Trồng ngô biến đổi gen, doanh nghiệp cần chia sẻ lợi nhuận với nông dân
17:00 - 31/08/2015
Đó là ý kiến chỉ đạo của ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) tại hội thảo “Ứng dụng và phát triển ngô biến đổi gen ở Việt Nam” vừa được tổ chức mới đây.
Ông Phan Văn Chuyển, xã Tân Lập (Mộc Châu - Sơn La) chia sẻ về quá trình trồng ngô BĐG của Dekalb

Công nghệ đã chín muồi

Tính đến thời điểm này, trên cả nước có khoảng 3.000ha trồng ngô biến đổi gen (BĐG), trong đó Công ty Syngenta có 2.500ha (do đã được thương mại hóa 3 giống), Dekalb khoảng 400ha (đang trong quá trình khảo nghiệm diện rộng), Pioneer 4 - 5ha (khảo nghiệm diện hẹp). Qua theo dõi các mô hình thấy, cây ngô phát triển tốt, áp lực cỏ dại giảm mạnh, năng suất ngô ổn định, lãi suất của nông dân được cải thiện do giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, công lao động.

Theo bảng so sánh kết quả kinh tế mô hình trồng ngô BĐG NK66Bt/GT của Công ty Syngenta, mặc dù giá giống của công ty cao gấp đôi so với các giống ngô khác trên thị trường (210.000 đồng/kg) nhưng do tiết kiệm được chi phí phân bón, thuốc trừ cỏ nên lợi nhuận của mô hình ngô BĐG đạt 23,5 triệu đồng/ha, trong khi mô hình trồng ngô thường chỉ đạt 15,7 triệu đồng/ha. Ông Nguyễn Đình Sức, Tiểu khu 9, xã Tân Lập (Mộc Châu – Sơn La) cho biết, ở những vùng áp lực cỏ dại cao như Sơn La, diện tích trồng ngô tương đối lớn trong khi nhân công lao động hạn chế thì ngô BĐG là một lựa chọn hợp lý. “Nhờ công nghệ xử lý hạt giống của Syngenta nên tôi không mất công dặm tỉa so với giống ngô thường, gieo hạt nào chắc hạt nấy. Năm vừa rồi, tôi dành 650m2 đất trong tổng số 2ha trồng ngô của gia đình để đưa giống ngô BĐG vào sản xuất và thực sự bất ngờ khi thu nhập vượt trội, đạt tới 4 triệu đồng/650m2, trong khi những năm trước với diện tích đó chỉ được khoảng 2 triệu đồng”, ông Sức nói.

Trồng thử nghiệm giống ngô BĐG của Dekalb, ông Nguyễn Văn Hải, Tiểu khu 7, xã Chiềng Sơn (Mộc Châu) cho biết, chỉ tính riêng chi phí và công phun thuốc trừ cỏ đã giảm đi rất nhiều lần. “Nếu như trước đây, sử dụng thuốc bột (Paraquat) bình quân diện tích gieo trồng 1kg ngô giống phải sử dụng hết 1 bình, 1ha có khi phải tốn 18 - 19 bình thì sử dụng thuốc nước (Glyphosate) chỉ mất 5 - 7 bình”, ông Hải cho biết.

Theo đánh giá của PGS.TS Phạm Văn Toản, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, công nghệ BĐG là công nghệ đã chín muồi bởi ngay từ năm 2005, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có Chỉ thị số 50/CT-TW về phát triển công nghệ sinh học, ngay sau đó Chính phủ đã ban hành chương trình hành động để thực hiện chỉ thị này. Bắt đầu từ năm 2011, cây trồng BĐG được đưa vào sản xuất (chủ yếu là ngô), phấn đấu đến năm 2020 diện tích trồng các giống cây trồng mới tạo ra bằng các kỹ thuật của công nghệ sinh học chiếm trên 70%, trong đó diện tích trồng giống cây trồng BĐG chiếm 30 - 50%.

Hãy chia sẻ lợi nhuận với nông dân

Mặc dù được đánh giá là hiệu quả nhưng nhiều nông dân vẫn băn khoăn vì giá giống quá cao và liệu doanh nghiệp có tăng giá giống, ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho rằng, doanh nghiệp cần chia sẻ lợi nhuận với nông dân để các công nghệ hiện đại sớm đi vào thực tiễn sản xuất.

Ông Lê Hồng Nhu, Hiệp hội thương mại giống cây trồng Việt Nam đánh giá, hiện nay chưa có nhiều thông tin về cây trồng BĐG và cũng còn nhiều ý kiến trái chiều. Ví như, châu Âu mới đây mới cho phép các nước trồng cây BĐG, cũng từng có cuộc biểu tình rầm rộ của 52 nước trước những thông tin về mặt trái của cây trồng BĐG chưa được cung cấp đầy đủ. Vì vậy, ông Nhu kiến nghị: “Các ngành chức năng cần theo dõi tiếp sau khi công nhận các sự kiện BĐG, các doanh nghiệp xem xét về giá giống sao cho phù hợp, tránh tình trạng lệ thuộc vào giống”.

Ông Vương Đắc Hùng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hòa Bình nêu một thực tế, trong quá trình khảo nghiệm các giống ngô BĐG đang có khoảng cách khá xa giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý các địa phương. Ông Hùng nhấn mạnh: “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc đưa giống mới vào sản xuất để nâng cao thu nhập cho nông dân nhưng doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với địa phương trong quá trình khảo nghiệm để có những đánh giá khách quan nhất. Ngoài ra, tôi cho rằng, chỉ nên sử dụng ngô BĐG ở những vùng có áp lực sâu và cỏ dại lớn. Ngô BĐG chỉ là một trong nhiều giải pháp để phát triển ngành sản xuất ngô bền vững, bên cạnh ngô BĐG vẫn phải có những giống khác”.

Đồng quan điểm, bà Đoàn Thị Chải, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho rằng, cỏ dại không phải là áp lực lớn ở Hưng Yên do phần lớn diện tích canh tác của bà con nhỏ nên cần có sự lựa chọn phù hợp. Khi triển khai tập huấn, doanh nghiệp cũng nên cung cấp đầy đủ những thông tin về cây trồng BĐG, cả mặt được và chưa được.

Theo PGS.TS Phạm Văn Toản, việc ứng dụng ngô BĐG phụ thuộc vào điều kiện của từng vùng sinh thái vì giống chỉ kháng cỏ dại và sâu đục bắp, ở những vùng không có áp lực hai loài này đâu cần thiết phải trồng ngô BĐG. “Ngoài ra, các ngành chức năng cần có đánh giá cụ thể hơn về tác động của thuốc trừ cỏ lên đất và môi trường, bởi nếu sử dụng trên một vùng chuyên canh rộng lớn với số lượng nhiều thì tác động sẽ khác”, ông Toản nhấn mạnh.

Trước những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà quản lý, ông Trung cho biết, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ chỉ đạo ngành chuyên môn có đánh giá, khảo sát và đưa ra khuyến cáo nơi nào nên áp dụng ngô BĐG, nơi nào nên trồng các giống ngô khác.

Khánh Nguyên
Nguồn: KTNT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo