Các chuyên gia kinh tế phân tích, hiện nay nông sản các nước đang cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ trên thị trường nội địa với nông sản trong nước, đặc biệt là nông sản ở vùng ĐBSCL.
|
Áp lực cạnh trạnh đang đè nặng lên hàng nông sản ở ĐBSCL |
Trong 2 ngày 1-2/10, tại TP Cần Thơ, Văn phòng Quốc hội tổ chức Diễn đàn chính sách “Tiêu thụ hàng nông sản trong bối cảnh hội nhập - Kinh nghiệm từ ĐBSCL”.
Các chuyên gia kinh tế phân tích, hiện nay nông sản các nước đang cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ trên thị trường nội địa với nông sản trong nước, đặc biệt là nông sản ở vùng ĐBSCL. Chỉ trong 8 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã nhập khẩu 360 triệu USD nông sản chủ yếu trái cây từ 13 quốc gia, trong đó nhiều nhất là Thái Lan và Trung Quốc.
Đáng chú ý những trái cây nhập từ Thái Lan cũng là những trái cây đặc sản của ĐBSCL như sầu riêng, bon bon, măng cụt, nhãn, xoài. Giá trị nhập khẩu từ Thái Lan lên đến 134,8 triệu USD thực sự là mối lo ngại cho nông sản ĐBSCL.
Hơn nữa từ sau 1/1/2016 khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) có hiệu lực sẽ gây sức ép cạnh tranh thật sự đối với nông sản ĐBSCL.
Có ý kiến cho rằng phải nhìn thẳng vào sự thật, tuy xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam đứng trong nhóm nhất, nhì thế giới nhưng phần lớn nông sản XK của nước ta là những sản phẩm thô hay sơ chế, giá trị gia tăng chưa cao. Đa số nông sản xuất khẩu chưa có thương hiệu được quốc tế công nhận.
Các sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam phần lớn chưa tham gia chuỗi giá trị quốc tế, chưa có hợp đồng dài hạn hay hợp đồng giao sau (forward contract), nên dù xuất khẩu khối lượng lớn nhưng bấp bênh và phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường đầy may rủi là xuất khẩu tiểu ngạch hay biên mậu qua Trung Quốc…
Tuy nhiên hiện chỉ số năng lực cạnh tranh của các tỉnh ĐBSCL có nhiều cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào khu vực, với sáng kiến "Mekong Conncet", kết nối doanh nghiệp của 4 tỉnh ABCD (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp), DN 4 tỉnh có thể tăng cường hợp tác với nhau và với DN ở TP.HCM, tạo điều kiện thuận lợi cho nông nghiệp ĐBSCL hội nhập quốc tế.
GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng ĐH Nam Cần Thơ, cho rằng cơ chế chính sách cần phải thay đổi, đặc biệt là những chính sách giúp đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thu hút DN lớn đầu tư vào nông nghiệp, xem DN là lực lượng tiên phong thì mới có thể giải quyết được bài toán về thị trường cho đầu ra hàng nông sản.