Sợ nhất 'tay không bắt giặc', cạnh tranh xấu
10:31 - 06/11/2015
Ông Võ Thành Đô, Cục phó Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối, hơn ai hết thấu hiểu những ngõ ngách của chuyện trong nghề. Bởi lẽ trước đó, ông đã có một thời gian dài làm doanh nghiệp kinh doanh lương thực.


Ông Võ Thành Đô: Nên xem xét Nghị định 109 một cách toàn diện chứ không phải khi xuất nhiều quá thì bảo nhà nước thả lỏng, không quản lý được giờ quản lý chặt lại kêu không xuất được

Lợi và hại của Nghị định 109

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang kêu về Nghị định 109 ra đời ngày 4/11/2010, ông thấy sao?

Trước năm 2002, ở Việt Nam xuất khẩu gạo là có quota (hạn ngạch), một năm xuất khẩu bao nhiêu, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Thương mại cùng bàn với nhau, mức xuất khẩu cho từng doanh nghiệp đều có số lượng.

Sau một thời gian, lượng lương thực ngày một dồi dào, năm 2002, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển mới bàn chuyện bỏ quota xuất khẩu gạo.

Lượng xuất tăng vọt, trước chỉ xung quanh 3 triệu tấn, sau đó người người làm xuất khẩu, nhà nhà làm xuất khẩu, không phân biệt đối tượng nào hết nên xuất đạt 5 triệu tấn. Tuy nhiên nó cũng phát sinh nhiều vấn đề, đặc biệt là ở khâu mua bán. Doanh nghiệp này bán giá này, doanh nghiệp khác lại hạ giá xuống để cạnh tranh, ép nông dân phải bán gạo giá thấp.

Hiệp hội Lương thực thấy vấn đề đó đã đề nghị các bộ và Chính phủ cùng Bộ Công thương soạn thảo ra Nghị định 109 để sao cho việc kinh doanh, xuất khẩu gạo trở nên có điều kiện. Thời kỳ ấy, Nghị định này là rất tốt, rất phù hợp, đã khống chế được các thương nhân “tay không bắt giặc” cạnh tranh không lành mạnh, phá giá thị trường.

“Tay không bắt giặc” là tôi muốn nói thương mại đơn thuần không có các điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng đi kèm. Có nhiều thương nhân “tay không bắt giặc” tốt nhưng cũng có nhiều người cạnh tranh xấu.

Từ thực trạng đó, người ta tổng kết chỉ có khoảng 10-15% số doanh nghiệp xuất khẩu nhưng lại chiếm khối lượng đến 90% lượng xuất hàng năm, nên cần quy hoạch lại.

Cái lợi nhất của Nghị định 109 mà hiện nay nhiều người chưa nhìn thấy được là nó bắt buộc những ai muốn xuất khẩu phải đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng đủ điều kiện. Trước đây Việt Nam có dưới 5 triệu tấn kho, sau khi có Nghị định 109 đã lên 6,5 triệu tấn kho trong đó có 1,2 triệu tấn kho chứa thóc.

Nhiều nhà máy được đầu tư dây chuyền thiết bị, công nghệ hiện đại, đồng bộ, chế biến từ thóc ra gạo thành phẩm. Trước đó, phát triển ồ ạt, mua gạo kiểu gì cũng bán, cứ có khách hàng là trộn các loại gạo lại mà bán giờ phải có cơ sở vật chất, nghĩa là có thực lực mới được làm. Trước đó, người ta đầu tư kho chứ chưa bao giờ nghĩ đến chuyện làm gạo từ A-Z…

Đó là mặt được, còn mặt kém của Nghị định 109 là gì thưa ông?

Những doanh nghiệp kêu về Nghị định này đều ở dạng nhỏ và vừa. Hồi đó, tôi còn làm doanh nghiệp nên biết. Trong khi nhà nước đang muốn phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng Nghị định 109 ra đời gần như gạt các doanh nghiệp nhỏ và vừa sang một bên (vốn xung quanh 10 tỉ). Mỗi loại doanh nghiệp đều có phân khúc thị trường của nó. Những doanh nghiệp xuất khẩu số lượng nhỏ thường lại xuất hàng chất lượng cao, giá cao.

Các thương nhân trước đây chủ yếu làm thương mại, dù có kinh nghiệm nhưng không có đủ điều kiện cơ sở vật chất, khi Nghị định này ra đời họ chỉ được tiếp tục hoạt động thêm 1 năm nữa rồi thôi. Vậy là ta bỏ mất một phân khúc thị trường. Về sau này một số doanh nghiệp lớn cũng bắt đầu xuất khẩu gạo chất lượng cao, giờ lượng này đã chiếm trên 30% rồi.

Gạt doanh nghiệp vừa và nhỏ ra khỏi cuộc chơi xuất khẩu, nông dân có lợi hay hại?

Đương nhiên khi càng nhiều doanh nghiệp mua bán, cạnh tranh một cách lành mạnh, nông dân sẽ có lợi. Khi cắt đi nguồn cầu người nông dân sẽ thiệt thòi.

Những nghịch lý

Quyết định 6139 ngày 28/8/2013 của Bộ Công thương quy định vùng nguyên liệu xuất khẩu trong đó ở miền Bắc chỉ có Hưng Yên và Thái Bình là nằm trong vùng này thì có bất hợp lý?

Khi Bộ Công thương lấy ý kiến của Bộ Nông nghiệp và PTNT chúng  tôi đã có ý kiến phản đối về vấn đề này. Hưng Yên và Thái Bình được quy hoạch xuất khẩu dựa trên cân đối sản lượng lúa thừa của đồng bằng sông Hồng.

Tôi chỉ nói đơn cử như Điện Biên, sản xuất gạo tám thơm đặc sản, không ăn mà bán đi rồi mua gạo khác về ăn cũng được chứ sao? Việc quy định theo vùng nguyên liệu dạng này là bất hợp lý. Cứ có cơ sở vật chất, có hàng hóa thì được xuất khẩu chứ sao lại phải tỉnh này, tỉnh kia?

Tôi chưa lý giải được tại sao giá gạo miền Bắc lại xuống thấp như hiện nay nhưng có lẽ không phải chỉ là do không xuất khẩu được. Gạo miền Bắc phải nói là phù hợp với khẩu vị của người Việt Nam còn khẩu vị thế giới lại không hợp, họ thích kiểu gạo khô của miền Nam. Gạo miền Bắc dẻo, thơm, ngon nhưng cái ngon của người Việt Nam lại khác với cái ngon của người nước ngoài, họ không thích ăn loại đấy.

Bao nhiêu năm chúng ta xuất khẩu, gạo thường giá cao lắm 450 USD/tấn, gạo thơm 600 USD/tấn nhưng đa số người Hà Nội lại ăn gạo 1.000 USD/tấn. Tại Festival gạo ở Hậu Giang một chuyên gia nước ngoài đã nhận xét: “Tôi khảo sát ở Việt Nam, các ông toàn ăn gạo ngon 1.000 USD/tấn còn bán gạo xấu cho thế giới”.

Tôi trả lời rằng: “Không phải thế mà do gu người Việt Nam khác với “gu” gạo của các ông”. Mà đúng thế, người thành phố hiện toàn ăn gạo Hải Hậu, gạo Điện Biên giá khoảng 1.000 USD/tấn (trên 20.000 đ/kg) cả nhưng nhiều khi đó lại là gạo nơi khác chứ không phải Điện Biên, Hải Hậu vì lượng cung cấp trong địa phương người ta còn không đủ nữa là.

Câu chuyện cấp phép xuất khẩu gạo hiện nay phải chăng giống với quota dệt may ngày xưa?

Ta không khống chế lượng xuất khẩu gạo nên nói quota là chưa thực sự chính xác mà phải nói là xuất khẩu đi kèm điều kiện. Lượng nhiều thì xuất nhiều, lượng ít thì xuất ít chứ không còn cảnh trước đây mấy bộ ngồi duyệt với nhau năm nay xuất khẩu mấy triệu tấn nữa.


Ông Võ Thành Đô: Ta không khống chế lượng xuất khẩu gạo nên nói quota là chưa thực sự chính xác mà phải nói là xuất khẩu đi kèm điều kiện (Ảnh minh họa)

Cả nước hiện dư 8-8,5 triệu tấn gạo/năm trong đó có 1 triệu tấn đưa từ Nam ra Bắc nhưng không phải cho ăn trực tiếp mà cho chăn nuôi, cho chế biến, có 1-1,5 triệu tấn đi biên giới Trung Quốc.

Ở Quyết định 606 của Bộ Công thương (ngày 21/1/2015, quy định lộ trình về vùng nguyên liệu cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo theo hình thức liên kết cánh đồng lớn), tôi cho quy hoạch lại vùng nguyên liệu là đúng chỉ có điều lộ trình để các doanh nghiệp từng bước đạt được theo quy định phù hợp hay không.

Bất cứ một doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh một mặt hàng nào đó cần phải có vùng nguyên liệu nằm trong vùng quy hoạch mới bớt đi sự cạnh tranh không lành mạnh. Nhà nước muốn liên kết nông dân lại để tạo ra cánh đồng lớn, cái đó có lợi cho nông dân. Doanh nghiệp phải liên kết nông dân lại để đầu tư giống, phân bón rồi thu mua lại hàng cho nông dân.

Theo Nghị định 109 muốn xuất khẩu gạo phải có điều kiện cơ sở hạ tầng nhưng có doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền rồi lại không vận hành mà mua gạo về để bán. Lãng phí hiện nay là ở đó.

Trong khi đó, một số sản phẩm có sản lượng nhỏ như gạo hữu cơ, gạo chất lượng cao không nhất thiết phải thực hiện theo điều kiện của Nghị định 109 mà nên có cơ chế đặc thù. Xuất số lượng ít không nhất thiết phải có 5.000 tấn kho, 10 tấn/giờ chế biến hay có vùng nguyên liệu lớn. Hiện công ty Minh Phú ở Cà Mau đã được cấp phép xuất khẩu gạo hữu cơ theo cơ chế đặc thù này.

Các doanh nghiệp phía Bắc không có giấy phép xuất khẩu phải mượn giấy của doanh nghiệp khác như một công ty ở Lào Cai phối hợp với công ty ở trong Nam để xuất khẩu mấy ngàn tấn gạo thực ra là mua giấy phép. Muốn xuất khẩu được phải trả họ tiền, một tấn gạo mất mấy đô la, có thiệt thòi không? Người ta đành phải luồn lách sao cho hợp lý. Cho nên theo tôi, với doanh nghiệp ở phía Bắc chỉ cần quy định kho tàng tích trữ là đủ, không cần quy định có nhà máy chế biến 10 tấn/giờ nữa, đó cũng là một đặc thù.

Xin cảm ơn ông!

DƯƠNG ĐÌNH TƯỜNG
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo