Để nâng cao hiệu quả cho vùng chuyên canh cây ăn trái ở ĐBSCL: Cần chấm dứt kiểu sản xuất tùy tiện
09:32 - 31/10/2015
Cây ăn trái đang trở thành mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam khi liên tiếp nhiều sản phẩm (nhãn, vải, thanh long, xoài) được những thị trường khó tính đón nhận. Trong những tháng đầu năm 2015, rau quả là một trong số ít mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu tăng. Tuy nhiên, để nâng cao vị thế của nhiều loại cây ăn trái, cần có những giải pháp mang tính tổng thể để khắc phục tình trạng phát triển manh mún, không theo quy hoạch như hiện nay.
Nhà vườn thu hoạch quýt

Tiềm năng lớn

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng trồng cây ăn trái trọng điểm của cả nước với diện tích 239.768ha (chiếm 38% diện tích cây ăn trái cả nước); sản lượng 3,5 triệu tấn (chiếm 44%); 10 loại cây có diện tích lớn ở vùng đất này là xoài, chuối, nhãn, cam, bưởi, dứa, sầu riêng, chôm chôm, quýt và thanh long.

Nông dân ĐBSCL giàu kinh nghiệm và sáng tạo trong canh tác, mạnh dạn thực hiện quy trình thâm canh cây ăn trái, áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất như sử dụng giống mới bằng ghép cải tạo để trẻ hóa vườn cây, bón phân cân đối, kết hợp sử dụng hữu cơ vi sinh, phân bón lá, xử lý ra hoa, đậu trái, tỉa cành tạo tán, áp dụng biện pháp tổng hợp phòng trừ sâu bệnh. Nhiều vùng sản xuất trái cây ở ĐBSCL đã ứng dụng kỹ thuật ra hoa trái vụ, mang lại thu nhập cao cho nhà vườn, góp phần đáp ứng nhu cầu trái cây quanh năm của người tiêu dùng cũng như xuất khẩu. Sản xuất cây ăn trái theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) được đặc biệt quan tâm.

Đến nay, hàng rau quả xuất khẩu Việt Nam đã có mặt tại 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. 2014 là năm xuất khẩu rau quả đạt giá trị cao nhất, với kim ngạch gần 1,5 tỉ USD; tăng 150% so với năm 2013. Các loại quả được xuất khẩu phổ biến là dứa, thanh long, chuối, chôm chôm, nhãn, vải, xoài, măng cụt, sầu riêng….Thanh long từ trước đến nay vẫn là mặt hàng quả tươi xuất khẩu chủ lực của nước ta. Trong 7 tháng đầu năm 2015, giá trị xuất khẩu rau, quả đạt 1,001 tỷ USD, tăng 10,7% so với kỳ năm trước.

Sản xuất vẫn manh mún, nhỏ lẻ

Tại diễn đàn Khuyến nông@  nông nghiệp, chuyên đề về giải pháp phòng trị bệnh cây ăn trái vùng ĐBSCL, ông Phạm Văn Dư, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho rằng, dù thị trường được rộng mở nhưng đến nay hầu hết các sản phẩm chưa có thị phần và vị trí tương xứng với tiềm năng như một số nước sản xuất cây ăn trái trong khu vực. Tình trạng sản xuất nhỏ, manh mún còn phổ biến, ngoại trừ một số cây ăn trái trồng tập trung chuyên canh, phần lớn phân tán, diện tích nhỏ, việc đầu tư, chăm sóc chưa thống nhất theo quy trình kỹ thuật,... Sản lượng trái cây đạt chứng nhận GAP, được cấp mã số vùng trồng rất ít so với tổng sản lượng, làm hạn chế việc ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu, do số lượng cung cấp không đủ, quy cách, chất lượng không đều theo yêu cầu của khách hàng. Việc tổ chức sản xuất cây ăn trái hàng hóa kém bền vững do mối liên kết sản xuất-thu mua-chế biến, bảo quản-tiêu thụ ít được coi trọng, hoặc thiếu chặt chẽ. Tình trạng sản xuất, kinh doanh mang tính tự phát nên ít chịu chia sẻ lợi nhuận theo chế độ trách nhiệm và mức độ đóng góp. Hệ thống các cơ sở chế biến, bảo quản chậm phát triển, chưa đáp ứng về quy mô, công nghệ. Hiện nay, việc thu hái, sơ chế bảo quản vẫn tiến hành thủ công là chính, giá thành cao, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch lên tới 25-30%.

Việc xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn mác, đăng ký chứng nhận chỉ dẫn địa lý, sản xuất trái cây theo GAP bước đầu được quan tâm nhưng nhìn chung chưa có hiệu quả trong khai thác, mở rộng thị trường. Công nghệ bảo quản sau thu hoạch đối với các loại rau quả tươi còn hạn chế, không đáp ứng nhu cầu vận chuyển đi xa.

Trong khi đó, đại diện Cục Bảo vệ thực vật cảnh báo những “hàng rào kỹ thuật” các nước dựng lên để hạn chế việc nhập khẩu cũng như bảo hộ sản xuất trong nước có thể gây cản trở cho quá trình đưa sản phẩm cây ăn trái của  chúng ta thâm nhập thị trường nước ngoài. Hiện, có hai “hàng rào kỹ thuật” mà các nước trên thế giới đang áp dụng, đó là: hàng rào kỹ thuật về kiểm dịch thực vật và hàng rào kỹ thuật về an toàn thực phẩm. Những “hàng rào kỹ thuật” này không chỉ giúp bảo hộ sản xuất, bảo vệ người tiêu dùng và gìn giữ môi trường sinh thái trong nước, mà còn giúp đối phó các rào cản của các nước khác trong thương mại quốc tế đang ngày càng hiện đại và tinh vi.

Đây chính là lý do giải thích tại sao mặc dù kim ngạch xuất khẩu trái cây và rau quả của nước ta đạt gần 1,5 tỷ USD trong năm 2014 nhưng giá trị thu được từ những thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc..., những nước có yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm rất ngặt nghèo, chưa cao. Xuất khẩu rau quả của chúng ta vẫn còn chứa nhiều rủi ro, đặc biệt là vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm.

Vườn dâu (bòn bon) ở P.Ba Láng (Cái Răng-Cần Thơ) đang vào vụ thu hoạch.

Thực tế xuất khẩu cho thấy, nhiều nông sản và trái cây của nước ta đã bị từ chối nhập hoặc trả lại do vi phạm những quy định, tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Mới đây nhất, các đối tác châu Âu đã trả lại sản phẩm chè do tồn dư hoạt chất bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép. Trước đó, quả thanh long - một mặt hàng nông sản có lượng xuất khẩu khá lớn của nước ta cũng bị Mỹ cấm thông quan vì bị cho là có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá mức quy định. 

Chính vì vậy, vấn đề an toàn thực phẩm trong xuất khẩu là vấn đề hết sức quan trọng mà nếu không chủ động tháo gỡ thì trái cây Việt Nam sẽ mất lợi thế cạnh tranh, thậm chí bị cấm nhập khẩu tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Cần tổ chức lại sản xuất

Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của các địa phương, ông Dư cho rằng, để nâng cao hiệu quả của các vùng chuyên canh cây ăn trái, trên cơ sở quy hoạch tổng thể của bộ, các tỉnh/thành phố cần rà soát lại quy hoạch theo từng loại cây đến cấp xã theo hướng tổ chức sản xuất tập trung, quy mô lớn, chuyên canh, thâm canh, gắn việc hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến thu mua-bảo quản, chế biến-tiêu thụ với xây dựng nông thôn mới. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý, triển khai quy hoạch, đảm bảo cho công tác quy hoạch có tính hiện thực cao. Từng bước xây dựng hạ tầng kỹ thuật điện, đường, thủy lợi, liên lạc viễn thông, nhà kho, chế biến cho vùng được quy hoạch sản xuất tập trung.

Tăng cường công tác nghiên cứu, du nhập, tuyển chọn giống cây ăn trái có năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh để đưa vào sản xuất, thay dần những giống có hiệu quả kinh tế không cao. Tích cực đánh giá, bình tuyển, chọn ra giống tốt có năng suất cao, chất lượng tốt, giống đặc sản trong sản xuất. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tăng cường công tác chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về thâm canh, phòng trừ dịch hại, sản xuất theo quy trình GAP để nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm và nâng cao thu nhập cho nông dân.

Phát triển thị trường trong nước thông qua hoạt động liên kết, hợp tác giữa các địa phương, giữa địa phương với các thị trường trong nước có sức tiêu thụ lớn như các thành phố lớn, các khu công nghiệp, khu du lịch; tổ chức lại thị trường theo hướng giảm các khâu trung gian. Tăng cường xúc tiến thương mại đối với các mặt hàng trái cây, giữ vững thị trường truyền thống, mở rộng ra các thị trường mới, thị trường có tiềm năng. Đẩy nhanh công tác ký kết các hiệp định kiểm dịch thực vật đối với các nước có khả năng nhập khẩu trái cây Việt Nam, thực hiện tốt các nghĩa vụ của Hiệp định về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Các vùng sản xuất cây ăn trái tập trung quy mô lớn có chính sách khuyến khích kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà kho, cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ tạo điều kiện cho cơ sở sản xuất, kinh doanh trái cây xây dựng thương hiệu, đăng ký chứng nhận các GAP và khai thác sử dụng hiệu quả các văn bản này trong quá trình mở rộng thị trường.

TS.Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho rằng, việc tổ chức lại sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế vùng trồng cây ăn trái là rất quan trọng. Theo đó, trên cơ sở lịch thời vụ chung, căn cứ vào điều kiện của từng vùng, tình hình tiêu thụ trái cây của thị trường, các địa phương xây dựng phương án tổ chức sản xuất  trái cây rải vụ trồng tập trung, trong đó quan tâm đến quy mô diện tích, chất lượng, sản lượng, thời điểm thu hoạch, tiêu thụ, giá cả để hướng dẫn nông dân sản xuất, từng bước tiến tới chấm dứt tình trạng “sản xuất tùy tiện” trong canh tác cây ăn trái nghịch vụ. Áp dụng kỹ thuật rải vụ tiên tiến, tiết kiệm, an toàn, hiệu quả; bảo đảm cho vườn cây sinh trưởng phát triển tốt, lâu bền. Tăng cường công tác quản lý, giám sát việc thực hiện quy hoạch vùng rải vụ, tránh mở rộng quá mức, không theo kế hoạch dẫn đến tình trạng khó kiểm soát.

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo