Làm nông bằng trí
16:41 - 30/10/2015
Nếu trước đây, kinh tế hộ gia đình mang sứ mệnh lịch sử quan trọng, đưa Việt Nam từ chỗ thiếu đói, trở thành nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, thì hiện nay, nông nghiệp đang cần nhân tố mới để tăng tốc và phát huy mạnh mẽ lợi thế của nông nghiệp Việt Nam.
Ảnh minh họa

Nhiều chuyên gia kinh tế và nhà quản lý cho rằng, đó là yếu tố công nghệ cao, là “làm nông bằng trí”.

Làm nông bằng trí, nhiều doanh nghiệp đã làm nông nghiệp công nghệ cao ở một số vùng kinh tế có thị trường tiềm năng như: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Nghệ An... tuy chưa nhiều, song đã mang lại hiệu quả rất rõ rệt và đáng chú ý. Rất nhiều tỷ phú nông nghiệp đã ra đời như ở Lâm Đồng, doanh nghiệp giàu nhất là doanh nghiệp làm nông nghiệp. Bởi, tỉnh có tới hàng chục ngàn ha đất nông nghiệp, có doanh thu 100 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm. Đặc biệt trong số đó, 1.000ha nông nghiệp công nghiệp cao đã đạt doanh thu 1 - 2,5 tỷ đồng/ha/năm.

Làm nông bằng trí – Tập đoàn TH true Milk đã nhập khẩu toàn bộ bí quyết công nghệ cùng kỹ thuật chăn nuôi bò sữa của Israel. Tập đoàn đã nâng giá trị canh tác mỗi ha đất tại vùng đồi núi đầy nắng nóng và gió Lào ở miền tây Nghệ An lên 10 – 20 lần. Và họ trở thành nhà cung cấp sữa tươi sạch lớn mạnh sau 3 năm đi vào hoạt động.

Học để có kiến thức sản xuất, có tri thức để quản lý... nông dân Lâm Đồng đã trồng rau, hoa trên giá thể, trong nhà kính, nhà lưới. Nông dân ngoại thành TP.HCM đã nuôi gia cầm trên nệm lót sinh học, nuôi lươn không bùn... giá trị thu được tăng 20 – 30% so với nuôi, trồng thông thường. Vì lẽ đó, nông dân TP.HCM đi học ngày một tăng tại Trung tâm Dạy nghề nông nghiệp công nghệ cao – trình độ sơ cấp. Người học giỏi được đi thực tập, tu nghiệp nông nghiệp ở Nhật Bản.

Những mô hình nông nghiệp công nghệ cao như TH true Milk, Đà Lạt Hasfam, Unifam... đã chứng minh rằng, nếu được đầu tư đúng, nông nghiệp vẫn là “Mảnh đất vàng” sinh lợi. Nhưng đến nay, cả nước mới có 6 doanh nghiệp được Bộ NNPTNT cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Sự chậm trễ này, có nguyên nhân mà phía doanh nghiệp nêu lên là: Vốn ít, quỹ đất thấp, thời gian sử dụng ngắn, thu thuế cao khi nhập khẩu vật tư, thiết bị công nghệ tiên tiến cùng với những thủ tục rườm rà từ phía hải quan... nghe ra có lý!

Nông nghiệp là mặt trận, thương trường là chiến trường, sản xuất nông nghiệp nếu không có sự thay đổi bên trong của nội bộ ngành, thì sẽ tụt hậu xa hơn về kinh tế. Thực tiễn đang hối thúc người nông dân, các doanh nghiệp nông nghiệp cần có tư duy: Làm nông bằng trí!

Nguồn: Dân Việt
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo