Nuôi tôm thâm canh (còn gọi nuôi công nghiệp) đang phát triển mạnh tại Cà Mau. Trước lợi nhuận mô hình có thể mang lại, nhiều hộ tự ý xé rào nuôi tôm ngoài quy hoạch dẫn đến nhiều hệ lụy.
|
Nhiều hộ nuôi tôm liên tiếp thất bại |
Năm 2013, huyện Phú Tân có 1.200 ha nuôi tôm công nghiệp, đến nay đã tăng tự phát lên 2.300 ha. Năm 2014, huyện Cái Nước chỉ quy hoạch nuôi hơn 1.000 ha, nhưng đến nay tăng lên hơn 1.690 ha.
Việc nuôi tôm ngoài quy hoạch còn tràn sang cả huyện Thới Bình. Từ vài hộ nuôi ban đầu, đến nay toàn huyện đã có hơn 100 ha nuôi tôm công nghiệp.
Trước nhu cầu rất lớn của bà con, lãnh đạo huyện Thới Bình đã đề xuất tỉnh cho chuyển một phần diện tích tại các vùng trũng không thể SX lúa - tôm kết hợp sang nuôi tôm công nghiệp.
Tại huyện Ngọc Hiển, nơi được coi là "thiên đường" của tôm sinh thái dưới tán rừng cũng đang phát triển mô hình nuôi tôm thâm canh với 160 ha. Trong đó, hàng chục hộ nuôi ngoài vùng quy hoạch, chiếm gần 50% diện tích.
Theo Sở NN-PTNT Cà Mau, toàn tỉnh có hơn 9.200 ha nuôi tôm thâm canh, tăng hơn 1.200 ha so với đầu năm. Phần lớn diện tích tăng thêm do người dân nuôi tự phát.
Anh Nguyễn Thành Tính ở ấp Tân Phong B, Hòa Thành, TP Cà Mau có 3 công đất gần nhà. Vài năm trước thấy người ta nuôi tôm công nghiệp trúng lớn, anh cũng đào ao nuôi.
Nuôi 2 vụ đầu thắng lợi, lãi gần 200 triệu đồng. 2 vụ gần đây thì mất trắng. Vụ vừa qua, tôm nuôi được gần 70 ngày lăn đùng ra chết...
“Từ khi bắt đầu nuôi tôm công nghiệp đến nay tôi thua lỗ hàng chục triệu đồng, sổ đỏ bỏ luôn trong ngân hàng. Khi nuôi tôi đã cố gắng trau dồi kỹ thuật, nhưng tôm có thể chết bất kỳ lúc nào...”, anh Tính than thở.
Vừa tập tễnh bước vào nuôi tôm công nghiệp, ông Nguyễn Văn Thoái (xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân) đã phải nuốt trái đắng.
Vụ đầu, ông đầu tư 2 ao, quy mô gần 5.000 m2. Qua 2 tháng nuôi, dù đã phải liên kết với kỹ sư của Cty thuốc thú y thủy sản để được hỗ trợ kỹ thuật, ông Thoái vẫn lỗ 60 triệu đồng.
Cách lựa chọn liên kết cùng đại lý, Cty thuốc để được hỗ trợ kỹ thuật, loại thuốc phù hợp… đang được nhiều người nuôi tôm lựa chọn.
Người thành công cũng có, thất bại cũng nhiều. Chưa xác định chính xác được hiệu quả ra sao. Nhưng chắc chắn một điều, người nuôi phải mua thuốc theo yêu cầu của nhân viên hỗ trợ kỹ thuật.
Không chỉ khó về kỹ thuật, người nuôi tôm ngoài quy hoạch còn phải chịu nhiều thua thiệt. Chia sẻ với chúng tôi, anh Lý Văn Khen (ấp 4, xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình) cho biết, do địa phương chưa có nguồn điện ba pha nên vừa qua anh đã phải mua bình điện hết 170 triệu đồng để phục vụ nuôi tôm.
Theo anh Khen, không được áp giá điện nên trung bình 1 ha, mỗi tháng anh phải trả vài triệu tiền điện. Giá điện đang là nỗi ám ảnh đối với người nuôi, đầu tư nhiều như gia đình anh, mỗi tháng trên dưới chục triệu đồng là thường.
Do nuôi ngoài quy hoạch, hệ thống cơ sở hạ tầng không được đầu tư, khi dịch bệnh bùng phát không được hỗ trợ. Từ những vấn đề trên, việc quy hoạch lại vùng nuôi, tổ chức lại SX đang là vấn đề cấp bách cần được cơ quan chức năng Cà Mau thực hiện.