Dịch vụ tư vấn nông nghiệp hiếm hoi như... lá mùa thu
10:10 - 01/10/2015
Trồng cây gì, nuôi con gì, chăm sóc thế nào, hạch toán ra sao, đâu là chiến lược phát triển, đầu ra? Đó là những câu hỏi thường trực của các cá nhân, doanh nghiệp khi muốn đầu tư vào nông nghiệp. Câu hỏi rất nhiều, nhưng dịch vụ tư vấn nông nghiệp - đóng vai trò người tư vấn, trả lời, hiếm hoi như lá mùa thu.

Một trại chăn nuôi bò sữa quy mô lớn ở huyện Ba Vì, Hà Nội.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên NTNN trao đổi với TS Nguyễn Đăng Nghĩa  - nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dất, phân bón và môi trường phía Nam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới.

Ông đánh giá thế nào về nhu cầu của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp về tư vấn nông nghiệp? Thực trạng dịch vụ tư vấn nông nghiệp hiện nay ra sao?

 - Nhu cầu về tư vấn nông nghiệp rất lớn và thực sự cần thiết. Mỗi ngày tôi nhận vài chục cuộc điện thoại từ người dân thắc mắc về các cây trồng, vật nuôi sao cho phù hợp, có lợi nhất. Rồi các doanh nghiệp trong nước đều muốn có được hướng đi đúng đắn trong sản xuất nông nghiệp. Tất cả đều thực sự cần.

Các công ty, tổ chức nước ngoài khi muốn đầu tư vào Việt Nam, luôn muốn tìm một tổ chức để có được nguồn thông tin chính xác, đầy đủ. Bởi khi đầu tư số tiền lớn phải nắm vững thông tin, phải biết mình biết ta thì mới làm được. Đây là yếu tố tiên quyết để họ quyết định đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam hay không.

Tuy nhiên phần lớn họ gặp không ít khó khăn khi vấp phải những khó khăn về thu thập thông tin, pháp lý, thủ tục rồi từ luật cho tới cơ quan nhà nước nên không có được cái mình cần. Chính vì vậy, dịch vụ tư vấn nông nghiệp ở Việt Nam chưa thực sự phát triển dù đã có một số nơi đi vào hoạt động.

Thực tế đã có một số tổ chức nước ngoài hay các viện, sở hoặc thậm chí các trường đại học đã và đang cung cấp dịch vụ tư vấn nông nghiệp. Ông đánh giá thế nào về hoạt động này?

 "Phải minh bạch, phải rõ ràng thì mới hoạt động tốt. Nhiều nơi tư vấn không tốt, không đủ thông tin vẫn lấy tiền người ta. Rồi người đi tư vấn lại không được trung tâm trả tiền hoặc trả lấy lệ”...
TS Nguyễn Đăng Nghĩa

 

- Điều này tôi cũng biết. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là hiệu quả. Nếu các cơ quan trong nước mở ra dịch vụ này thường ít tính đến chuyện kinh phí, từ đó hoạt động hời hợt, thiếu thông tin. Nông dân, doanh nghiệp chưa thể có được cái họ cần. Còn đa số trung tâm tư vấn do nước ngoài thành lập đều tư vấn để bán sản phẩm, bán dịch vụ của họ. Chúng ta không thể kỳ vọng vào họ.

Người dân, các tổ chức và doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận bỏ tiền ra để có được thông tin đáp ứng nhu cầu của họ. Họ không tiếc tiền, chỉ có điều ta chưa có nhiều trung tâm để đáp ứng, hay nói thẳng ra là cung còn quá ít, quá thấp so với cầu.

Theo ông, một trung tâm tư vấn nông nghiệp hoạt động tốt cần những gì?

- Đã là dịch vụ phải nói tới hiệu quả, để cho hai bên đều có lợi. Có hiện trạng nhiều trung tâm tư vấn thành lập hàng loạt nhưng rồi chết yểu, không hoạt động được. Tư vấn mà không có lợi ích cho người mua dịch vụ thì cũng chết sớm. Chính vì thế các trung tâm tư vấn nông nghiệp phải có chuyên gia giỏi, có kinh nghiệm, có kiến thức sâu rộng về các lĩnh vực tư vấn sẵn sàng phục vụ các nhu cầu.

Quan trọng nữa là ở cơ chế. Nếu cơ chế của trung tâm không rõ ràng, rất khó để thành công. Phải minh bạch, phải rõ ràng thì mới hoạt động tốt. Nhiều nơi tư vấn không tốt, không đủ thông tin vẫn lấy tiền người ta. Rồi người đi tư vấn lại không được trung tâm trả tiền hoặc trả lấy lệ.

Bên cạnh đó, còn phải tính đến lợi nhuận trong kinh doanh. Với người nông dân hỏi vài ba câu hỏi thì có thể miễn phí, nhưng nếu phải đi đến tận nơi để khảo sát, làm nghiên cứu dự án… thì cần có hợp đồng, có thù lao rõ ràng. Cái này cần thiết để duy trì và phát triển dịch vụ cũng như trả công xứng đáng cho các nhà khoa học.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: danviet
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo