“Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” là câu truyền khẩu “xếp hạng” các cánh đồng nổi tiếng vùng Tây Bắc. Tận dụng lợi thế này, nhiều địa phương đang mở rộng vùng sản xuất các giống lúa chất lượng gắn với chế biến theo chuỗi giá trị hàng hóa.
|
Tham quan mô hình trồng giống lúa Séng Cù. |
Theo TS.Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, phát triển các giống lúa chất lượng là xu hướng tất yếu ở vùng Trung du miền núi phía Bắc và đã hội tụ điều kiện cần và đủ để phát triển.
Lúa đặc sản lên ngôi
Tham gia Dự án trồng lúa chất lượng cao (Séng Cù) từ năm 2013, với diện tích 20 sào (0,72ha), bà Trần Thị Ngần ở thôn Đông Căm, xã Mường Vi (Bát Xát - Lào Cai) có thu nhập ổn định nhờ đầu ra của sản phẩm đã được khơi thông. Để đạt hiệu quả cao trong sản xuất, bà áp dụng đúng quy trình kỹ thuật do cán bộ khuyến nông hướng dẫn như: Cấy nông tay, cấy mạ non, cấy một dảnh, áp dụng nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng và ghi chép đầy đủ nhật ký đồng ruộng,…
“Hiện, sản phẩm gạo Séng Cù của Mường Vi đã xây dựng được thương hiệu nên chúng tôi rất yên tâm về đầu ra. Xã và tổ nhóm nông dân đã đứng ra ký hợp đồng bao tiêu với các doanh nghiệp nên giá bán ổn định và cao hơn thị trường. Trong 3 năm trở lại đây, giá bán luôn đạt mức 15.000 đồng/kg thóc, dịp gần Tết có khi lên đến 17.000 đồng/kg, trong khi các loại lúa khác chỉ đạt 6.000 - 7.000 đồng/kg”, bà Ngần nói.
Bà Ngần chỉ là một trong số hàng vạn nông dân của Lào Cai đang được hưởng lợi từ các giống lúa đặc sản của địa phương. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lào Cai, trên địa bàn tỉnh đang hình thành 2 vùng sản xuất lúa chất lượng, gồm: Vùng thấp (Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn) tập trung sản xuất các giống lúa chịu lạnh cấy vụ xuân (DDS1, JO1, JO2); giống Bắc thơm, Tám thơm cấy vụ mùa, quy mô diện tích 1.976ha, năng suất đạt từ 60-70 tạ/ha/vụ. Vùng cao (Mường Khương, Bắc Hà, Sa Pa, Bát Xát) tập trung sản xuất các giống lúa bản địa (Séng Cù, Khẩu Nậm Xít, nếp Thẩm Dương) với diện tích hơn 1.000ha.
Cũng như Lào Cai, nhiều địa phương vùng Trung du miền núi phía Bắc cũng đang tích cực khai thác tiềm năng, thế mạnh của các giống lúa chất lượng, đặc biệt là giống lúa bản địa. Đơn cử như tỉnh Yên Bái đã xây dựng thành công thương hiệu cho một số sản phẩm lúa chất lượng cao như Chiêm Hương, nếp Tú Lệ, Séng Cù,… Tỉnh cũng tập trung phát triển vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung với diện tích 2.500ha ở những địa phương có điều kiện thuận lợi như cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn), cánh đồng Đại Phú An – Đông Cuông (Văn Yên), vùng sản xuất lúa đặc sản nếp Tú Lệ (Văn Chấn).
Điện Biên là một trong những tỉnh khá thành công trong việc phát triển và xây dựng thương hiệu lúa chất lượng, đặc biệt, giống lúa Bắc thơm số 7 đã trở thành loại gạo nổi tiếng của địa phương này. Chỉ riêng tại cánh đồng Mường Thanh, hàng năm cung cấp cho thị trường khoảng 25.000 tấn lúa chất lượng, đặc sản. Hiện, gạo Điện Biên được cung cấp đi các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, TP. Hải Phòng… Tại thị trường Hà Nội, sản phẩm gạo Bắc thơm số 7- Điện Biên đã có mặt ở hầu hết các siêu thị, cửa hàng gạo lớn. Theo thống kê, diện tích lúa chất lượng ở vùng lòng chảo Điện Biên đạt khoảng 4.000ha, năng suất bình quân khoảng 6 tấn/ha/vụ, giá trị thu nhập trên 50 triệu đồng/ha/vụ.
Sơn La có chương trình phát triển lúa hàng hóa và xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao ở huyện Phù Yên với quy mô 1.000ha, sản lượng 10.000 tấn/năm. Chương trình có sự tham gia liên kết của “4 nhà”, đặc biệt có sự quản lý chất lượng và tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp.
Xu hướng tất yếu
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), hiện nay, tỷ lệ giống lúa chất lượng ở các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc chiếm khoảng 30% trong tổng số 690.000ha gieo cấy, trong đó vụ mùa có tỷ lệ lúa chất lượng cao hơn (khoảng 34%). Một số tỉnh có diện tích gieo cấy lúa chất lượng cao như Điện Biên (65%), Cao Bằng (trên 50%). Cơ cấu giống lúa chất lượng chủ yếu gồm: các giống lúa địa phương cổ truyền (tẻ nương Mộc Châu, nếp cẩm, Séng Cù, nếp Tú Lệ, Bao thai…).
Phát triển lúa đặc sản là hướng đi tất yếu ở các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc.
Ông Trần Xuân Định, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, cho rằng, phát triển lúa chất lượng gắn với chế biến theo chuỗi giá trị hàng hóa là lựa chọn tất yếu cho các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc, bởi các địa phương này có nhiều tiểu vùng sinh thái khác nhau, tạo nên những sản phẩm nông nghiệp phong phú, đa dạng, có chất lượng thơm ngon, hương vị đặc trưng. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ gạo chất lượng cao ngày càng tăng, đặc biệt đối với khu vực thành thị, người có thu nhập cao, khách du lịch. Nhiều địa phương đã hình thành vùng sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng “liền vùng, cùng trà, cùng giống”.
Theo ông Trần Đình Dũng, Trưởng phòng Kinh tế Hợp tác (Bộ Nông nghiệp và PTNT), hiện nay, cơ chế, chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến lúa gạo hàng hóa đã khá đầy đủ. Đơn cử như Quyết định 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn quy định, doanh nghiệp được miễn tiền thuê đất khi được nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án xây dựng nhà máy chế biến, kho chứa, nhà ở cho công nhân phục vụ dự án cánh đồng lớn; ưu tiên tham gia các hợp đồng xuất khẩu nông sản hoặc chương trình tạm trữ của Chính phủ, hỗ trợ một phần kinh phí cải tạo đồng ruộng, đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật,…
Tuy nhiên, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình, cho rằng, việc xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất lúa hàng hóa ở vùng miền núi phía Bắc còn hạn chế dù đây là vùng có điều kiện, lợi thế đặc biệt thuận lợi để phát triển lúa chất lượng, không phải nơi nào cũng có được (biên độ nhiệt độ giữa ngày và đêm cao). “Trong một diễn đàn lớn về phát triển lúa chất lượng nhưng chỉ có sự tham gia của hai doanh nghiệp chuyên về giống, thiếu vắng doanh nghiệp chế biến, kinh doanh, xuất khẩu cho thấy thị trường lúa chất lượng cao vùng miền núi phía Bắc vẫn còn bỏ ngỏ, chưa được quan tâm, trong khi nơi đây sở hữu những giống lúa đặc sản thơm ngon và tinh hoa nhất”, ông Báo nêu một thực tế.
Để phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa, theo ông Định, cần xây dựng quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao phù hợp với vùng sinh thái, đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm đảm bảo tưới, tiêu chủ động cho toàn vùng. Tiếp tục đầu tư, nghiên cứu, chọn tạo, nhập nội các giống lúa chất lượng có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu tốt với sâu bệnh và thích hợp với các vùng sinh thái cụ thể; phục tráng các giống lúa đặc sản địa phương có chất lượng và giá trị hàng hóa cao. Hỗ trợ các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển thị trường, tăng cường xúc tiến thương mại và các dịch vụ khác gắn với chuỗi giá trị tại các vùng chuyên canh; tìm đầu mối xuất khẩu gạo chất lượng cao sang các nước Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,… Mở rộng thị trường trong nước, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân vùng thành thị, người có thu nhập cao. Hỗ trợ doanh nghiệp cụ thể bằng những chính sách ưu đãi về vốn vay cho xây dựng vùng nguyên liệu, thu mua, bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao gắn với tiểu vùng sinh thái…
Tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp chuyên đề: “Phát triển lúa chất lượng gắn với chế biến theo chuỗi giá trị hàng hóa”, TS.Phan Huy Thông nhấn mạnh, vùng Trung du miền núi phía Bắc hội tụ đầy đủ các điều kiện để phát triển lúa chất lượng bởi có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phong phú, đa dạng ở từng tiểu vùng sinh thái khác nhau, có nhiều giống lúa đặc sản nổi tiếng được hình thành từ rất nhiều năm. Điều quan trọng là làm thế nào để biến tiềm năng ấy thành sản phẩm hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.
“Chỉ có con đường liên kết theo chuỗi, doanh nghiệp tích cực tham gia xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chế biến, xuất khẩu thì những sản phẩm lúa chất lượng vùng miền núi phía Bắc mới có cơ hội được đi xa hơn nữa”, ông Thông nhấn mạnh.
Diện tích gieo cấy lúa của các tỉnh miền núi phía Bắc hiện đạt 690.000ha, trong đó vụ đông xuân khoảng 250.000ha, vụ mùa 440.000ha. Năng suất lúa bình quân năm 2014 đạt 48,5 tạ/ha (vụ đông xuân 56,3 tạ/ha, vụ mùa 44 tạ/ha). Sản lượng lúa đạt khoảng 3,3 triệu tấn.
Diện tích lúa chất lượng cao chiếm khoảng 30% diện tích lúa của cả vùng.
|