Tín hiệu khởi sắc cho thị trường tiêu thụ lúa gạo Việt Nam
12:59 - 29/09/2015
Theo nguồn tin từ Philippines, trong phiên đấu thầu ngày 17/9, Việt Nam đã trúng thầu cung cấp 450.000 tấn gạo cho Philippines với giá 426,6 USD/tấn so với giá của NFA đưa ra là 426,83 USD/tấn.
Bốc xếp gạo xuất khẩu tại Xí nghiệp chế biến lương thực cao cấp Tân Túc, Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN)

Như vậy, kể từ đầu năm đến nay, Philippines đã quyết định nhập khẩu tổng cộng 1 triệu tấn gạo từ Việt Nam theo thỏa thuận liên Chính phủ.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, thông tin Việt Nam trúng thầu gạo của Philippines này, sẽ mang lại nhiều khởi sắc cho thị trường tiêu thụ lúa gạo từ nay đến cuối năm.

Nhiều tín hiệu tích cực

Trao đổi với phóng viên về kết quả đấu thầu gạo sang Philippines lần này, ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, mặc dù số lượng cung ứng cho Philippines đợt này không nhiều, nhưng có ý nghĩa rất lớn đối với tình hình tiêu thụ gạo của Việt Nam hiện nay.

Theo ông Năng, trước đó, các doanh nghiệp đã phải bỏ ra mức giá tương đối cao, sát với giá xuất khẩu để thu mua lúa gạo trong đợt tạm trữ giữa năm nay. Do đó, khi trúng thầu với giá tốt sẽ giải phóng được lượng gạo tồn kho này của các doanh nghiệp, góp phần ổn định dòng tiền tài chính cho doanh nghiệp trong những tháng cuối năm.

Bên cạnh đó, việc cung ứng gạo này cũng giúp định hình thị trường lúa gạo của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2016.

Về phía các doanh nghiệp cũng chung quan điểm này. Ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thịnh Phát (Bến Tre), cho rằng kết quả trúng thầu cho Philippines sẽ mang lại nhiều tín hiệu tích cực cho thị trường lúa gạo Việt Nam trong thời gian tới và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu trong năm sau.

Ông Tuấn cho biết, từ đầu năm đến nay, do tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam giảm mạnh, ít người mua nên bị một số đối tác nước ngoài (phần lớn là Trung Quốc) ép giá. Do đó, với mức giá trúng thầu khá cao như trên sẽ giúp gạo Việt Nam không bị ép giá trên thị trường cũng như tạo tiền đề cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước không chào bán với giá thấp hơn mức giá này.

Với mức giá trúng thầu 426,6 USD/tấn thì giá FOB sẽ hơn 350 USD/tấn, trong khi trước đây, gạo 5% tấm của Việt Nam chỉ có mức giá 330USD/tấn.

Về thị trường trong nước, ông Nguyễn Trung Kiên, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gentraco (Cần Thơ) cho rằng, mặc dù giá lúa gạo Việt Nam chịu tác động của thị trường lúa gạo chung của thế giới, song từ nay đến cuối năm, giá gạo trong nước sẽ ổn định và có sự tăng nhẹ, do những tác động tích cực từ việc cung ứng 450.000 tấn gạo cho Philippines.

Dự báo về thị trường gạo từ nay đến cuối năm 2015, ông Kiên cho biết, khu vực ASEAN đang chịu tác động khá lớn từ hiện tượng El-Nino nên nguồn cung lúa gạo có xu hướng giảm xuống trong khi nhu cầu lại tăng lên.

Phía Indonesia, Malaysia đang có nhu cầu nhập khẩu lại một lượng gạo lớn Malaysia trong khi sản xuất của Thái Lan cũng bị ảnh hưởng của thời tiết nên đẩy giá thị trường gạo thế giới tăng lên. Do đó, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng cuối năm sẽ có nhiều thuận lợi, khởi sắc.

Theo dự báo của VFA, xuất vấn đề tiêu thụ gạo của Việt Nam sẽ khởi sắc và giá cả sẽ có nhiều chuyển biến tốt hơn. Với tình hình này, xuất khẩu gạo cả năm 2015 có thể đạt trên 6 triệu tấn. Liên quan đến kế hoạch phân bổ gạo cung ứng cho Philippines, VFA cho biết sẽ tổ chức họp phân bổ cho các doanh nghiệp vào đầu tuần sau, ngay khi Cơ quan lương thực Philippines công bố chính thức về kết quả đấu thầu này.

Vẫn còn nhiều thách thức

Theo VFA, tính đến hết tháng 8/2015, cả nước xuất khẩu 3,818 triệu tấn gạo, trị giá FOB 1,591 tỷ USD, trị giá CIF 1,641 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2014, xuất khẩu gạo giảm 10% về số lượng, trị giá FOB giảm 13% và trị giá CIF giảm 15%.

Thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam chủ yếu vẫn là Trung Quốc, châu Phi, Philippines … Đáng lưu ý, theo nguồn tin không chính thức, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc từ đầu năm đến nay cả chính ngạch và tiểu ngạch đã lên tới 3 triệu tấn. Không thể phủ nhận việc tiêu thụ gạo của Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều từ thị trường Trung Quốc.

Trong khi đó, theo nguồn tin từ lãnh đạo VFA, Trung Quốc đang mở cửa thị trường gạo với Mỹ thông qua việc ký kết thỏa thuận kiểm dịch giữa hai chính phủ vào cuối tháng 9/2015.

Mặc dù Trung Quốc nhập khẩu gạo từ Việt Nam do hấp dẫn giá và lợi thế về khoảng cách địa lý, tuy nhiên, trong bối cảnh xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc là khá lớn thì việc ký kết này ít nhiều sẽ tác động đến tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian tới.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường này cũng đang chịu sự cạnh tranh gay gắt về giá từ Pakistan.

Phân tích về thị trường lúa gạo của Việt Nam, tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, trong ngắn hạn, thị trường Trung Quốc vẫn có lợi cho doanh nghiệp và người sản xuất, bởi đây là một thị trường xuất khẩu có quy mô lớn và có sự dễ dãi trong kiểm định chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung vào thị trường này sẽ khiến mặt hàng lúa gạo Việt Nam tự suy giảm các tiêu chuẩn về chất lượng trong sản xuất và xuất khẩu. Khi đó, sức cạnh tranh của ngành hàng lúa gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế sẽ ngày càng giảm thấp.

Bên cạnh đó, khi có rủi ro, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ khó xoay trở kịp sang các thị trường khác đòi hỏi cao hơn về chất lượng gạo.

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay, ngành lúa gạo Việt Nam cũng sẽ không có động lực thay đổi về chất lượng để có thể lấy được các lợi thế trong các FTA mà Chính phủ đã và đang ký kết như EU, TPP…

Trước tình hình này, tiến sỹ Nguyễn Đức Thành cho rằng, đối với thị trường gạo, phải đặt trong bối cảnh tổng thể của các sản phẩm khác của Việt Nam.

“Chúng ta có cần cân nhắc có nên duy trì tư duy phải xuất khẩu nhiều sản lượng gạo hay không? Trong khi đó, gạo không phải là lợi thế tuyệt đối của Việt Nam trên thế giới khi xuất hiện nhiều 'người chơi' mới như Ấn Độ, Campuchia, Mỹ... Trong khi quỹ đất dành cho nông nghiệp ngày càng thu hẹp, người nông dân có thể chuyển sang trồng cây khác, phục vụ cho ngành thức ăn chăn nuôi, đồng thời tập trung sản xuất lúa chất lượng cao, chỉ sản xuất từ 1-2 vụ, có sự tập trung thị trường rõ ràng… Việc định vị lại ngành lúa gạo có thể khiến sản lượng gạo sụt giảm lớn, nhưng sẽ mang lại giá trị gia tăng và thương hiệu cho ngành này trong thời gian tới,” tiến sỹ Nguyễn Đức Thành nói./.
Nguồn: KTNT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo