|
Ảnh minh họa |
Ngành xuất khẩu tiềm năng
Với điều kiện tự nhiên và khí hậu phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển, hiện sắn được trồng chủ yếu trên đất cát, đất nhiều sỏi đá, đất thịt, đất dốc và trên 4 vùng sinh thái của cả nước như Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Diện tích trồng sắn đã đứng thứ ba sau lúa và ngô với 560.000 ha sắn.
Các tỉnh có diện tích trồng sắn lớn là: Sơn La, Yên Bái, Hoà Bình, Bình Thuận, Nghệ An, Quảng Ngãi, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum, Đắk lắk, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương.
Hiện nay, tổng sản lượng sản xuất sắn tươi của Việt Nam khoảng trên 12 triệu tấn (5,2 triệu tấn sắn lát khô) và khoảng 1,2 triệu tấn sắn lát khô nhập khẩu từ Campuchia, Lào.
Mỗi năm, nhu cầu trong nước sử dụng khoảng 7 triệu tấn sắn tươi để sản xuất tinh bột; 0,7 triệu tấn sắn khô để làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản; 0,15 triệu tấn sắn khô cho sản xuất cồn ethanol và xuất khẩu khoảng 2 triệu tấn sắn khô.
Trong 3 năm gần đây, cây sắn của Việt Nam đã trở thành một trong những cây công nghiệp quan trọng, với diện tích, năng suất và sản lượng tăng nhanh. Kim ngạch xuất khẩu sắn đã đứng thứ 5 trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu, sau cà phê, lúa, điều, tiêu với trên 1,1 tỷ USD/năm.
Theo số liệu từ Hải quan Việt Nam, năm 2014, Việt Nam xuất khẩu 3,37 triệu tấn sắn và sản phẩm từ sắn, thu về 1,14 tỷ USD, tăng 7,7% về lượng và 3,7% về giá trị kim ngạch. Đến hết quý II năm 2015, xuất khẩu 2,74 triệu tấn sắn và sản phẩm từ sắn , ứng với kim ngạch 820,79 triệu USD, tăng 45,4% về lượng và 38.8% về giá trị. Mức giá xuất khẩu bình quân của năm 2015 là 225 USD/tấn tương đương 4.905 đồng/kg, mức giá thu mua là 4.889 đồng/kg. Hiện tại, Việt Nam có khoảng 50 công ty xuất khẩu sắn lát. Tính đến 15/6/2015, tổng sản lượng sắn lát khô xuất khẩu là 1,5 triệu tấn.
Còn nhiều khó khăn
Mặc dù vậy, trong sản xuất sắn hiện nay cũng còn gặp nhiều khó khăn như: Diện tích sắn bị thu hẹp do cạnh tranh bởi các cây trồng khác; Năng suất sắn còn thấp hơn so với tiềm năng của cây sắn. Không những năng suất thấp, mà giá sắn của ta cũng rất bấp bênh, không tạo ra được mối quan hệ cộng sinh giữa doanh nghiệp và người nông dân. Giá sắn nhập thường thấp hơn so với giá sắn trong nước bởi sắn của các nước cho năng suất cao nên bán rẻ, còn sắn Việt Nam năng suất thấp phải bán giá cao mới có lãi. Một trong những ngành hàng nông sản có chiều hướng sụt giảm về mặt giá trị trong quý I/2015 là ngành hàng sắn.
Bên cạnh đó, việc phát triển sắn trong nước hiện vẫn thiếu bền vững, tình trạng phá rừng trồng sắn, trồng sắn quảng canh năng suất thấp, ô nhiễm môi trường trong chế biến tinh bột sắn tiếp tục là vấn đề nan giải.
Đặc biệt, từ năm 2009 trở lại đây, Việt Nam đã xuất hiện 2 loại bệnh mới là chổi rồng và bệnh rệp sáp bột hồng trên sắn, được xác định là đối tượng dịch hại có nguy cơ tiềm ẩn đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất sắn ở Việt Nam và làm giảm mạnh năng suất, chất lượng, sản lượng sắn nguyên liệu. Nếu không phòng chống dịch bệnh thành công năng suất sẽ giảm. Điển hình như Thái Lan đã giảm 60% sản lượng vì các bệnh này.
Một khó khăn nữa, theo ông Nguyễn Văn Lạng, Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam, 85% sản lượng sắn Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, thị trường đó nhiều bấp bênh và lại xuất khẩu theo tiểu ngạch. Hiện Trung Quốc đang đầu tư vào trồng sắn tại Campuchia rất mạnh. Khi Trung Quốc có sản phẩm sắn từ Campuchia, Việt Nam sẽ gặp khó trong tiêu thụ.
Xuất hiện tình trạng phá vỡ quy hoạch
Mấy năm trở lại đây, giá sắn luôn ở mức ổn định, nông dân có lãi, cho nên việc mở rộng diện tích trồng sắn ở các tỉnh Tây Nguyên đang phá vỡ quy hoạch cơ cấu cây trồng. Thông tin từ Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT): Cả nước hiện có khoảng hơn 400 nghìn ha sắn, thì riêng Tây Nguyên là 160 nghìn ha.
Tất cả các tỉnh ở Tây Nguyên đều có diện tích sắn trồng vượt quy hoạch rất cao. Đến nay, diện tích sắn đạt khoảng 560 nghìn ha, cao hơn 110 nghìn ha so với kế hoạch đề ra.
Phát triển cây sắn ở Việt Nam vẫn chưa bền vững vì năng suất thấp. Hiện những vùng thâm canh tốt như ở Tây Ninh đã cho năng xuất 70-80 tấn/ha, nhưng năng suất bình quân cả nước mới chỉ đạt 18,5 tấn/ha. So với một số nước trong khu vực, năng suất sắn của Việt Nam còn thấp bởi Ấn Độ đạt trên 31 tấn/ha, Thái Lan 21 tấn/ha… Ngay tại Tây Ninh cũng có sự chênh lệch về năng suất giữa 2 cách canh tác: Với những diện tích không tưới, năng suất chỉ đạt 30 tấn/ha, trong khi đó với diện tích có tưới bổ sung, năng suất lại đạt 50 tấn/ha. Để đạt hiệu quả, ít nhất năng suất sắn phải đạt từ 20 tấn/ha trở lên.
Giải pháp lâu dài
Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát cho rằng: Sắn không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo, mà còn là cây trồng có thể đem lại cơ hội lớn để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần phát triển nông nghiệp, phát triển kinh tế-xã hội.
Những năm qua ngành nông nghiệp đã xây dựng một số mô hình trồng thâm canh bằng giống mới đều cho năng suất 20-25 tấn/ha. Đặc biệt những diện tích thâm canh cao sản cho cho năng suất cao hơn. Theo ông Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, Việt Nam hoàn toàn có thể tăng năng suất sắn thông qua quy trình canh tác là thâm canh, giống, tưới nước, bón phân.
Để phát triển bền vững cây trồng có thế mạnh này quan trọng nhất là việc gắn kết nhà máy chế biến với vùng sản xuất nguyên liệu. Cần quy hoạch ổn định vùng nguyên liệu, không nên mở rộng diện tích trồng sắn quá mức. Tiếp đến là tạo vùng nguyên liệu tốt bằng các giống mới kết hợp các biện pháp thâm canh phù hợp, đảm bảo năng suất bình quân cả nước trên 30 tấn/ha.
Bên cạnh đó cần chú trọng đầu tư công nghệ chế biến sâu sau tinh bột để sản xuất xăng sinh học - ethanol, giảm và tiến tới không xuất khẩu sắn lát (sắn thô) ra thị trường.
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục nghiên cứu, chọn tạo giống sắn có năng suất cao hơn. Đồng thời, tăng cường công tác khuyến nông để phổ biến những quy trình canh tác thâm canh bền vững; trong tổ chức sản xuất phải liên kết hình thành cánh đồng lớn và đẩy mạnh cơ giới hóa...