Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát gọi những hành vi sử dụng chất cấm, hóa chất độc hại đầu độc người tiêu dùng là tội ác phải đấu tranh không khoan nhượng.
|
Lực lượng thực thi pháp luật về ATTP còn quá mỏng và yếu (Ảnh minh họa) |
Nhưng một số ý kiến ái ngại, cuộc đấu tranh với tội ác ấy dường như đang không cân sức, khi mà cơ quan bảo vệ pháp luật vừa mỏng về chế tài, vừa mỏng về lực lượng.
Quản ATTP một tỉnh chỉ 6-7 biên chế
Tại hội nghị toàn quốc triển khai đợt cao điểm về công tác quản lí chất lượng và an toàn thực phẩm (ATTP) nông lâm thủy sản do Bộ NN-PTNT tổ chức hôm qua (5/11) cho thấy giai đoạn 2011 – 2015, trong khi hệ thống cơ chế chính sách, văn bản pháp luật nhằm thực thi Luật An toàn thực phẩm đã được Bộ NN-PTNT ban hành khá đầy đủ, thì vấn đề nguồn lực cho thực thi pháp luật về ATTP đang là vấn đề nan giải, nhất là trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang phải gánh trên vai tới gần 93% khối lượng công việc quản lí ATTP.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, hệ thống Chi cục Quản lí chất lượng Nông lâm thủy sản (gọi tắt Chi cục QLCL) hiện nay được xem là nòng cốt trong việc thực thi pháp luật về ATTP ở cơ sở.
Tuy nhiên theo Cục Quản lí Chất lượng Nông lâm thủy sản (Nafiqad, Bộ NN-PTNT), đến nay vẫn còn 2 tỉnh chưa thành lập được Chi cục QLCL, trong đó có cả TP.HCM vốn là địa phương có khối lượng công việc liên quan tới vấn đề này rất lớn.
Đặc biệt, một số chi cục vẫn chưa thành lập được phòng tranh tra, và mới chỉ có 2/63 chi cục có Phòng Chế biến – Thương mại nông lâm thủy sản. Đặc biệt, mới chỉ có 12/63 chi cục thành lập được đơn vị sự nghiệp “chân rết” trực thuộc là các Trạm QLCL hay Trung tâm kiểm nghiệm, Trung tâm dịch vụ kỹ thuật…
Theo Nafiqad, mỗi chi cục QLCL hiện nay ở cấp tỉnh trung bình cần tối thiểu từ 20 – 22 công chức/viên chức để có thể triển khai các nhiệm vụ được giao, tuy nhiên trên thực tế có trên 60% số Chi cục chỉ được bố trí dưới 20 công chức/viên chức, cá biệt một số tỉnh miền núi như Lai Châu chỉ có 6-7 công chức/viên chức.
Ông Đinh Thiện Thuân, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Bình Dương ái ngại: Cuộc chiến với vi phạm ATTP hiện nay gần như là cuộc chiến không cần sức.
Đối tượng vi phạm liên tục biến hóa khôn lường về hành vi, chẳng hạn trước đây không ai nghĩ một chất như Salbutamol vốn được dùng trong y tế lại được trộn vào thức ăn cho lợn; chất Vàng – O dùng trong công nghiệp xây dựng lại cho vào thức ăn cho gà, hay chất formol lại được trộn vào bún phở…
Trong khi đó, lực lượng thực thi pháp luật để quản lí ATTP lại dường như đang phải chạy theo đối tượng vi phạm do quá thiếu nhân lực, thiết bị.
Theo ông Thuân, ngay như một tỉnh trọng điểm về vấn đề quản lí ATTP như Bình Dương nhưng cả Chi cục QLCL chỉ có vẻn vẹn 11 người (bằng ½ mức trung bình cả nước). Hệ thống cán bộ QLCL cũng chỉ tới cấp tỉnh mà thôi, chứ về cấp huyện trở xuống thì không có.
Thế nên mỗi khi tỉnh về huyện phối hợp làm việc thì chẳng biết phối hợp với ai, bởi nhiệm vụ này giao kiêm luôn cho Phòng Kinh tế huyện.
“Phòng Kinh tế huyện thì chỉ có vài vị kiêm nhiệm luôn cả một lố công việc, nào hạ tầng, nào nông nghiệp, công nghiệp… Trong khi nói tăng biên chế để có cán bộ chuyên về ATTP thì ai cũng lắc đầu kêu khó, bảo không dễ mà tăng nổi đâu” – ông Thuân ngán ngẩm.
Nhân lực đã mỏng, trình độ chuyên môn cán bộ cũng đang là vấn đề. Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Nafiqad, quản lí ATTP là vấn đề chuyên ngành, đòi hỏi cán bộ phải có đào tạo chuyên sâu.
Thế nhưng có tình trạng cán bộ Chi cục này vừa được đi đào tạo tập huấn xong để làm nòng cốt đào tạo lại cho đơn vị, thì lại lập tức bị luân chuyển sang công tác khác.
Cũng theo ông Tiệp, hiện còn tới 38/63 Chi cục QLCL cấp tỉnh thậm chí còn không được bố trí trụ sở làm việc độc lập mà phải đi thuê, hoặc sử dụng chung với đơn vị khác trong điều kiện phòng ốc rất chật chội, thiết bị kiểm nghiệm, kiểm tra, test nhanh… vô cùng thiếu thốn.
Bộ trưởng Cao Đức Phát thì nghi ngại, có tình trạng văn bản chỉ đạo của Bộ gửi về tỉnh, tỉnh lại “kính chuyển” cho Chi cục QLCL, tới Chi cục QLCL thì chẳng biết “kính chuyển đi đâu nữa”, bởi không có lực lượng triển khai.
Cũng theo Bộ trưởng, lực lượng cán bộ của hệ thống QLCL hiện nay đã khoảng 1.000 người, nhưng hầu hết đang là kỹ sư trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, dù đã được tập huấn nhưng việc họ nắm bắt thế nào với nghiệp vụ quản lí ATTP cũng đang là dấu hỏi lớn.
Chờ “chết vì ăn phải chất cấm” mới xử lí hình sự?
Liên quan đến một vấn đề nhức nhối thời gian qua về vấn nạn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, tại hội nghị hôm qua, hàng loạt ý kiến đã bức xúc cho rằng, cần phải sớm sửa đổi Bộ luật Hình sự để xử lí, khởi tố ngay hành vi này, bởi nếu chiểu theo quy định hiện hành thì chẳng bao giờ có thể đưa được đối tượng buôn bán, sử dụng chất cấm vào tù.
Theo bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó GĐ Sở NN-PTNT, Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An: Bộ luật Hình sự hiện nay quy định về xử lí trong lĩnh vực vệ sinh ATTP chỉ quy định hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, với mức độ tổn hại từ 10% trở lên mới bị xử lí khởi tố thì chẳng bao giờ có thể áp dụng được đối với hành vi sử dụng chất cấm. Bởi người tiêu dùng ăn phải thịt có chất cấm là tích lũy từng ngày, qua nhiều năm.
“Quy định này có lẽ chỉ có thể áp dụng được trong trường hợp ngộ độc thuốc BVTV, người ăn phải lăn đùng ra chết ngay thì mới giám định được chết vì gì. Chứ người ăn phải thịt có chất cấm, chờ mấy chục năm sau họ chết rồi mới truy ra là anh ta chết do gì, có phải vì ăn chất cấm mà chết không, rồi mới truy ra người đó trước đây ăn thịt của ai, của trang trại nào, ai bán chất cấm ấy cho trang trại... để khởi tố thì đúng là bó tay” – bà Khanh hóm hỉnh.
Đồng quan điểm này, bà Huỳnh Thị Kim Cúc, PGĐ Sở NN-PTNT TP.HCM cho rằng: Hành vi sử dụng chất cấm nếu phát hiện phải quy vào tội hình sự ngay, không cần biết hàm lượng chất cấm phải là bao nhiêu.
“Theo quy định hiện nay, hàm lượng chất cấm trong nước tiểu heo phải cao hơn 2 ppb thì mới vượt ngưỡng cho phép. Theo tôi, không cần phải ngưỡng nào cả, cứ xét nghiệm thấy dương tính với chất cấm thì phải xử lí hình sự ngay” – bà Cúc kiến nghị.
Bà Đinh Thị Phương Khanh bổ sung thêm: “Nếu quy định hàm lượng chất cấm Salbutamol trong nước tiểu là 2 ppb, khi test ra chỉ thấy 1,99 ppb mà không xử lí thì quá uất, bởi cũng là dùng chất cấm, chỉ chênh nhau có một xíu mà xử hay không xử thì thật vô lí. Vì vậy tôi ủng hộ cứ test thấy chất cấm là phải xử ngay, chẳng cần biết hàm lượng thế nào”.
Đây đã là lần thứ 3 vấn đề chất cấm trong chăn nuôi bùng lên. Thực tế này cho thấy những lần trước, chúng ta mới chỉ xử lí ở ngọn, khi cơ quan chức năng tạm thời rút đi, chiến dịch tạm thời lắng xuống thì vấn nạn này lại tái phát trở lại.
Kinh nghiệm của chúng ta trong việc chống buôn lậu gia cầm loại thải trước đây cho thấy nếu chỉ đi đuổi bắt trên đường thì không thể chấm dứt, mà chỉ khi nào diệt được tận gốc, chỉ tận mặt từng đầu nậu một thì mới chấm dứt được.
Việt Nam không SX được chất cấm, vậy thì chỉ có hai đường tuồn vào, một là nhập lậu, hai là nhập hợp pháp rồi tuồn ra ngoài. Hiện chúng ta đã phát hiện tới trên 1.000 mẫu nước tiểu chứa chất cấm, việc truy quyét chất cấm trong đợt cao điểm này cũng vậy, phải lần theo các mẫu thịt, mẫu nước tiểu dương tính với chất cấm để quyết liệt truy tận gốc từng đường dây, xử lí thẳng tay.
Các địa phương nếu tổng rà soát được toàn bộ thì càng tốt, nếu không cũng phải rà soát, khoanh vùng lại trọng điểm đối với các cơ sở SX-KD, các vùng, cơ sở chăn nuôi tình nghi có sử dụng chất cấm để tập trung lực lượng cao nhất cho việc điều tra, thanh tra kiểm tra tại các điểm này.
Đối với rau, thịt, đây là nhóm sản phẩm bức xúc nhất, cần phải đặc biệt tập trung chấn chỉnh, rà soát, tăng cường kiểm tra lấy mẫu, truy xuất nguồn gốc và xử lí mạnh tay các cơ sở bị xếp loại C, nhất là cơ sở giết mổ tại phía Bắc còn xếp loại C rất cao.
Chúng ta kiểm tra, xếp loại cơ sở SX-KD theo hạng A, B, C là để xử lí các cơ sở chưa đạt tiêu chuẩn, chứ không phải phân loại xong rồi để đó. Ngay trong tháng 11/2015, Bộ NN-PTNT sẽ sửa đổi một loạt các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính theo hướng tăng nặng hơn nữa mức xử phạt để đủ sức răn đe.
(Bộ trưởng Cao Đức Phát)
|