đây, sản phẩm chè hữu cơ của nông dân đã có đầu ra ổn định. Giá thu mua chè búp tươi tăng dần theo từng năm, năm 2015 đạt bình quân 10.000 đồng/kg. Anh Vàng A Dương, Bí thư Đảng ủy xã Bản Liền cho biết: Năm 2015, chè Bản Liền đạt năng suất cao, từ đầu vụ đến nay bà con đã thu hoạch được 60 tấn, sản lượng này được xưởng chè thu mua với giá ổn định.
Giá thu mua chè của doanh nghiệp đối với chè hữu cơ luôn cao hơn các vùng chè khác do doanh nghiệp tìm được thị trường xuất khẩu ổn định tại Tây Âu. Ông Phạm Quang Thuận, Quản đốc Xưởng chè của Công ty TNHH Liên kết sinh thái chia sẻ: Để có được thị trường xuất khẩu là các nước phát triển, trước tiên doanh nghiệp phải đảm bảo chất lượng chè từ khâu sản xuất. Sau khi thành phẩm, trực tiếp các chuyên gia của đối tác đến tận nơi để kiểm định chất lượng, nếu đảm bảo họ mới ký tiếp đơn hàng. Thời gian qua, giá thu mua chè cho bà con được doanh nghiệp điều chỉnh liên tục tăng để xứng đáng với sức lao động của nông dân.
Sự liên kết bền vững giữa doanh nghiệp và nông dân đã tạo ra sản phẩm chè an toàn và có uy tín trên thị trường, nhờ đó mà đời sống của người trồng chè cũng được cải thiện. Nhiều hộ nhờ trồng chè hữu cơ đã có nguồn thu 30 - 40 triệu đồng/năm như hộ bà Vàng Thị Toàn, thôn Đội 3, xã Bản Liền với thu nhập từ trồng chè đạt 40 triệu đồng/năm. Để ổn định vùng sản xuất, doanh nghiệp đang mở rộng vùng trồng chè hữu cơ tại một số xã có tiềm năng như Tả Van Chư, Lầu Thí Ngài (Bắc Hà).
Khuyến khích nhưng không phát triển ồ ạt
Đó là quan điểm của ngành nông nghiệp Lào Cai đối với sản xuất chè hữu cơ trên địa bàn. Dựa vào nhu cầu thị trường có thể khẳng định hiện đang là thời “hoàng kim” của ngành nông nghiệp hữu cơ khi yêu cầu của người tiêu dùng về các sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng ngày càng tăng.
Chè hữu cơ cũng là một trong những sản phẩm mà thị trường đang quan tâm hàng đầu, sản phẩm chè hữu cơ Lào Cai có chỗ đứng tại thị trường nước ngoài hoàn toàn phụ thuộc vào doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Định hướng của ngành vẫn là khuyến khích phát triển sản phẩm chè hữu cơ, nhưng phải dựa trên nhu cầu của thị trường.
Tuy nhiên, phát triển chè hữu cơ cũng gặp phải những khó khăn nhất định do đòi hỏi kỹ thuật canh tác rất chặt chẽ, năng suất chè hữu cơ thường thấp so với biện pháp canh tác thông thường. Xác định trồng chè đang là hướng phát triển nông nghiệp bền vững, ngành nông nghiệp Lào Cai đã có nhiều giải pháp khuyến khích, đặc biệt là sản xuất chè chất lượng cao. Đó là việc tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp bằng những chính sách liên quan đến hình thành chuỗi sản xuất có giá trị cao, quy hoạch đất đai, hỗ trợ nông dân tham gia cải tạo vùng chè và hỗ trợ trực tiếp về giống, phân bón và kỹ thuật canh tác.
Sản xuất nông nghiệp thường xảy ra tình trạng cây trồng nào phát triển ồ ạt, thiếu chú ý chất lượng sẽ khó tìm đầu ra cho sản phẩm, chè hữu cơ cũng không nằm ngoài quy luật đó. Chè hữu cơ là một trong những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao đầu tiên của Lào Cai, rất nhiều vùng nguyên liệu muốn liên kết với doanh nghiệp để có đầu ra ổn định, tuy nhiên Công ty TNHH liên kết sinh thái vẫn khá thận trọng trong mở rộng vùng nguyên liệu. Theo kế hoạch, doanh nghiệp chỉ mở rộng diện tích trồng chè hữu cơ lên trên 300 ha nhưng phải ở những nơi có tiềm năng thực sự và nông dân phải đảm bảo được các quy trình sản xuất ngặt nghèo.
Để tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng tốt trên thị trường rất cần sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân, doanh nghiệp, nhà quản lý và sản phẩm chè hữu cơ đã làm được điều này. Với chiến lược phát triển có giới hạn về chiều rộng, sản phẩm chè hữu cơ sẽ có cơ hội phát triển bền vững hơn.