Chưa bao giờ câu chuyện quả trứng, con gà lại được dư luận quan tâm như hiện nay dù những tồn tại của ngành đã được đề cập đến từ lâu, như chuyện “muôn năm cũ”. Chỉ đến khi chiếc đùi gà Mỹ xuất hiện thì đúng như một “giọt nước tràn ly”…
|
Nhiều doanh nghiệp chăn nuôi đang gặp khó khăn do sản phẩm nhập khẩu. (Ảnh: www.tin247.com) |
Đã yếu còn gặp gió lớn
Tại Hội nghị Phát triển chăn nuôi gà giai đoạn 2015 – 2020 được Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức sáng 21/8 ở Hà Nội, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi gà kêu khó. Ông Lê Thanh Phương, phụ trách chương trình đầu tư chăn nuôi của Công ty Emivest Việt Nam, một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài ở Trảng Bom (Đồng Nai) cho biết, đã 11 tháng nay doanh nghiệp chìm trong thua lỗ bởi không thể chống chịu nổi với gà nhập khẩu giá rẻ.
Theo ông Phương, giá thành sản xuất gà thịt của Thái Lan vào khoảng 1,2 USD/kg (tương đương 26.400 đồng/kg), Emivest hoàn toàn có thể sản xuất được với giá này, nếu tính cả chi phí giết mổ, bảo quản thì giá thành sản xuất gà nguyên con vào khoảng 35.000 đồng/kg, trong khi đùi gà Mỹ nhập khẩu chỉ có giá 20.000 đồng/kg. “Điều này hoàn toàn không thể giải thích được và nó đã khiến nhiều doanh nghiệp lao đao”, ông Phương than thở.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi kiêm Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam nêu một thực tế, sau nhiều năm, ngành chăn nuôi gia cầm vẫn phụ thuộc quá nhiều vào nước ngoài khi từ con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y đều nhập khẩu với số lượng lớn. Sự tham gia của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã tạo ra sự bùng nổ trong chăn nuôi gà, tạo ra sự phát triển quá nóng cả về đầu con và sản lượng thịt thương phẩm. Trong giai đoạn 2003 – 2012, tăng trưởng về sản lượng gia cầm của thế giới chỉ 3,7%, trong khi tại Việt Nam là 9,3%. Theo Tổng cục Thống kê, hiện sản lượng thịt gia cầm của Việt Nam đạt khoảng 800. 000 tấn/năm nhưng cứ nhìn vào lượng con giống xuất chuồng và nhập khẩu hàng năm, cộng với năng suất chúng ta đạt được thì sản lượng phải lên đến 1,2 triệu tấn, gần xấp xỉ Thái Lan (1,4 triệu tấn), vốn được xếp vào 1 trong 10 quốc gia có sản lượng thịt gia cầm cao nhất thế giới. “Sự phát triển quá nóng tất yếu sẽ dẫn đến khủng hoảng thừa”, ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, năng suất chăn nuôi gà của ta tuy đã được cải thiện đáng kể nhưng vẫn thấp hơn bình quân chung của thế giới. Năm 2010, bình quân thế giới nuôi 37,4 ngày thì gà đạt trọng lượng 2,2kg/con, trong khi Việt Nam phải mất tới 49 – 50 ngày, tới năm 2020, khoảng cách này của thế giới còn rút ngắn xuống chỉ còn 31 ngày. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến giá thành sản xuất của ta luôn cao.
Đó là chưa kể, việc phân chia lợi nhuận trong chuỗi chăn nuôi đang tồn tại nhiều bất cập, đối với gà lông trắng người sản xuất chỉ được hưởng 5%, thương lái 21%, hệ thống bán lẻ 30 – 33%, gà lông màu người chăn nuôi cũng chỉ được hưởng 6%,…
Có lẽ vì vậy mà chuyện cái đùi gà Mỹ chỉ như “giọt nước tràn ly”, phơi bày hết những yếu kém nội tại của ngành. Ông Phạm Minh Báu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Đồng Nai nêu một thực tế: Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Đồng Nai đang không thể xuất được hàng vì các kho lạnh trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh hay Bình Dương đã ngập tràn thịt gà Mỹ giá rẻ, chuẩn bị tung ra thị trường và nhắm đến các bếp ăn tập thể. “Hiện, giá thành sản xuất gà lông trắng của các doanh nghiệp FDI là 22.000 đồng/kg, của các trang trại lên đến 34.000 đồng/kg, trong khi giá bán chỉ 21.000 đồng/kg. Với mức giá này không ai có thể cầm cự được. Nếu không có những giải pháp quyết liệt hạn chế gà nhập khẩu giá rẻ thì con gà sẽ chết ngay trên sân nhà”, ông Báu cảnh báo.
Dựng hàng rào kỹ thuật, khó vẫn phải làm
Trước thực tế thịt gà Mỹ giá rẻ đang ồ ạt tràn vào thị trường, ông Phương kiến nghị, Nhà nước, ngành chức năng cần can thiệp làm rõ tại sao gà nhập khẩu lại có giá “rẻ như cho”, liệu có phải là một hình thức gian lận thương mại không, chất lượng sản phẩm ra sao; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tìm hướng xuất khẩu các sản phẩm từ gia cầm thay vì chỉ phụ thuộc vào thị trường nội địa như hiện nay.
Ông Nguyễn Thanh Sơn nêu thông tin, trong buổi làm việc với đại diện Hiệp hội Xuất khẩu trứng, gia cầm Hoa Kỳ mới đây, họ khẳng định không tìm cách hại ngành chăn nuôi gà của Việt Nam, họ cũng không bán phá giá, còn sở dĩ giá gà rẻ là vì ứ đọng nhiều do các nước không nhập khẩu kể từ khi Mỹ xuất hiện cúm gia cầm. Họ đảm bảo sản phẩm của họ đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm vì hệ thống kiểm soát bên Mỹ khá tốt. Nhưng trong cuộc họp, đại diện của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho rằng, cần rà soát, xây dựng các hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước mà vẫn không vi phạm quy định theo các hiệp định thương mại tự do đã và sẽ kỹ kết. Bởi theo lực lượng hải quan, hạn sử dụng của thịt gà Mỹ tại Việt Nam khoảng 7 tháng nhưng tại Mỹ, hạn sử dụng của sản phẩm gà cắt rời chỉ khoảng 3 tháng. Vì vậy, dù rất khó chúng ta vẫn phải xây dựng hàng rào kỹ thuật giúp ngành chăn nuôi trong nước phát triển.
Ông Sơn cho rằng, để ngành chăn nuôi gà đứng vững trước “sóng gió”, cần thống nhất quan điểm về chỉ đạo phát triển, đó là: chuyển từ tăng trưởng quá nóng về sản lượng sang tăng trưởng bền vững, không phát triển ồ ạt gà lông trắng mà giữ số lượng như hiện nay; chuyển từ sản xuất bùng nổ về số lượng sang coi trọng chất lượng; quản lý chất lượng gà giống, tránh tình trạng trôi nổi như hiện nay; nên phân khúc lại thị trường, chọn sản phẩm có lợi thế…
Bên cạnh những giải pháp về hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao năng lực quản lý về giống vật nuôi, tổ chức sản xuất theo chuỗi, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi lưu ý, cần xem xét lại quy trình nhập khẩu, thanh tra các doanh nghiệp đang nhập thịt gà Mỹ để quản lý chặt chẽ hơn các sản phẩm nhập khẩu.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát, trong 3 hình thức chăn nuôi nông hộ, trang trại và công nghiệp thì hiệp quả kinh tế cao nhất là chăn nuôi công nghiệp, sau đó đến trang trại và nông hộ. Vì thế, cần hướng đến phát triển chăn nuôi trang trại và công nghiệp, phải gấp rút triển khai cơ chế, chính sách phát triển chăn nuôi trang trại, làm sao đạt mục tiêu 70% trang trại ở Việt Nam là trang trại chăn nuôi. Để cạnh tranh được cần nâng trình độ công nghệ chăn nuôi, trước hết là khâu giống; tăng cường công tác quản lý giống, tránh tình trạng lộn xộn như hiện nay. Cục Thú y phối hợp với Cục Chăn nuôi tăng cường quản lý chất cấm kháng sinh, rà soát lại các loại phí và lệ phí. “Cách làm của chúng ta hiện nay không phải là cách làm phục vụ nhân dân, dừng 1 xe trứng kiểm nghiệm bao nhiêu quả thì chỉ được lấy phí từng đấy quả chứ không thể lấy phí kiểm dịch cả xe được”, Bộ trưởng nói.