Sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra: Liên kết là con đường sống
16:40 - 30/10/2015
Sau một thời gian phát triển quá nóng, ngành nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra dường như đang ở trong “khoảng lặng” khi mà số lượng nhà máy chế biến tăng nhanh thiếu kiểm soát; liên kết trong sản xuất còn yếu, việc phân chia lợi ích trong chuỗi giá trị chưa hợp lý, giá bán xuống mức thấp kỷ lục (năm 2015, giá bán cá tra trung bình khoảng 2 USD/kg, bằng 51% so với giá bán của năm 2000). Trong bối cảnh này, nuôi cá tra theo chuỗi liên kết là lựa chọn tất yếu.
Liên kết sản xuất cá tra theo chuỗi là hướng đi tất yếu để phát triển

Khởi nghiệp nuôi cá tra từ năm 2007, ông Nguyễn Văn Phú ở ấp Hòa Khánh, xã Vĩnh Thới (Lai Vung - Đồng Tháp) trải qua không ít khó khăn do thị trường bấp bênh. Để tránh rủi ro, sau khi tìm hiểu, ông quyết định liên kết với Công ty TNHH Hùng Vương và đến năm 2010 liên kết với Công ty cổ phần thức ăn Sao Mai để nuôi cá tra. Đến nay, diện tích ao nuôi của gia đình đã đạt 2,8ha.

“Khi liên kết với doanh nghiệp, tôi chỉ cần chuẩn bị ao, con giống có chất lượng tốt, chăm sóc quản lý đúng quy trình kỹ thuật, hạn chế dịch bệnh; phía doanh nghiệp chịu trách nhiệm giao thức ăn cho đến khi thu hoạch với hệ số thức ăn là 1,52. Ngoài ra, khi có dịch bệnh xảy ra, công ty cử cán bộ kỹ thuật xuống hỗ trợ phòng trị bệnh. Trừ chi phí, lợi nhuận đạt khoảng 500 - 1.000 đồng/kg cá thương phẩm”.

Liên kết với doanh nghiệp nuôi cá tra theo chuỗi đang là một xu hướng ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tại Đồng Tháp, toàn tỉnh hiện có 530 hộ cá thể và doanh nghiệp nuôi cá tra thương phẩm, trong đó vùng nuôi của doanh nghiệp là 1.099,59ha, chiếm 74,08% diện tích nuôi toàn tỉnh; số hộ nuôi cá thể là 251 (diện tích 203,82ha) và số hộ cá thể nuôi gia công cho các doanh nghiệp là 55 (diện tích 180,96ha). Đến nay, có khoảng 84,2% số hộ sản xuất cá tra ở Đồng Tháp thực hiện liên kết với các doanh nghiệp chế biến và doanh nghiệp cung cấp thức ăn. Đây là mô hình khép kín, kết nối chặt chẽ với các yếu tố đầu vào, bị ràng buộc bởi các hợp đồng được ký kết giữa các bên.

Ngoài ra, mô hình liên kết ngang (các hộ sản xuất cá tra liên kết với nhau thông qua chi hội thủy sản, tổ hợp tác) cũng mang lại hiệu quả cao. Đơn cử như Hợp tác xã Thủy sản và dịch vụ Châu Thành (huyện Châu Thành) đã liên kết với Doanh nghiệp tư nhân Cỏ May cung ứng thức ăn theo giá của đại lý cấp 1; liên kết với Công ty TNHH thủy sản Phát Tiến để tổ chức ký hợp đồng thu mua sản phẩm cá tra nguyên liệu với giá hợp lý . Đến nay, HTX có 8 thành viên, tổng diện tích ao nuôi 14,85ha, sản lượng cá tra thương phẩm khoảng 4.000 tấn/năm, năng suất bình quân 386 tấn/ha. Tất cả các hộ nuôi trong hợp tác xã đều áp dụng và được cấp giấy chứng nhận VietGAP.

Tại An Giang, chuỗi liên kết dọc cá tra Tafishco là một trong những mô hình thí điểm đầu tiên được triển khai ở ĐBSCL. Tham gia chuỗi liên kết có 18 thành viên là nhà máy chế biến, người nuôi cá, trung tâm giống thuỷ sản, doanh nghiệp cung ứng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y thủy sản, cùng ký kết các hợp đồng nguyên tắc, cam kết thực hiện theo năng lực, chức năng, cùng chia sẻ lợi ích trong hoạt động nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra.

Để được tham gia vào chuỗi liên kết Tafishco, các hộ nuôi phải đăng ký ngay từ đầu thông qua các hợp đồng nguyên tắc với những điều kiện và tiêu chí chặt chẽ. Nghĩa là, ngay từ lúc xử lý ao nuôi, chuẩn bị con giống cho đến khi thu hoạch, nông dân phải cam kết đảm bảo đúng các quy trình kỹ thuật nuôi theo các tiêu chuẩn do Tafishco xây dựng. Đến nay, đã có một số hộ nuôi bên ngoài mô hình mong muốn được tham gia vì họ đã bắt đầu nhận thấy được lợi ích lâu dài khi tham gia vào chuỗi liên kết.

Trong suốt chu kỳ nuôi cá, theo định kỳ Tafishco sẽ cho cán bộ xuống theo dõi, giám sát quy trình nuôi của các hộ dân. Công ty cam kết thu mua tất cả các sản phẩm của các hộ nuôi trong chuỗi liên kết với giá cao hơn giá thị trường từ 100 - 200 đồng/kg, nhưng trước khi thu mua Tafishco sẽ cử cán bộ kỹ thuật xuống tận ao để kiểm tra nhằm đảm bảo an toàn về dư lượng kháng sinh trước khi bắt cá. Nếu mẫu kiểm có dư lượng kháng sinh, Tafishco sẽ hướng dẫn hộ nuôi quy trình xử lý và tiến hành bắt cá sau khi kiểm lại không có dấu hiệu dư lượng kháng sinh (quá trình này mất khoảng 15 ngày).

Phải tổ chức lại sản xuất

Ông La Ngọc Thạch, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư TP.Cần Thơ, cho rằng, nuôi cá tra theo chuỗi là lựa chọn tất yếu để phát triển ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra một cách bền vững. Tuy nhiên, để đảm bảo liên kết hiệu quả, người nuôi cần tổ chức lại sản xuất theo hướng quản lý cộng đồng thông qua việc thành lập các HTX, cùng liên kết với nhau trong việc ứng dụng các quy trình nuôi tiên tiến để sản phẩm đảm bảo chất lượng cao, an toàn theo yêu cầu thị trường với giá thành hợp lý. Các doanh nghiệp cần minh bạch trong việc cung cấp thông tin thị trường và yêu cầu chất lượng sản phẩm của khách hàng cho người nuôi; lấy việc cải tiến nâng cao giá trị sản phẩm, chủ động sáng tạo phát triển, mở rộng thị trường và quan tâm chia sẻ quyền lợi với người nuôi là phương châm kinh doanh để góp phần phát triển ngành hàng cá tra ổn định, bền vững.

Từ thực tế sản xuất, theo ông Nguyễn Văn Phú: “Để tạo mối quan hệ bình đẳng và gắn kết lâu dài với doanh nghiệp, nông dân cần liên kết lại thành nhóm (tổ hợp tác, HTX) để thương lượng, ký  kết hợp đồng một cách bình đẳng với doanh nghiệp, trên cơ sở chia sẻ lợi nhuận hài hòa giữa hai bên. Ngoài ra, nông dân rất cần được hỗ trợ từ các ngành chức năng, các bên có liên quan trong vấn đề thông tin thị trường, về pháp lý, cách xây dựng hợp đồng đôi bên cùng có lợi”.

TS.Như Văn Cẩn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Đồng Tháp, nhấn mạnh, việc tổ chức lại sản xuất theo hướng gắn kết chặt chẽ và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các khâu nuôi, thu mua, chế biến và xuất khẩu là giải pháp quan trọng để phát triển nghề nuôi cá tra một cách bền vững. “Trong đó, cần tổ chức lại các hộ nuôi cá tra theo mô hình quản lý cộng đồng và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh tế tập thể nhằm giám sát việc tuân thủ và áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến để giảm chi phí sản xuất, khuyến khích xây dựng mô hình liên kết giữa các bên trong chuỗi giá trị sản xuất cá tra xuất khẩu. Các địa phương tăng cường công tác quản lý và triển khai thực hiện quy hoạch chi tiết vùng nuôi, chủ động đầu tư các công trình hạ tầng cơ sở phục vụ nuôi cá tra trên địa bàn. Kiên quyết xử lý các trường hợp nuôi cá tra ngoài vùng quy hoạch, hạn chế ô nhiễm môi trường, gây mâu thuẫn quyền lợi trong cộng đồng dân cư’, ông Cẩn nói.

Theo ThS.Vương Học Vinh, Trường Đại học An Giang, qua các cuộc khảo sát về kỹ thuật ương cá tra gần đây, thấy tỷ lệ sống của cá tra ương từ cá bột đến cá giống nhỏ (1.000 con/kg) không cơ sở nào vượt hơn 18%, chỉ phổ biến ở mức 10 - 15%. Đây là một nghịch lý. “Vì vậy, để nâng cao chuỗi giá trị gia tăng, các cơ sở ương phải chấp nhận một số thay đổi trong tư duy là không bị áp lực về số lượng con giống sản xuất (ương với mật độ cao) và không chạy đua thời gian, tức rút ngắn thời gian nuôi”, ông Vinh nói. 

Tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp chủ đề: “Sản xuất cá tra theo chuỗi giá trị vùng ĐBSCL” vừa tổ chức mới đây tại Đồng Tháp, ông Kim Văn Tiêu, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho rằng, cần có cơ chế khuyến khích các nhà khoa học tham gia vào chuỗi giá trị; tăng cường công tác khuyến ngư gắn với nội dung tuyên truyền các chủ trương chính sách, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến ngành hàng. Bên cạnh đó, tổ chức lại sản xuất theo hướng gắn kết chặt chẽ và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các khâu nuôi, thu mua, chế biến và xuất khẩu; sắp xếp lại hệ thống các cơ sở chế biến và tiêu thụ phù hợp với các vùng sản xuất nguyên liệu. Phát huy vai trò của các hội, hiệp hội trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên. Song song với khuyến khích thúc đẩy liên kết trong sản xuất (liên kết người nuôi với người nuôi, người nuôi với doanh nghiệp và doanh nghiệp với doanh nghiệp), cần phải chú trọng “liên kết” giữa các cơ quan chức năng quản lý nhà nước, tăng cường sự gắn kết của nhà khoa học với các đối tác trong chuỗi giá trị.

Hiện nay, đang có sự chuyển dịch các tác nhân trong chuỗi sản xuất ngành hàng cá tra; diện tích các doanh nghiệp nuôi cá tra ngày càng tăng cao so với các hộ nuôi, chiếm 60,4% diện tích nuôi cá tra toàn vùng ĐBSCL (so với năm 2012, loại hình hộ/trang trại là 1.748,4ha, chiếm 48,7%; doanh nghiệp 1.761,6ha, chiếm 49,1%; HTX là 77,3ha, chiếm 2,2%).
 
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo