Nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi bò Việt Nam
17:41 - 16/11/2015
Sản phẩm của ngành chăn nuôi bò góp phần quan trọng trong việc cung cấp một lượng lớn thực phẩm về thịt, sữa cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, đứng trước quá trình hội nhập, ngành cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Xung quanh vấn đề này, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Hoàng Thanh Vân đã có cuộc trao đổi với báo chí.
Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân (Ảnh: BT)

Phóng viên (PV): Hiện nay, Chính phủ đã có nhiều chính sách để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bò thịt, bò sữa. Theo ông, vì sao những chính sách ấy vẫn chưa đi vào thực tế, ngành chăn nuôi bò của chúng ta vẫn còn chậm phát triển?

Ông Hoàng Thanh Vân: Chính sách phát triển chăn nuôi bò của Chính phủ tương đối đồng bộ từ năm 2009, 2013, 2014. Tuy nhiên, đến nay, những chính sách này vẫn còn ít đi vào thực tế. Nguyên nhân do việc triển khai thực hiện chính sách ở các địa phương còn chậm bởi nguồn tài chính hạn chế; do vậy, chính sách được đưa ra vẫn chưa kịp thời triển khai. Bên cạnh đó, liên quan đến khâu tổ chức thực hiện, khi có Thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương, các địa phương báo cáo, xin ý kiến của Hội đồng nhân dân, UBND các tỉnh thành phố vẫn còn khá chậm.

 

PV: Theo ông, đâu là những điểm khó khăn của ngành chăn nuôi bò ở nước ta?

Ông Hoàng Thanh Vân: Có một số nút thắt chính mà ngành chăn nuôi bò nước ta cần quan tâm tháo gỡ. Về con giống, mặc dù chúng ta cải tạo đàn bò đã lâu nhưng vẫn chưa được đồng đều, chất lượng giống chưa cao so với yêu cầu thực tế hiện nay. Cần tổ chức lại sản xuất để các khâu trong ngành chăn nuôi bò liên kết lại với nhau, tạo ra những chuỗi sản phẩm hoàn chỉnh, giảm giá thành, kiểm soát an toàn thực phẩm, đảm bảo lợi ích các bên tham gia.

Bên cạnh đó là vấn đề hiện đại hóa, áp dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi bò; chúng ta cần tiếp cận công nghệ mới nhất của các nước về kỹ thuật chăn nuôi, công nghệ giết mổ, kỹ thuật về chế biến sản phẩm từ bò sữa để chúng ta có thể đưa những sản phẩm tốt nhất ra thị trường.
 

PV: Úc là nước có ngành chăn nuôi bò phát triển, nhiều doanh nghiệp đang nhập bò của Úc về Việt Nam, vậy theo ông xu hướng này có nên tiếp tục?

Ông Hoàng Thanh Vân: Úc là nước có ngành chăn nuôi đại gia súc phát triển, việc chúng ta phối hợp liên kết hoặc cung cấp dịch vụ tài chính là điều nên làm. Trong quá trình triển khai chúng ta cần chọn lọc, xác định những đối tượng đại gia súc phù hợp với điều kiện chăn nuôi ở Việt Nam, thông qua những chỉ số về mặt kỹ thuật, thực nghiệm tại Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam và Úc đang có giao lưu về giống đại gia súc mạnh mẽ. Trong 3 năm gần đây, nhập khẩu bò sống và giống, tinh dịch và phôi tăng lên mạnh, đặc biệt là bò sống. Trong thời điểm hiện nay, chúng tôi thống kê có ít nhất 20% số bò nhập về Việt Nam được các công ty, chủ trang trại giữ lại để làm giống sinh sản. Trong thời gian tới, do khó khăn về nguồn giống hiện nay, việc nhập khẩu giống từ các nước phát triển như Úc là điều dễ hiểu, đó là quan hệ thương mại quốc tế cần thiết để chúng ta nâng cao sớm nhất chất lượng đàn bò giống tại Việt Nam.
 

PV: Tham gia hội nhập, không chỉ riêng lĩnh vực chăn nuôi bò mà ngành chăn nuôi được đánh giá chung là ngành có nhiều thách thức, vậy ngành đưa ra những giải pháp gì để nâng cao khả năng cạnh tranh, hội nhập quốc tế?

Ông Hoàng Thanh Vân: Ngành chăn nuôi được các chuyên gia đánh giá là một trong những ngành rủi ro lớn nhất khi hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, xem xét lại tất cả những điều kiện của ngành chăn nuôi Việt Nam cũng như thực tế diễn ra trong 2 năm trở lại đây, chúng tôi thấy chúng ta hoàn toàn có thể vượt qua được những khó khăn để hội nhập bình đẳng, minh bạch và trụ vững được trước các sức ép cạnh tranh.
 

Có 5 giải pháp căn cơ nhất chúng ta cần thực hiện; thứ nhất là rà soát lại toàn bộ các quá trình phát triển của ngành chăn nuôi trên tất cả các lĩnh vực để xem chúng ta đang thiếu gì, yếu gì, để có những tác động thích hợp. Thứ hai là nhìn nhận lại khách quan những tồn tại yếu kém những năm vừa rồi về quá trình phát triển. Từ đó có những đề xuất với Chính phủ, các cơ quan Trung ương, các tỉnh để có giải pháp thích hợp. Thứ ba là tích cực hội nhập nhanh nhất, tiếp thu những tiến bộ mới nhất, mạnh dạn xây dựng những mô hình đáp ứng tình hình hiện nay, tạo điều kiện cho việc tiếp xúc và xúc tiến với kinh doanh thương mại quốc tế. Thứ tư là đào tạo lại nguồn nhân lực, xem xét lại tất cả các khâu nhỏ nhất đến khâu lớn để nâng cao trình độ quản lý, khoa học kỹ thuật, trình độ của người chăn nuôi. Thứ năm là xây dựng ngành chăn nuôi công khai, minh bạch, an toàn trên cơ sở chấp nhận cạnh tranh ở ngay thị trường trong nước và xuất khẩu.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Bùi Thủy
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo