Nuôi cá tra theo tiêu chuẩn VietGAP: Không dễ cho hộ nhỏ lẻ
22:42 - 31/08/2015
Theo quy định tại Nghị định 36/2014/NĐ-CP của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra, đến hết ngày 31/12/2015, các cơ sở nuôi cá tra thương phẩm phải áp dụng và được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP hoặc chứng chỉ quốc tế phù hợp. Để đáp ứng yêu cầu này, ngay từ cuối năm 2014, ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đã vận động, hỗ trợ các hộ nuôi cá tra trên địa bàn áp dụng VietGAP, tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu không hề đơn giản.
 

Cá tra trước “vòng vây” tiêu chuẩn

Hiện nay, con cá tra bị không dưới 9 bộ tiêu chuẩn nuôi trồng thủy sản bền vững quốc tế “bao vây”. Tuy nhiên, tựu chung lại thì các tiêu chuẩn này đều dựa trên cơ sở là tiêu chuẩn nuôi trồng thủy sản bền vững của Tổ chức Nông - Lương Liên Hợp quốc (FAO) với bốn khía cạnh cơ bản là an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, bảo đảm sức khỏe động vật và an sinh xã hội. Trong đó, mỗi tổ chức sáng lập hệ thống chứng nhận đi sâu vào một khía cạnh nào đó để hình thành nên các bộ tiêu chuẩn khác nhau, sau đó họ thực hiện những biện pháp tác động để các nhà nhập khẩu, người tiêu dùng yêu cầu sản phẩm đạt được các loại chứng nhận này.

Theo Chi cục Thủy sản Tiền Giang, các sản phẩm thủy sản của Việt Nam, nhất là tôm nước lợ và cá tra chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Trong khi đó, người tiêu dùng ở các thị trường trên thế giới yêu cầu sản phẩm thủy sản phải đạt được các chứng nhận khác nhau. Cụ thể, người tiêu dùng Tây Âu yêu cầu sản phẩm phải dán nhãn GlobalGAP; còn thị trường Mỹ yêu cầu chứng nhận GAA; và hiện nay, các nước Hà Lan, Đức, Thụy Sỹ đang đặc biệt quan tâm đến tiêu chuẩn dán nhãn ASC. Trong khi đó, thị trường Đông Âu, châu Phi… lại không cần sản phẩm phải đạt được chứng nhận nuôi trồng thủy sản bền vững mà quan trọng nhất là sản phẩm phải đạt chất lượng theo yêu cầu của họ.

Những yêu cầu khác nhau này không chỉ gây bối rối cho người nuôi cá tra mà ngay cả cơ quan quản lý cũng khó khăn trong việc định hướng cho người nuôi cá tra áp dụng tiêu chuẩn nào hiệu quả nhất. Để gỡ khó, Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành bộ tiêu chuẩn VietGAP cho cá tra, trong đó có đầy đủ những yêu cầu nuôi thủy sản bền vững của các bộ tiêu chuẩn quốc tế khác. Mục đích của VietGAP là giúp nâng cao chuỗi giá trị cho cá tra từ trang trại đến bàn ăn, góp phần để cá tra phát triển ổn định và bền vững, đảm bảo lợi ích người nuôi cũng như nhà chế biến xuất khẩu, là cơ sở để người nuôi cá tra trong nước tiến tới thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế khác như GlobalGAP, GAA, ASC,...

Không dễ áp dụng đại trà

Nhằm giúp ngành cá tra phát triển ổn định và bền vững, ngày 29/4/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra, trong đó quy định các cơ sở nuôi cá tra thương phẩm phải áp dụng và được chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt theo VietGAP hoặc chứng chỉ quốc tế phù hợp quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày 31/12/2015. Trước tình hình này, ngay từ tháng 9/2014, ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đã vận động, hỗ trợ các hộ nuôi cá tra trên địa bàn áp dụng và tiến tới đạt chứng nhận VietGAP vào cuối năm 2015. Tuy nhiên, để các hộ đáp ứng được 104 tiêu chí của VietGAP không hề đơn giản­­. Có thể nêu một số bất cập sau:

Theo Chi cục Thủy sản Tiền Giang, thực tế triển khai VietGAP cho các hộ nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh thấy, điều cần làm đầu tiên để nuôi cá tra theo VietGAP là các hộ phải ghi chép chi tiết, lưu giữ hồ sơ về quá trình cải tạo ao, sử dụng thức ăn, con giống, hóa chất, kháng sinh, xử lý chất thải… theo biểu mẫu. Tuy nhiên, do trình độ học vấn còn hạn chế, chưa kể nhân lực ngày càng khan hiếm nên việc ghi chép dù đơn giản cũng trở nên khó khăn.

Điều khó nhất vẫn là nhiều hộ nuôi cá tra chưa mặn mà với việc áp dụng nuôi theo quy trình VietGAP, bởi cho đến nay, sản phẩm cá tra VietGAP vẫn chưa được thị trường thế giới công nhận và giá bán cá tra VietGAP không khác cá tra nuôi theo kiểu truyền thống, trong khi chi phí nuôi cá tra theo VietGAP cao hơn.

Đối với tiêu chí cơ sở hạ tầng vùng nuôi  thì cơ sở nuôi cá tra phải có hệ thống cấp thoát nước riêng biệt, ao lắng, ao nuôi không rò rỉ, hệ thống xử lý chất thải đầy đủ, tuy nhiên đây là những hạng mục mà hầu như không hộ nuôi cá tra nào đạt được. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay Hợp đồng thuê đất hợp pháp cũng là tiêu chí khó đạt khi các hộ nuôi cá tra đều vay vốn ngân hàng nên không giữ được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hay nhiều ao nuôi cá tra có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng chưa chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất nuôi trồng thủy sản.

Đối với tiêu chí hồ sơ giống, hiện nay nguồn cá tra giống được sản xuất từ cá tra bố mẹ được xác nhận còn rất khan hiếm nên buộc các hộ nuôi cá tra phải mua giống trực tiếp từ các hộ ương cá tra giống, hay phải mua giống qua nhiều khâu trung gian để có cá giống thả nuôi. Do đó, việc chứng minh cá tra giống được sản xuất từ cá tra bố mẹ chất lượng gặp không ít khó khăn. Trong khi đó, các cơ sở ương giống không có giấy đăng ký kinh doanh nên cũng không được cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản địa phương kiểm tra điều kiện ương giống theo Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT, nhưng hồ sơ giống VietGAP yêu cầu phải có loại hồ sơ này.

Đối với hệ thống xử lý chất thải, hầu như tất cả hộ nuôi cá tra đều không có ao xử lý nước thải, không có ao chứa bùn để xử lý chất thải ao nuôi cá tra theo yêu cầu của VietGAP. Hiện nay, tất cả các hộ nuôi cá tra đều thực hiện thay nước hàng ngày, trong khi quy trình xử lý nước sinh học trong ao lắng với cá, rong, cỏ… cần thời gian ít nhất 7 ngày thì nước thải mới đạt chất lượng theo quy định trước khi đưa ra môi trường. Đồng thời, việc lấy mẫu nước thải để kiểm tra chất lượng nước trước khi thải ra môi trường cần nguồn kinh phí rất lớn, làm tăng đáng kể chi phí cho các hộ nuôi.

Ngoài ra, hộ nuôi cá tra thực hiện VietGAP phải đặt các biển báo, cảnh báo nguy hiểm, nâng cấp nhà kho, nhà ở, nhà vệ sinh công nhân; xây dựng quy trình nuôi tốt, quy trình vệ sinh, bảo vệ sức khỏe động vật thủy sản; ký hợp đồng lao động, lập bảng chấm công, bảng lương cho người lao động làm thuê…., với tổng cộng 104 tiêu chí phải đáp ứng. Mỗi tiêu chí phải đáp ứng như vậy đã làm tăng không ít chi phí.

Điều khó nhất vẫn là nhiều hộ nuôi cá tra chưa mặn mà với việc áp dụng nuôi theo quy trình VietGAP, bởi cho đến nay, sản phẩm cá tra VietGAP vẫn chưa được thị trường thế giới công nhận và giá bán cá tra VietGAP không khác cá tra nuôi theo kiểu truyền thống, trong khi chi phí nuôi cá tra theo VietGAP cao hơn.

Ông Nguyễn Văn Đời, hộ nuôi cá tra ở ấp Tân An, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) đã từng nói với cán bộ tư vấn thực hiện VietGAP của ngành nông nghiệp tỉnh: “VietGAP trong nuôi cá tra là chủ trương của nhà nước, tôi vẫn chấp hành, nhưng nếu các chú yêu cầu tôi phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí thì tôi không làm nổi”. Hay chủ của một cơ sở nuôi cá tra lớn ở xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè đã từng dặn dò người quản lý trại nuôi cá tra của mình: “VietGAP làm được thì làm, còn nếu khó quá thì thôi, bởi vì các thị trường xuất khẩu không quan tâm đến VietGAP”.

Kết nối VietGAP với thị trường

Nếu đứng trên phương diện quản lý ngành hàng cá tra thì tư tưởng đầu tư nhiều hơn nhưng giá bán sản phẩm không tăng là chưa đúng, bởi VietGAP mang lại lợi ích lâu dài, góp phần nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam, tiến tới nâng cao giá trị toàn chuỗi. Tuy nhiên, về góc độ các hộ nuôi cá tra, khi đầu tư thêm không ít công sức, tiền của vào cùng một diện tích nuôi cá tra nhưng trước mắt sản lượng giảm (do phải dành một diện tích ao nuôi làm ao xử lý nước thải), giá bán không cao hơn so với sản phẩm sản xuất truyền thống thì rõ ràng không đủ động lực để họ nhiệt tình với VietGAP.

Trước thực trạng nêu trên, để VietGAP được người nuôi cá tra đồng tình ủng hộ thì các bộ, ngành cần có giải pháp giải quyết đầu ra ổn định, khẳng định một thương hiệu riêng để phân biệt với sản phẩm cá tra sản xuất theo kiểu truyền thống với giá cả hợp lý hơn. Giá trị của cá tra VietGAP phải được nhìn nhận và khẳng định từ các nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu, từ  cả thị trường trong nước và thế giới.

Do đó, cần phải nhanh chóng xúc tiến khâu quảng bá, đàm phán và thừa nhận của quốc tế đối với VietGAP để giúp giá trị cá tra VietGAP tăng lên, từ đó người dân mới toàn tâm toàn ý vào VietGAP bên cạnh những tiêu chuẩn khác. Ngoài ra, nhà nước cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các hộ nuôi cá tra VietGAP và các nhà máy chế biến xuất khẩu liên kết với nhau theo quy trình khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ thì các mô hình nuôi cá tra VietGAP mới tồn tại bền vững.

Để VietGAP được người nuôi cá tra đồng tình ủng hộ thì các bộ, ngành cần có giải pháp giải quyết đầu ra ổn định, khẳng định một thương hiệu riêng để phân biệt với sản phẩm cá tra sản xuất theo kiểu truyền thống với giá cả hợp lý hơn. Giá trị của cá tra VietGAP phải được nhìn nhận và khẳng định từ các nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu, từ  cả thị trường trong nước và thế giới.
Thành Công
Nguồn: KTNT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo