Cơ giới hóa ngành trồng trọt: Nông dân là cổ đông
11:37 - 29/09/2015
Tại Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp chuyên đề tổ chức dịch vụ cơ giới hóa đồng  bộ trong trồng trọt ở miền Bắc vừa diễn ra tại Thanh Hóa, nhiều ý kiến cho rằng, để áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, cần kêu gọi nông dân tham gia như một cổ đông.
Cty CP công nông nghiệp Tiến Nông Thanh Hóa là đơn vị tiên phong trong cơ giới hóa đồng bộ, từ khâu làm đất, cấy đến thu hoạch

Sự lựa chọn tất yếu

Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xu thế chuyển dịch mạnh cơ cấu lao động nông thôn sang công nghiệp, xây dựng và dịch vụ là tất yếu và đòi hỏi phải có máy móc thay thế lao động thủ công. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức nếu không có những giải pháp hữu hiệu để đẩy nhanh cơ giới hóa (CGH) trong lĩnh vực nông nghiệp. Phương thức sản xuất truyền thống “con trâu đi trước cái cày theo sau” không chỉ “vắt” hết sức lao động của người dân, năng suất cây trồng thấp mà hiệu quả kinh tế không cao so với công sức và tiền của  nông dân bỏ ra, ảnh hưởng đến môi trường, không cải tạo được đất, làm cho đất mất đi độ phì nhiêu. Do đó, việc Trung ương cũng như các địa phương ban hành nhiều chính sách khuyến khích áp dụng CGH đồng bộ vào sản xuất như một luồng gió mới, tạo bước đột phá cho ngành nông nghiệp.

“Phải nói rằng, tốc độ CGH các khâu sản xuất trong nông nghiệp những năm gần đây chuyển biến tích cực, nhất là CGH trong trồng trọt. Đây chính là một trong những thước đo đánh giá năng lực hiện đại hóa sản xuất, hình thành sức cạnh tranh nông nghiệp hàng hóa. Đồng thời, có ý nghĩa to lớn trong việc giảm tổn thất sau thu hoạch, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng hàng hóa”, TS.Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, nhấn mạnh.

 Cũng theo ông Thông, tính đến năm 2014, trang bị động lực bình quân trong sản xuất nông nghiệp (SXNN) cả nước đạt 1,6 mã lực/ha canh tác, tăng gấp 2 lần so với năm 2008. Số lượng máy động lực, máy nông nghiệp sử dụng trong SXNN tăng nhanh. Cụ thể, máy kéo tăng 1,6 lần; máy gặt lúa tăng 25,6 lần (tập trung ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long); máy phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tăng 5,8 lần; bơm nước tăng 1,2 lần; một số loại máy giảm về số lượng như máy tuốt lúa giảm 50% do sử dụng máy gặp đập liên hợp tăng nhanh, máy sấy giảm 8% về số lượng nhưng năng lực sấy tăng 20% so với năm 2006. Hiện, tỷ lệ CGH trong khâu làm đất đạt 70 - 92%; khâu gieo trồng 30 - 70%; chăm sóc 60 - 70%; khâu thu hoạch từ 20 - 42%, cá biệt vùng Đồng bằng s­ông Cửu Long đạt tới 76%; bảo quản, sấy đạt trên dưới 46%, tập trung ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long…

Nhiều loại máy phục vụ nông nghiệp đã được đưa vào đồng ruộng.

Một trong những tỉnh được Trung ương đánh giá đi đầu cả nước về phong trào CGH đồng bộ là Thanh Hóa. Tính đến năm 2015, mức độ CGH khâu làm đất ở Thanh Hóa đạt bình quân trên 90%, trong đó một số huyện như Thiệu Hóa, Nga Sơn, Quảng Xương, Nông Cống, Đông Sơn, Yên Định… đạt tới 95 - 100%; khâu cung cấp nước từ 52 - 75%; thu hoạch đạt 35%, cá biệt có những huyện đạt 60 - 80%. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn Thanh Hóa có 360 máy kéo cỡ lớn, 2.463 máy kéo cỡ trung, 11.275 máy kéo cỡ nhỏ, 9.100 máy bơm, 120 máy cấy, 353 máy gặp đập liên hợp, 5.120 máy nghiền thức ăn gia súc, 440 máy sấy nông sản, 15.567 máy chế biến lương thực… Mức độ trang bị động lực trong SXNN của Thanh Hóa đến năm 2015 đạt bình quân 3,75 mã lực/ha (tăng 19,4% so với năm 2010); trong đó đất trồng cây hằng năm đạt 1,55 mã lực/ha (cao hơn bình quân cả nước 1,4%).

Ông Nguyễn Văn Nam, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Để khuyến khích nông dân áp dụng CGH vào sản xuất, chúng tôi đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các địa phương đầu tư hạ tầng, mua máy móc, thu hút doanh nghiệp. Nhờ đó, tổng diện tích áp dụng CGH đồng bộ toàn tỉnh đến thời điểm này nâng lên gần 5.200ha; góp phần giảm chi phí đầu tư từ 3 - 7 triệu đồng/ha; năng suất tăng 15 - 20%; giá trị sản xuất trên đơn vị canh tác đạt 78 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, giải quyết tốt tình trạng thiếu lao động và áp lực thời vụ”. CGH đồng bộ trong trồng trọt còn tăng đáng kể hiệu quả kinh tế trong sản xuất thông qua việc tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành; năng suất tăng từ 10 - 20%; sâu bệnh giảm đáng kể; chất lượng nông sản được đảm bảo nhờ việc thu hoạch nhanh, phơi sấy, sơ chế đúng thời điểm và đảm bảo quy trình kỹ thuật.

Tuy nhiên, ông Phan Huy Thông cho rằng, mặc dù việc áp dụng CGH vào SXNN nói chung, trồng trọt nói riêng chuyển biến nhanh nhưng vẫn còn nhiều bất cập, như: bình quân mã lực/ha canh tác thấp so với các nước trong khu vực, nhất là các tỉnh khu vực miền núi; khâu thu hoạch bằng máy, sấy lúa ở các vựa lúa lớn đang thấp, nhất là vụ hè thu nên hiệu quả kinh tế chưa cao; việc phân bổ công suất máy giữa các địa phương, các vùng không đồng đều…

Vận động sự tham gia của nông dân 

SXNN đang đứng trước những thời cơ lớn như: hành lang pháp lý, cơ chế chính sách, nguồn lực đang tập trung cao độ đầu tư cho nông nghiệp, thị trường mở rộng, khoa học công nghệ phát triển góp phần tăng nhanh năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản; dịch vụ phục vụ SXNN khá hoàn thiện, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vật tư, thiết bị, công nghệ trong ngành trồng trọt.

Để dịch vụ CGH đồng bộ đi vào thực tiễn, ông Bùi Tiến Lực, chủ cơ sở Tiến Anh (xã Định Hòa - Yên Định - Thanh Hóa) chia sẻ phương pháp mà cơ sở thực hiện là tổ chức khoán việc cho người lao động, để nông dân cùng góp cổ phần. Theo đó, máy cày, bừa cơ sở khoán 600.000 đồng/ha, trừ phần khoán sản phẩm, người lao động được chia lợi nhuận theo tỷ lệ 30/70; máy cấy khoán 800.000 đồng/ha, tỷ lệ ăn chia 30/70; máy gặt, khoán 600.000 đồng/ha, tỷ lệ hưởng lợi nhuận 45/55; đồng thời, liên kết giữa các cơ sở với nhau, giữa cơ sở với doanh nghiệp, tạo ra chuỗi sản xuất đồng bộ. “Vụ mùa 2015, cơ sở của tôi phải cấy 100ha lúa trong khi thời vụ ngắn nên tôi phải liên kết với các cơ sở bạn đưa máy về cấy cho kịp lịch thời vụ; sau đó cơ sở của tôi lại đưa máy móc đi cấy ở các vùng khác mà cơ sở bạn làm dịch vụ. Hay chúng tôi liên kết với Công ty Tiến Nông cung ứng phân bón trả chậm cho nông dân… Những cách làm trên vừa giảm chi phí đầu tư ban đầu, vừa tạo sự hài hòa lợi ích giữa nông dân, doanh nghiệp và các cơ sở làm dịch vụ”, ông Lực nhấn mạnh.

Cũng theo ông Lực, việc cho nông dân góp cổ phần không chỉ giúp cơ sở tăng vốn đầu tư mà còn tạo khí thế hăng say làm việc, để người lao động gắn bó với mình, tránh trông chờ, ỷ lại.

Ông Nguyễn Mạnh Hồng, chủ cơ sở mạ khay, máy cấy Phú Thanh, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) thẳng thắn chia sẻ: “Vốn liếng cũng như công nghệ mà các cơ sở mạ khay, máy cấy hiện nay có được phần lớn là do truyền miệng hoặc vài lần tham gia hội thảo vội vã nên cách làm không ai giống ai. Do đó, các cơ quan chuyên môn cần tổ chức cho các cơ sở CGH đồng bộ tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đồng thời có chính sách hỗ trợ mặt bằng giúp họ đầu tư mở rộng quy mô, dịch vụ”.

Việc người nông dân tham gia vào chuỗi liên kết trong quá trình CGH đồng bộ là rất cần thiết, bởi lẽ có liên kết nông dân tham gia thì tiến trình cơ giới hóa mới thực sự đồng bộ từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm. “Để dịch vụ này thực sự phát huy tối đa hiệu quả, cần liên kết chặt chẽ “4 nhà”, từ khâu chế tạo máy sao cho phù hợp với đồng đất từng vùng, sản xuất phụ tùng kèm theo, người tổ chức dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực vận hành máy, tích tụ ruộng đất…”, ông Phan Huy Thông khẳng định.

Nguồn: KTNT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo