Những khu rừng giáp ranh giữa các địa phương thường nằm ở nơi xa xôi hẻo lánh ít người qua lại còn rất giàu tài nguyên, đó là miếng mồi béo bở mà lâm tặc vô cùng thèm khát.
|
Tổ tuần tra kiểm tra rừng cả trong những ngày mưa gió |
Thế là cuộc chiến giữa những người bảo vệ rừng và lâm tặc cứ âm thầm diễn ra, nhiều lúc cam go, nóng bỏng và chưa khi nào chấm dứt.
Chạy dọc dãy núi Háng Đề Chà Hâu và Háng Gàng, Khu Bảo tồn loài, sinh cảnh Mù Cang Chải (Yên Bái) chủ yếu nằm trên đất xã Chế Tạo có diện tích 20.293,3 ha, phần kéo dài của khu bảo tồn nằm ở ba xã Ngọc Chiến, Nậm Păm, Hua Trai (huyện Mường La, Sơn La) có tổng diện tích trên 16.000 ha.
Đây là khu rừng nguyên sinh còn khá nguyên vẹn được Tổ chức Bảo tồn động, thực vật hoang dã Quốc tế (FFI) phát hiện vào năm 1999 từ một chiếc túi đi săn của người dân địa phương làm bằng da vượn đen ở chợ Mường La.
Rừng Khu Bảo tồn loài, sinh cảnh Mù Cang Chải
Từ năm 1999-2001, Tổ chức FFI đã tiến hành 7 cuộc khảo sát, điều vô cùng ngạc nhiên là kết quả các cuộc khảo sát đã phát hiện ở khu vực rừng Chế Tạo có khoảng 39 đàn vượn đen với trên 100 cá thể.
Chúng được phân bố rải rác trong các khu rừng, tập trung nhiều nhất ở Nàng Lu 7 đàn, Nước Vó 5 đàn, Chua Kúa La 4 đàn, Nậm Khắt 3 đàn… Chúng sống từng bầy đàn theo kiểu gia đình, bao gồm bố mẹ và con cái.
Vượn đen là loài động vật vô cùng quí hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Do tiếng hót rộn ràng và mê đắm mỗi sớm bình minh đánh thức cả vùng rừng hoang vắng đã dẫn lối cho những tay thợ săn tìm đến.
Chúng bị săn lùng ráo riết để lấy da, xương nên loài vượn đen bị tiêu diệt gần như tuyệt chủng. Hiện nay khu vực miền núi phía Bắc chỉ có hai cánh rừng có loài vượn đen là Chế Tạo và Văn Bàn (Lào Cai) với khoảng 130 cá thể.
Người ta gọi hổ là chúa tể của rừng xanh, còn “Tiếng hót của vượn chính là linh hồn của rừng”.
Khu Bảo tồn loài, sinh cảnh Mù Cang Chải do tiếp giáp với hai tỉnh Sơn La và Lai Châu nên cuộc chiến bảo vệ rừng luôn nóng bỏng.
Một góc rừng khu bảo tồn
Nhất là sau khi thông tin người dân phát hiện một thảm rừng cây Vân Sam tại khu vực xã Nậm Khắt, có cây đại cổ thụ đường kính 4 m, tuổi thọ khoảng 1.500 tuổi đã làm sôi sục đám buôn gỗ và lâm tặc muốn triệt hạ những cây này để làm sập và trang trí nội thất vì chúng có vân đẹp, mùi hương rất thơm.
Theo nguồn tin không chính thức mà chúng tôi nắm được, có người đã bỏ ra 400 triệu đồng mua sắm cưa máy, máy tời ba lăng xích và dụng cụ chặt hạ cây, chúng đang móc nối với một số người dân địa phương chờ thời cơ đốn hạ cây đại cổ thụ này.
Trước thông tin đó, nhất là khi một tờ báo đưa tin lâm tặc đang rút ruột các khu vực rừng giáp ranh, Chi cục Kiểm lâm Yên Bái đã tổ chức đoàn công tác do ông Đỗ Cường Minh, Chi cục trưởng làm trưởng đoàn tiến hành xác minh thông tin và tổ chức kiểm tra rừng.
Xã Ngọc Chiến thuộc huyện Mường La, tỉnh Sơn La nằm dưới chân dãy núi Khu Bảo tồn loài, sinh cảnh Mù Cang Chải. Nơi đây còn tiếp giáp với khu rừng hai xã Túc Đán, Bản Mù thuộc huyện Trạm Tấu, từ lâu được mệnh danh là “sào huyệt” của bọn lâm tặc.
Bản Mường Chiến nằm cuối xã Ngọc Chiến, khi đặt chân tới đây ai cũng phải kinh ngạc vì nhiều ngôi nhà sàn làm bằng gỗ, từ cột, vách, sàn đến mái cũng lợp bằng gỗ pơ mu.
Một ngôi nhà sàn như thế phải dùng tới cả trăm khối gỗ, càng kinh ngạc hơn là người ta còn rào vườn và lát mặt mương nước bằng gỗ pơ mu- một loài cây quý hiếm cần được bảo vệ.
Những ngôi nhà lợp bằng gỗ ở bản Mường La (Sơn La)
Hỏi một người dân, người đó thành thật: Những năm trước, gỗ ở đây nhiều vô kể, kiếm một bao xi măng còn khó hơn tìm mua vài khối pơ mu…
Đó là điều dễ hiểu, nằm ở nơi sơn cùng thủy tận người dân làm nhà chỉ việc lên rừng ngả gỗ, đám lâm tặc dựa vào họ mua bán và tổ chức khai thác gỗ, từ đó người ta gọi nơi đây là “thánh địa của lâm tặc”.
Nhà kho, hàng rào, lắp mương nước bản Mường La đều làm bằng gỗ
Nếu vận chuyển gỗ từ Ngọc Chiến qua Mường La với đoạn đường khoảng 40 km sẽ khó khăn hơn vận chuyển qua xã Nậm Khắt thuộc huyện Mù Cang Chải tới Quốc lộ 32 chỉ có 15 km, nhất là con đường này vừa được nâng cấp.
Do kiểm lâm Sơn La và Yên Bái liên tục truy quét nên lâm tặc nơi đây không dám hoạt động trắng trợn như nhiều năm trước, với chiến thuật “kiến tha lâu cũng đầy tổ”, nghĩa là chúng thu gom từng cục gỗ cất trữ chờ thời.
Ngày 16/5/2015 Công an tỉnh Yên Bái phối hợp đội Quản lý thị trường cơ động khám xét và bắt giữ gần 20m3 gỗ đang cất giấu tại nhà bà Hoàng Thị Hằng, thôn Páo Khắt, xã Nậm Khắt.
Vụ án đã được khởi tố, theo cơ quan điều tra thì số gỗ trên bà Hằng mua gom của nhiều người khai thác trên các cánh rừng thuộc xã Ngọc Chiến và Nậm Khắt.
Từ tháng 4 đến nay, kiểm lâm huyện Mù Cang Chải còn bắt giữ 4,78 m3 và 1 tấn cành ngọn pơ mu tại khu vực này.
Làm việc với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La, chúng tôi được biết ngày 12/8/2015 TAND huyện Mường La xét xử sơ thẩm vụ án khai thác lâm sản trái phép đối với hai bị cáo là Giàng A Lồng và Giàng A Vảng trú tại thôn Bản Công, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái.
Đoàn công tác Kiểm lâm Yên Bái bàn phương án BVR giáp ranh
Hai tên này đã khai thác trái phép 10,915 m3 gỗ pơ mu và 6,32m3 gỗ tạp tại khu rừng thôn bản Mới, xã Chiềng Công, huyện Mường La để bán lấy tiền. Giàng A Lồng bị tuyên phạt 9 tháng tù giam, Giàng A Vảng 6 tháng tù giam.
Ông Phạm Ngọc Cừ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Sơn La đề nghị hai Hạt Kiểm lâm huyện Mường La và Mù Cang Chải mỗi tháng tổ chức một cuộc tuần tra chung ở những khu vực rừng giáp ranh với thời gian 3-4 ngày được đánh dấu bằng máy định vị GPS.
Vì rừng ở khu vực giáp ranh thuộc loại rừng có trữ lượng lâm sản lớn, phong phú các loài động vật, nơi bọn lâm tặc luôn nhòm ngó và thèm khát.
Trên đường trở về, tới trường tiểu học xã Nậm Păm chúng tôi bắt gặp hai xe máy chở gỗ, lúc đó khoảng hai giờ chiều. Khi thấy xe ô tô của chúng tôi dừng lại hai xe máy chở gỗ vội lách qua phóng bạt mạng.
Thông tin cho hạt Kiểm Lâm Mường La đón lõng, khi tới nơi thì hai xe chở gỗ đã rẽ vào đâu đó mất tăm.
Theo ông Giàng A Lử, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mù Cang Chải, lâm tặc luôn thay đổi chiến thuật vận chuyển gỗ không theo quy luật nào cả, thường vào thời gian bất ngờ nhất.
Chúng thường chọn nửa đêm về sáng khi mọi người đang ngủ say giấc hoặc giữa trưa đường vắng người qua lại. Để phục bắt được một xe gỗ phải mất thời gian khá lâu từ việc nắm bắt thông tin đến tổ chức vây bắt, chỉ cần sơ hở là chúng tẩu thoát…
Lâm tặc ngang nhiên chở gỗ giữa ban ngày ở xã Nậm Păm (Sơn La)
Để bảo vệ Khu Bảo tồn loài, sinh cảnh Mù Cang Chải, Tổ chức FFI đã thành lập 4 tổ tuần tra bảo vệ rừng, hàng tháng các tổ có 20 ngày tuần tra và thu thập số liệu đa dạng sinh học.
Theo báo cáo mới nhất, đầu năm 2015 các máy bẫy ảnh đã chụp được một loài động vật vô cùng quý hiếm đang sinh sống tại khu bảo tồn.
Ông Phạm Ngọc Cừ (đứng) Chi cục phó Kiểm lâm Sơn La bàn phương án BVR
Để giữ mạng sống cho loài động vật này trước các tay súng của lâm tặc, FFI chưa dám công bố danh tính loài động vật đó. Cũng giống như thông tin về loài Vân Sam vừa được tiết lộ đã làm hoa mắt bọn lâm tặc, điều này đang đặt kiểm lâm Yên Bái và Sơn La cần nhanh chóng có biện pháp bảo vệ.
Theo ông Đỗ Cường Minh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Yên Bái, bảo vệ rừng giáp ranh và vùng đệm của Khu Bảo tồn loài, sinh cảnh Mù Cang Chải chúng tôi luôn đặt lên hàng đầu.
Khu bảo tồn là nơi lưu giữ nguồn gen quý hiếm các loài động thực vật đặc hữu của rừng Việt Nam. Bởi thế, chúng tôi không thể sơ suất bất cứ lúc nào, nhất là mùa khô đã đến việc bảo vệ rừng càng được tăng cường hơn… |