2 giải pháp "thay máu" cho ngành nông nghiệp
10:01 - 03/12/2015
Đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) đưa ra 2 giải pháp nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp: Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động lĩnh vực nông nghiệp.
Cần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, thời gian qua ngành nông nghiệp cũng còn bộc lộ không ít những khó khăn và những tồn tại hạn chế. Việc tái cơ cấu nông nghiệp chưa đạt được yêu cầu như trong Báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ trình tại kỳ họp.

Để đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp Đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) đưa ra 2 giải pháp.

Giải pháp thứ nhất là đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ. Trong một phiên giải trình gần đây tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thì Bộ trưởng Cao Đức Phát đã cho biết, khoa học và công nghệ Việt Nam đóng góp không dưới 30% GDP ngành nông nghiệp. Đây là mức thấp khi so với các nước tiên tiến, tỷ lệ này thường khoảng 80%. Điều này khẳng định, hiện có khoảng 85% các mặt hàng xuất khẩu của nước ta vẫn còn ở dạng thô. Chỉ số này cho thấy nông sản của nước ta có sức cạnh tranh yếu, hiệu quả sản xuất không cao.

Mục tiêu đến năm 2020 khoa học và công nghệ đóng góp 50% vào GDP ngành nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm tỷ trong 50% trong giá trị sản xuất của các sản phẩm chủ yếu. Chúng ta còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu và rất xa so với các nước phát triển.

Để khắc phục tình trạng này, trước hết cần triển khai chương trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo hướng xây dựng mở mỗi viện, trường đều có khu nông nghiệp công nghệ cao. Mỗi tỉnh sản xuất nông nghiệp cần có một vùng sản xuất công nghệ cao chuyên canh đối với sản phẩm chủ lực của tỉnh. Có như vậy mới tránh được tình trạng một số sản phẩm đã có thương hiệu nhưng không duy trì được chất lượng sản phẩm, số lượng sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu của thị trường như thời gian vừa qua.

Hai là tạo động lực thông qua việc tạo mọi điều kiện cho tổ chức, doanh nghiệp khoa học, công nghệ, nông nghiệp được hưởng tối đa các ưu đãi, hỗ trợ khi đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, tham gia liên kết sản xuất quy mô lớn, hình thành vùng nguyên liệu bao tiêu sản phẩm đầu ra ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao trong nông nghiệp. Có chính sách khuyến khích đặc biệt về vật chất và tinh thần để người nghiên cứu và chuyển giao công nghệ được hưởng lợi từ chính kết quả làm việc của mình.

Ba là tập trung cao độ vào việc nghiên cứu sản xuất những sản phẩm nông sản có thị trường và có lợi thế của Việt Nam, như nông sản nhiệt đới có giá trị kinh tế cao, là nguyên liệu phục vụ cho nông nghiệp với nhu cầu lớn, máy móc, thiết bị cơ khí nông nghiệp. Riêng về thiết bị cơ khí nông nghiệp phần lớn được nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó có hơn 90% số máy kéo 4 bánh và máy công tác kèm theo, máy gặt đập phải nhập khẩu. Do vậy, cần đặc biệt quan tâm phát triển ngành cơ khí vừa sản xuất máy phục vụ cho phát triển nông nghiệp và đây cũng là thị trường để cho ngành cơ khí phát triển. Lẽ dĩ nhiên, trong nghiên cứu chuyển giao công nghệ cần tăng cường hợp tác quốc tế, tiếp thu các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến, nhất là trong lĩnh vực công nghệ sinh học và công nghệ cao.

Bốn là tăng đầu tư cho khoa học, công nghệ từ mức 0,15% tổng chi ngân sách hiện nay lên mức 0,4 - 0,6% tổng chi ngân sách như các nước trong vùng. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh xã hội hóa hoạt động khoa học, công nghệ, thông qua các cơ chế chính sách khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư nghiên cứu về chuyển giao công nghệ, trong đó ưu tiên các đầu tư từ sản xuất kinh doanh giống chất lượng cao, sản xuất phương tiện, thiết bị, máy móc phục vụ canh tác và công nghệ sau quy hoạch.

Năm là, hiện, vẫn còn nhiều tồn tại trong tổ chức xác định nhiệm vụ, phương thức giao, triển khai, nghiệm thu nhiệm vụ nên kết quả hoạt động khoa học và công nghệ còn hạn chế, phải nghiêm túc thực hiện cơ chế chịu trách nhiệm trong việc xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ, nhiệm vụ phải xuất phát từ nhu cầu thực tế sản xuất, đẩy mạnh thực hiện cơ chế đấu thầu, khoán sản phẩm khoa học và công nghệ, quản lý chặt chẽ sản phẩm đầu ra của nhiệm vụ và sản phẩm khoa học, công nghệ thì phải được người dùng sử dụng và công nhận. Phải tiếp tục triển khai quyết liệt có hiệu quả Nghị định 115, Nghị định 80 của Chính phủ về việc giao quyền tự chủ cho đơn vị sự nghiệp khoa học, công nghệ công lập và thành lập các doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Giải pháp thứ hai là tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động lĩnh vực nông nghiệp. Nước ta có khoảng 3.500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm gần 2% tổng số doanh nghiệp hoạt động hiện nay. Tỷ lệ này có thể nói quá thấp, khi ngành nông nghiệp đang đóng góp khoảng 20% GDP, cả nước vào khoảng 30% giá trị xuất khẩu và chiếm tới gần 70% dân số. Mặt khác, số doanh nghiệp hiện nay phần lớn là nhỏ và siêu nhỏ chiếm gần 95%, nông nghiệp Việt Nam buộc phải phát triển theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn có giá trị gia tăng cao và bền vững dựa trên nền tảng hộ nông dân chuyên nghiệp, kinh tế hợp tác và doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong việc phát triển chuỗi giá trị, gắn nông dân và hợp tác xã với thị trường, xây dựng các vùng chuyên canh quy mô lớn, nâng cao khả năng cạnh tranh, áp dụng công nghệ phù hợp để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường về chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn cả về mặt kinh tế - xã hội và môi trường.

Để thu hút tốt hơn doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hình thành mạnh hơn số doanh nghiệp nông nghiệp cần ưu tiên phát triển nhóm doanh nghiệp làm chế biến tinh, chế biến sâu, chế biến phụ phẩm áp dụng công nghệ cao đối với các ngành hàng có lợi thế tại các vùng nông thôn, chú trọng từng bước hình thành các tổ hợp nông, công nghiệp, dịch vụ công nghệ cao, gắn kết chặt chẽ với người nông dân theo mô hình sản xuất nông nghiệp đa chức năng và phát triển bền vững, cần có cơ chế hỗ trợ để hình thành các hiệp hội, nhóm ngành hàng để tạo sự liên kết trong tổ chức sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ cung cấp thông tin về cơ hội đầu tư vào nông nghiệp, nghiên cứu dự báo và phát triển thị trường nông nghiệp.

Hai, cần có chính sách ưu đãi hơn về hạn điền và thời gian thuê đất, hỗ trợ tích tụ đất đai để tạo điều kiện cho nông dân có quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp, như mua cổ phiếu để họ yên tâm giao đất, góp phần hình thành doanh nghiệp nông thôn.

Ba, đẩy mạnh nguồn cung cấp tín dụng và cải thiện các điều kiện cung cấp tín dụng nhằm tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn cho các doanh nghiệp và hộ nông dân, đáp ứng cả trung và dài hạn, trong đó ưu tiên hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp tư nhân lớn có liên kết áp dụng khoa học, công nghệ mới, sản xuất vật tư, thiết bị phục vụ sản xuất và chế biến nông sản.

Nguồn: KTNT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo