Lạc giữa 'rừng' phân bón
16:31 - 13/10/2015
Ngày 12/10, tại Hà Nội, Hiệp hội Phân bón VN phối hợp với Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội thảo quốc gia “Thực trạng thị trường phân bón Việt Nam và thế giới, định hướng tái cơ cấu hệ thống SX kinh doanh phân bón”.

 

Ngành phân bón cần đổi mới để hội nhập

* Kiến nghị sửa Luật Thuế 71, Nghị định 202

Hội thảo được tổ chức trước thực trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng, nhái nhãn mác tái bùng phát, SXKD phân bón gặp rất nhiều khó khăn..., 

Lỗ hổng lớn

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón VN, ông Nguyễn Hạc Thúy cho biết, từ khi Nghị định 202 về quản lý phân bón được ban hành và có hiệu lực, về nguyên tắc việc quản lý phân bón gần như được giao cho Bộ Công thương. Bộ NN-PTNT chỉ còn tham gia quản lý các loại phân hữu cơ.

Trong khi đó, thực tế cho thấy cán bộ chuyên ngành phân bón của ngành công thương rất mỏng. Cục Quản lý thị trường và Chi cục cấp tỉnh, thành không phải chuyên ngành phân bón, chủ yếu quản lý giám sát lưu thông thương mại trên thị trường, trong khi hầu hết Sở Công thương các tỉnh, thành còn thiếu cán bộ quản lý phân bón. Do đó việc thanh tra, quản lý phân bón vô cơ trong thời gian qua gần như bị bỏ ngỏ.

Bên cạnh đó, số lượng phòng kiểm nghiệm, kiểm định, phân tích còn rất hạn chế, phân bố chưa hợp lý nên gây khó khăn, chồng chéo cho DN khi cần phân tích mẫu.

Đặc biệt, về nhãn mác bao bì, nhiều đơn vị SX phân bón trong nước khi tuyên truyền, quảng cáo đưa thông tin sai sự thật, giật gân rằng công nghệ Mỹ, Canada, Đức, Nhật… Nhiều đơn vị NK ure, DAP, kali, SA… đóng bao bì lại lấy tên đơn vị mình khiến nông dân dễ bị hiểu lầm.

Một vấn đề khác làm nóng hội thảo lần này là việc kiến nghị sửa đổi Luật Thuế 71 (đưa phân bón vào diện không chịu thuế xuất VAT) và quá trình công bố hợp quy. Bởi theo quy định thì hiện nay mới chỉ có sản phẩm ure, DAP, kali, SA đã có quy chuẩn quốc gia, DN chỉ cần tuân thủ theo đó để công bố hợp quy.

Phát biểu kết luận hội thảo, đại diện Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng như các ban ngành khác đều thống nhất sẽ kiến nghị Nhà nước sửa đổi Luật Thuế 71 và Nghị định 202 về quản lý phân bón trong thời gian sớm nhất.

Tuy nhiên, các loại phân bón khác, đặc biệt là NPK lại chưa có quy chuẩn quốc gia nên theo hướng dẫn của Cục Hóa chất (Bộ Công thương) tại Công văn số 389a/CHC-SPT hướng dẫn công bố hợp quy theo Thông tư 29/2014/TT-BCT, trong trường hợp Thông tư 29 không quy định thì áp dụng theo các tiêu chuẩn cơ sở DN.

Thế nhưng tiêu chuẩn cơ sở DN là như thế nào hiện chưa được hướng dẫn thành tiêu chí nên đến nay vẫn còn chồng chéo việc thực hiện giữa Sở Công thương và Sở NN-PTNT.

Chuyển biến mờ nhạt?

Ông Nguyễn Văn Đông, Phó TGĐ Cty CP Phân bón Bình Điền cho hay, sau khi không được khấu trừ thuế theo Luật Thuế 71, giá phân bón của Bình Điền bán đến tay nông dân không những giảm mà con tăng do DN phải cộng thêm phần thuế không được khấu trừ vào giá thành. Hơn nữa, việc áp dụng luật thuế mới, DN SX NPK trong nước bị cạnh tranh nhiều do hàng NK giờ chỉ phải chịu thuế NK 6%.

Trong khi đó, Cty Bình Điền đang XK phân bón sang Nga, Lào, Myanmar… giá thấp hơn trong nước do được khấu trừ thuế nên nhiều sản phẩm thậm chí bán ngược lại tại các vùng lân cận.

Vì vậy, ông Đông kiến nghị các Bộ, ngành có đề xuất lên Chính phủ sửa đổi Luật Thuế 71 đưa phân bón thành lĩnh vực chịu thuế 0%.

Đồng tình với việc sửa đổi Luật Thuế 71, ông Phạm Quang Tuyến, Tổng GĐ Cty CP Supe phốt phát & hóa chất Lâm Thao cho biết, do đặc thù ngành SX hóa chất nên tuổi thọ thiết bị của DN không cao. Cty thường xuyên phải đầu tư thay thế mới, nay không được khấu trừ thuế là thiệt hại lớn. Bằng chứng là 9 tháng đầu năm 2015, sản lượng phân bón tiêu thụ giảm 16%, sản lượng SX giảm 4%, qua đó hiệu quả kinh doanh dự kiến giảm 18% so với cùng kỳ năm 2014.

Ông Nguyễn Hồng Phong, TGĐ Cty CP Công nông nghiệp Tiến Nông đề nghị sửa Nghị định 202. Theo đó, cần quy định bắt buộc DN SX phân bón phải có phòng phân tích, kiểm định đạt chuẩn Vilas. Bởi đây là hàng rào kỹ thuật quan trọng để hạn chế bớt DN nhỏ lẻ SX kiểu "cuốc xẻng".

"Những DN lớn, làm ăn chân chính đầu tư một nhà máy hàng trăm tỷ đồng, không có lý do gì mà không đầu tư được 1 phòng phân tích 10 - 20 tỷ. Chỉ có DN vì lợi nhuận trước mắt mới muốn bỏ qua việc xây dựng phòng phân tích để kiểm tra chất lượng đầu vào, đầu ra cho chính sản phẩm của mình", ông Phong nói.

Ông Nguyễn Đức Ninh, Phó TGĐ Cty TNHH MTV Phân đạm & hóa chất Hà Bắc chia sẻ, các bạn hàng ở Thái Lan, Hàn Quốc cho biết họ rất bất ngờ và không hiểu tại sạo Việt Nam lại có tới hàng nghìn sản phẩm phân bón? Với một ma trận như vậy, ngay cả cơ quan quản lý cũng không kiểm soát nổi chứ chưa nói gì tới bà con nông dân.

Là một người làm công tác nghiên cứu phân bón trên 40 năm qua, TS Nguyễn Đăng Nghĩa, GĐ Trung tâm Nghiên cứu & tư vấn nông nghiệp nhiệt đới (Sở KH-CN TP.HCM) đề nghị, sau hội thảo lần này các cơ quan quản lý nhà nước phải có hành động cụ thể và quyết liệt ngay, không sẽ lại “bắt cóc bỏ đĩa”, bởi những năm trước đã từng có hội thảo như thế này rồi và có thể năm sau lại có một hội thảo tương tự.

Điều mà TS Nguyễn Đăng Nghĩa lo ngại nhất là nguy cơ ô nhiễm suy thoái đất, hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm môi trường từ phân bón... luôn thường trực. Bón dinh dưỡng vào đất thì dễ chứ xử lý bỏ các chất dinh dưỡng ra khỏi đất mới thật sự khó khăn và tốn kém.

Theo ông Nghĩa, Việt Nam hiện có khoảng 10 loại cây trồng chủ lực, mỗi loại chỉ cần khoảng 4 loại phân bón là đủ. Mà cho dù khuyến khích thêm DN nghiên cứu chi tiết coi như 100 loại phân bón là quá nhiều rồi, Thái Lan thực tế chỉ có 100 loại phân bón, Trung Quốc thậm chí chỉ vài chục loại. Nhưng theo danh mục quản lý NPK của Bộ NN-PTNT trước đây có tới 5.000 loại phân bón, chưa kể các sản phẩm chưa được vào danh mục chiếm khoảng 50% tổng số đó nữa. Như vậy là quá nhiều, không cần thiết, gây khó khăn cho quản lý và sử dụng.

Nguyên Huân/ Theo NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo