Theo số liệu thống kê mới đây, tổng số hộ nông dân của Thái Bình hiện là 498.292, tổng số lao động trong độ tuổi là 1,4 triệu trong đó nông nghiệp chiếm khoảng 45%.
|
Một cánh đồng cấy lúa Nhật |
Ruộng đất nhỏ nhất nhì thế giới
Tại một cuộc giao lưu giữa những người trồng ngô Mỹ và Việt Nam, một nông dân Mỹ tò mò hỏi: “Ông trồng được bao nhiêu ngô?”. “Nhiều, tôi trồng được tới 2 mẫu. Còn ông?”.
Người nông dân Mỹ thực thà: “Diện tích tôi trồng bình thường lắm, chỉ hơn 700 ha mà thôi. Năm được mùa cũng lãi được gần 1 triệu USD (khoảng 20 tỉ đồng) còn kém hơn thì không được thế”. Người nông dân Việt mồm há hốc vì ngạc nhiên.
Tôi biết người nông dân Mỹ trên không ngoa ngôn vì trong đợt công tác tại bang Iowa tôi có gặp ông Gordon chủ một trang trại ngô rộng 600 ha nhưng diện tích đó không thấm vào đâu so với nhiều trang trại trong vùng.
Ông Gordon năm đó đã 73 tuổi có thuê thêm một thanh niên làm theo thời vụ. Đến mùa, hai chủ tớ “lùa” chiếc máy gieo hạt khổng lồ ra cánh đồng gieo một lèo khoảng một tuần là xong (Mỹ hầu như không làm đất). Sau khi tưới tắm mất khoảng một tuần nữa là họ ung dung chờ đến vụ lại lái máy ra thu hoạch, đổ vào xilo dự trữ, đợi được giá mới xuất bán. Một quyết định bán của Hiệp hội ngô địa phương có thể ảnh hưởng đến giá ngô toàn cầu…
Sau nhiều lần dồn điền đổi thửa, diện tích đất của một hộ nông dân ở đồng bằng sông Hồng vẫn vô cùng nhỏ bé, có lẽ đạt mức kỷ lục thế giới vì chỉ bằng khoảng 1/1.000 so với một nông hộ trung bình của Mỹ.
Thế nên có nhà nghiên cứu đã tổng kết rằng tuy phần đông dân số Việt Nam làm ruộng nhưng chưa hình thành nên nghề nông bởi phần đa chưa thể nuôi sống con người, nhất là với 3-4 sào ruộng con con ấy. Thái Bình xưa nổi tiếng là quê hương của chị Hai năm tấn nay lại là tỉnh đi đầu về thâm canh lúa vẫn loay hoay giải bài toán làm sao để nông dân thoát nghèo bền vững.
Theo số liệu thống kê mới đây, tổng số hộ nông dân của Thái Bình hiện là 498.292, tổng số lao động trong độ tuổi là 1,4 triệu trong đó nông nghiệp chiếm khoảng 45%. Về quy mô sản xuất có 60% số nông hộ dưới 0,2 ha và có 98% nông hộ có quy mô nhỏ hơn 0,5 ha. Quá ít đất nên thời gian lao động của người nông dân Thái Bình dành cho sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 19%.
Thực tế bí bách ấy buộc người nông dân phải tự “bơi” một cách đầy vất vả. Huyện Thái Thụy có 34 hộ thuê đất để sản xuất nông nghiệp với quy mô tương đối một tí là 108 ha, tập trung tại xã Thái Thành và Thái Thuần. Diện tích đất này chủ yếu xa khu dân cư, khó canh tác thuộc quỹ đất 5% của địa phương, được cho thuê lại với mức sản 50-70 kg/sào/năm.
Huyện Quỳnh Phụ có 10 hộ gia đình ở xã Quỳnh Thọ thuê của UBND xã 20 ha đất 5% với mức sản 234.000 đồng/sào/năm. Huyện Vũ Thư có hộ nông dân ở xã Tân Hòa thuê 7,1 ha để sản xuất trồng trọt và chăn nuôi, xã Vũ Vân có hộ thuê 7 ha để làm trang trại.
Huyện Đông Hưng có mô hình lớn nhất là HTX DVNN xã Đông Phương thuê lại của UBND xã 8 ha để sản xuất lúa Nhật tập trung và có bao tiêu sản phẩm với mức thuê 70 kg thóc/sào/năm. Huyện Hưng Hà có doanh nghiệp Tùng Hải thuê 1,8 ha làm trang trại; xã Cộng Hòa có cá nhân thuê 4 ha để trồng cam…
Nói tóm lại tích tụ ruộng đất có ba dạng ông chủ là cá nhân, doanh nghiệp và HTX. Tất cả đều thuê theo một thời gian nhất định, khá bấp bênh vì có thể bị đòi lại bất cứ lúc nào, không yên tâm đầu tư theo chiều sâu và lâu dài. Ngăn cản lớn nhất của tích tụ hiện nay là vấn đề Nhà nước chưa cho sở hữu ruộng đất để có thể đảm bảo bằng luật pháp việc mua bán tự do. Đã thế lại còn vướng vào cái “ách” hạn điền.
Thực tế hiện nay, phần đa người tích tụ đất ở Thái Bình trông đợi vào việc thuê quỹ đất 5% (vì dễ đàm phán với một chủ và thuê được một diện tích tập trung hơn - PV), một số ít thuê đất của dân. Tuy nhiên quỹ đất 5% của Thái Bình còn lại đến tháng 6/2013 là 5.285 ha, trong đó đất cây trồng hàng năm 3.799 ha, cơ bản đều đã có chủ hết.
Hiệu quả của việc sử dụng đất thuê mỗi loại một khác. Với các hộ ở xã Thái Thành việc tạo ra vùng diện tích lớn liền vùng, liền mảnh áp dụng cơ giới hóa 100% trong làm đất, gieo sạ và thu hoạch giúp giảm chi phí 150.000đ/sào, năng suất lúa tăng thêm từ 15 đến 20 kg/sào. Tính ra họ có thể tăng thu nhập lên 6 triệu/ha và giảm chi phí được 2,5 triệu mỗi vụ/ha nâng tổng lãi nhờ trồng lúa 25 triệu đồng/ha/vụ.
Mô hình sản xuất lúa của HTX DVNN Đông Phương huyện Đông Hưng cho lãi 22, 4 triệu/ha/vụ, cao hơn so với cấy bình thường của nông dân 8 triệu/ha. Mô hình ở Thanh Tân huyện Kiến Xương vì thuê ruộng sản xuất không tập trung nên mức lãi có giảm hơn, chỉ còn 20,2 triệu/ha, cao hơn nông dân cấy nhỏ lẻ xung quanh khoảng 7 triệu/ha.
Manh nha đề án
Trước thực tế người nông dân tự “bơi” ấy tỉnh mới nghĩ đến một đề án tích tụ ruộng đất với thời gian dự tính thực hiện từ 2016-2020.
Một tập đoàn cỡ lớn từng hứa tài trợ cho tỉnh Thái Bình hàng trăm tỉ để quy hoạch lại nông nghiệp, thuê hẳn công ty nước ngoài làm nhưng bao nhiêu lần đưa ra quy hoạch thì bấy nhiêu lần tỉnh lắc đầu nên đành phải ra đi. Nay lại có một đơn vị trong nước làm tiếp. Tiền muôn, bạc vạn đấy nhưng quy hoạch cho nông nghiệp rất khó bởi vì nhiều khi quy hoạch một đằng thực tế cuộc sống lại đòi hỏi một nẻo. |
Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thái Bình - người có trách nhiệm trong việc soạn thảo đề cương của đề án ấy tâm sự với tôi rằng vì đây là chuyện mới nên suốt ngày ông tải trên mạng các tư liệu về tích tụ ruộng đất rồi in. Đã cả yến giấy in ra như vậy để tham khảo rồi mà vẫn bí. Ông Dương nhấn mạnh: Phải dựa vào thực tiễn và đi từng bước. Hướng tối thiểu phải tích tụ trên 2 ha.
Tôi hỏi cơ sở nào cho 2 ha ấy thì ông trả lời: Đó là bài toán về trang trại, theo quy định tối thiểu phải là 2 ha. Tất nhiên chúng tôi mong đợi lớn hơn, càng to càng tốt. Phải ít hộ sản xuất thôi. Nếu mỗi hộ nông dân có 2 ha thì chi phí sản xuất sẽ giảm đi nhiều đồng nghĩa với thu nhập của họ sẽ tăng lên.
Tôi hỏi, từ 0,2 ha một hộ như hiện nay mà tiến lên tối thiểu quy mô 2 ha một người chủ đất, đồng nghĩa với hàng trăm ngàn, thậm chí nửa triệu lao động nông nghiệp của tỉnh sẽ phải rút chân ra khỏi đồng ruộng để làm nghề khác, bài toán đó giải như thế nào? Ông Dương khẳng định: Bài toán lao động nông thôn phải giải bằng cơ chế hỗ trợ sao cho họ có thể bắt kịp được nghề mới, có được cuộc sống mới ít nhất là bằng cuộc sống khi người ta còn làm nông nghiệp. Thời gian chuyển tiếp đó không phải một sớm, một chiều mà là rất dài…
Sản xuất vụ mùa và vụ đông 2015 Thái Bình khuyến khích tối thiểu quy mô từ 3 ha trở lên với mức hỗ trợ 1 triệu đồng cho 1 ha. Tất nhiên, đây là chuyện ngắn hạn, còn tích tụ ruộng đất phức tạp và tốn kém hơn thế gấp nhiều lần bởi thế cơ chế cho vấn đề này đang cần nghiên cứu thật kỹ.
Tạm thời, có một số giải pháp được đề nghị áp dụng để khuyến khích tích tụ ruộng đất như sau: Về hình thức: Nông dân đứng lên tự thuê lại của nhau; Doanh nghiệp vào thuê đất của hộ nông dân; Doanh nghiệp, nông dân liên kết góp đất, vốn; HTX DVNN đứng ra thuê ruộng của nông dân hoặc của chính quyền địa phương. Về thủ tục hành chính: Ban hành các quy định để xét và cấp giấy cho các tổ chức hoặc cá nhân thuê đất sản xuất. UBND cấp xã xác minh; UBND cấp huyện xét và cấp với diện tích từ 2,1 ha trở lên.
Về cơ chế chính sách: Hỗ trợ 1 lần; Hỗ trợ sau khi có giấy cấp của cấp có thẩm quyền. Các phương án đề xuất để hỗ trợ tích tụ ruộng đất: Phương án 1: Hỗ trợ 50% tiền thuê đất 1 năm đầu với mức giá áp theo giá thuế là 4.859.000 đồng/ha/năm. Phương án 2: Áp dụng chính sách hỗ trợ 40% máy cấy; 30% máy gặt đập liên hợp; 30% máy làm đất; máy phun thuốc trừ sâu hỗ trợ 100%. Phương án 3: Hỗ trợ 50% lãi suất cho nông dân thuê đất trong thời gian 5 năm mở rộng diện tích theo tiêu chí 2,1 ha…
Tất cả đều mới chỉ là manh nha thế nhưng nếu quyết tâm làm và làm được, có lẽ chuyện tích tụ ruộng đất ở Thái Bình sẽ là một tấm gương để cả miền Bắc học tập như hồi đã từng làm nên phong trào năm tấn khi nào.