Xây dựng nông thôn mới cần đảm bảo tính thiết thực, bền vững
14:46 - 03/12/2015
ua 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) từ 2010-2015, bộ mặt nông thôn ở nhiều thôn, xã, huyện trên cả nước đã có nhiều khởi sắc, chất lượng sống của người dân từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thành các mục tiêu đề ra trên các lĩnh vực về cơ sở hạ tầng, nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn,…chương trình vẫn còn nhiều nhiệm vụ cần triển khai. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Tăng Minh Lộc - Cục trưởng, Chánh Văn phòng điều phối NTM Trung ương.

Ảnh minh họa
PV: Xin ông cho biết những thành tựu lớn nhất mà Chương trình nông thôn mới đã đạt được sau 5 năm triển khai thực hiện?

 

Ông Tăng Minh Lộc: Chương trình MTQG xây dựng NTM đã qua 5 năm thực hiện, vì vậy, chúng ta có thể nhìn nhận về Chương trình đầy đủ và toàn diện hơn. Cụ thể, một số việc trước đây không chắc có thể đạt được, nhưng đến nay đã là hiện thực, trong đó, chúng ta có 1.255 xã đạt chuẩn NTM, bình quân đạt 13,4 tiêu chí/xã trên cả nước, tăng 8,7 tiêu chí/xã so với khi bắt đầu triển khai Chương trình. Dự báo đến cuối năm nay, có khoảng 1.400 xã về đích, khoảng 12 huyện, thị xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Điều mà 5 năm trước đây chúng ta chưa tính đến.

Tuy nhiên, quan trọng hơn, thực tiễn xây dựng NTM đã làm thay đổi nhận thức của đại đa số người dân nông thôn, từ chỗ nặng về trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của nhà nước, nay đã tự chủ, tự tin và tích cực tham gia vào xây dựng NTM. Đa số cán bộ cấp cơ sở, trình độ được nâng lên rõ rệt, biết xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện dự án, trưởng thành trong cách vận động quần chúng, thực hành dân chủ khi thực thi công vụ… Nhiệm kỳ này, hầu hết Nghị quyết và chương trình hành động của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đều nêu nhiệm vụ, các chỉ tiêu cần đạt đến của NTM ở địa phương. Các bộ, ngành Trung ương tham mưu cho Chính phủ ban hành hệ thống chính sách cho NTM nhanh, đầy đủ và khá đồng bộ. Tuy một số chính sách, cơ chế vẫn còn mặt hạn chế nhưng nhìn chung tác động tích cực, tạo môi trường thuận lợi cho việc thúc đẩy thực hiện chương trình.

PV: Thế còn với bộ mặt của nông thôn và đời sống của người dân, thưa ông?

Ông Tăng Minh Lộc: Tất nhiên, đó là kết quả chúng ta có thể thấy rõ nhất. Hạ tầng nông thôn có bước phát triển đột phá, cũng là điện, đường, trường, trạm…nhưng bây giờ cần theo chuẩn nên các cộng đồng đều coi trọng nâng cấp, làm mới khang trang hơn. Đây là điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng là cơ sở vật chất giúp tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân.

Bởi vậy, khi bàn đến xây dựng NTM, người dân đồng tình, ủng hộ làm hạ tầng. Nhiều nơi dành 70-80% kinh phí NTM cho mở đường; chỉ tính riêng giao thông, cả nước đã mở mới, nâng cấp trên 107.000 km đường các loại; đã xóa 670.000 nhà tạm, nhà dột nát. Đồng thời, xây dựng hàng vạn công trình thủy lợi, nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, trạm cấp nước sạch…Bộ mặt nhiều làng quê đã thay da đổi thịt nhanh chóng.

Bên cạnh đó, về sản xuất, yêu cầu của NTM, các xã cần xây dựng đề án sản xuất nông nghiệp hàng hóa, lựa chọn các cây con lợi thế, có thị trường để tập trung phát triển sản xuất chuyên canh. Nhiều địa phương đã thực hiện dồn điền đổi thửa, kết hợp cải tạo thiết kế lại đồng ruộng, có chính sách đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng và hỗ trợ lãi suất cho dân vay sản xuất. Điều đó đã tạo thêm cơ hội cho nông dân đầu tư, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, hợp tác sản xuất mạnh mẽ hơn. Gần 1/7 diện tích đất trồng trọt trên cả nước đã sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn. Cả nước có khoảng 22.500 mô hình sản xuất nông lâm ngư nghiệp áp dụng công nghệ tiên tiến có hiệu quả tăng 15-20%, doanh thu 1 tỷ đồng trở lên/năm. Thu nhập của người dân nông thôn tăng 2,1 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo giảm mỗi năm gần 2%.

Nhiều chủ trang trại, hộ nông dân biết làm ăn hiệu quả, tuy nhiên, chỉ ngặt nỗi thiếu vốn, diện tích đất quá nhỏ và thiếu kiến thức thị trường. Nếu chúng ta có chính sách giải quyết được những vấn đề này, tôi tin tốc độ phát triển của nông thôn còn nhanh hơn nữa.

PV: Vậy còn những khó khăn, hạn chế, thưa ông?

Ông Tăng Minh Lộc: Những khó khăn, hạn chế cũng không ít. Thứ nhất, điều đáng suy nghĩ là khoảng cách phát triển nông thôn các vùng chưa được thu hẹp. Chỉ đơn cử ở tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM cũng thấy rõ. Hiện tại, tỷ lệ này ở khu vực Đông Nam bộ là 33,6%; Đồng bằng sông Hồng là 23,6%; Đồng bằng sông Cửu Long là 12%; Trung bộ là 11%; Tây Nguyên 7%; còn Tây Bắc là 6,9%.

Thứ hai là vấn đề môi trường, cảnh quan nông thôn chưa được cải thiện. Ô nhiễm do rác thải, nước thải sinh hoạt ở khu dân cư cũng như các cơ sở sản xuất, kinh doanh tác động xấu đến nguồn nước sản xuất nông nghiệp đang là vấn đề bức xúc ở nông thôn.

Thứ ba là văn hóa chưa được quan tâm đúng tầm nên chưa có chuyển biến rõ nét. Hủ tục còn nhiều, lối sống văn hóa, văn minh còn chậm được hình thành, nhân rộng. 

Thứ tư, an ninh nông thôn còn nhiều hạn chế, nhiều vùng quê bất an về nạn trộm cắp, cờ bạc, rượu chè, lừa đảo…

Thứ năm là bệnh thành tích trong xây dựng NTM mà biểu hiện của nó là sự nôn nóng muốn về đích sớm nên huy động sự đóng góp quá mức với người dân, vay nợ xây dựng cơ bản khó có khả năng trả nợ, gây đọng nợ kéo dài, hoặc đòi giảm bớt yêu cầu của tiêu chí, châm chước khi đánh giá, công nhận đạt chuẩn… đang gia tăng ở một số nơi.

Cuối cùng, đó là một số chính sách đã có nhưng chưa thực sự đi vào cuộc sống như chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách thu hút tri thức trẻ về nông thôn, miền núi khó khăn… Hoặc chính sách rất cần nhưng chưa có như: chính sách về môi trường nông thôn, quy chế quản lý quy hoạch và xây dựng nông thôn, phát triển quỹ nông thôn mới. Tôi nghĩ đó là những điểm “nghẽn” trong xây dựng NTM mà không thể giải quyết trong “một sớm một chiều”.

PV: Kinh tế phát triển, văn hóa sẽ phát triển theo. Nhưng thực trạng NTM như hiện nay liệu có “lỗi nhịp” không thưa ông?

Ông Tăng Minh Lộc: Văn hóa là lĩnh vực rộng, không chỉ có hoạt động vui chơi, giải trí mà còn là xây dựng lối sống văn hóa, văn minh, đẩy lùi tệ nạn, hủ tục xã hội…

Lý do trước đây thúc bách chúng ta làm NTM là vì nông thôn nghèo, đời sống tinh thần còn thiếu thốn nên thanh niên chỉ muốn bỏ làng ra phố. Vì vậy, yêu cầu của NTM là có kinh tế phát triển, cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp, hoạt động văn nghệ thể thao sôi nổi, có nhiều hơn hạ tầng, phương tiện và hoạt động giải trí để người lao động, nhất là thanh niên có nhiều cơ hội về việc làm. Người dân nông thôn sẽ yêu và gắn bó hơn với quê hương…Tuy nhiên, hiện tại, chúng ta chưa quan tâm đúng tầm nên chưa tạo ra chuyển động đáng kể.

Đơn cử như nhà văn hóa, khu thể thao thôn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định diện tích khá nhỏ, 500-1000m2, nhưng lãnh đạo địa phương kêu khó vì “khó tìm được đất”. Tuy có gần 60% thôn, bản, ấp có nhà văn hóa nhưng đa phần thiếu trang thiết bị, hoạt động chủ yếu là phục vụ cho họp hành. Kiến trúc không có cơ quan nào hướng dẫn, quy định để đảm bảo công năng đáp ứng được yêu cầu hoạt động văn hóa ở nông thôn: hội họp, văn nghệ, học tập cộng đồng, thư viện, khuôn viên để người dân nghỉ ngơi, dạo chơi…. Đồng thời, không có người có chuyên môn hướng dẫn hoạt động, thiếu kinh phí để duy trì hoạt động. Do đó, phần đông là hoạt động kém hiệu quả. Vì thế, có thể nói “phần hồn” của NTM là chưa đạt được so với yêu cầu đề ra.

PV: Ông có thể cho biết rõ hơn những bức xúc về vấn đề môi trường nông thôn và những giải pháp khắc phục?

Ông Tăng Minh Lộc: Bức xúc về môi trường nông thôn chính là tình trạng ô nhiễm đang hàng ngày, hàng giờ gây tổn hại cho sức khỏe người dân và hoạt động sản xuất nông nghiệp. Ở nhiều vùng thâm canh nông nghiệp hiện khó tìm thấy dòng kênh nào sạch do nước thải công nghiệp và sinh hoạt thải ra.

Nhưng bức xúc nhất vẫn là rác thải, nước thải sinh hoạt ở mỗi làng quê, nhất là những làng để chăn nuôi gia trại cùng trong khu dân cư; những làng nghề, làng chế biến lương thực, thực phẩm. Hiện tại, chúng ta chưa có đánh giá đầy đủ tổn hại cho sức khỏe đối với người dân nông thôn do ô nhiễm là bao nhiêu?; Chưa thống kê tỷ lệ chi tiêu chữa bệnh chiếm bao nhiêu % trong thu nhập của người dân. Đồng thời, chúng ta cũng cảm nhận thấy rõ khi nhiều bệnh viện quá tải, ngày càng nhiều “làng ung thư”.

Do sức ép của NTM, nhiều địa phương đã tìm các giải pháp như chôn lấp, xây dựng lò đốt rác mi-ni nhưng chất lượng xử lý còn hạn chế. Thực tiễn đã có nhiều mô hình tiên tiến như nhà máy xử lý rác của huyện Đan Phượng (hà Nội), huyện Thống Nhất (Đồng Nai), ở đó nhà nước hỗ trợ đất, một phần hạ tầng, còn doanh nghiệp đầu tư với công nghệ tiên tiến, xử lý chất thải rất hiệu quả. Đâu có quá đắt, nếu không nói là rất nhỏ so với tổn phí về sức khỏe và sản xuất nông nghiệp, nhưng rất tiếc, các mô hình này còn ít được phổ biến do lãnh đạo nhiều địa phương chưa dám đầu tư.

Thực tế cho thấy, nếu chỉ đầu tư phương tiện xử lý rác cũng chưa đủ. Việc rất cần là truyền thông, giáo dục cho người dân nhận thức đầy đủ hơn tác hại của ô nhiễm môi trường, biết phân loại xử lý rác ngay tại nhà để thay đổi hành vi xả rác bừa bãi. Mỗi làng, mỗi khu dân cư cũng phải có quy ước đảm bảo vệ sinh chung. Chúng tôi thấy rất cần phải có chính sách môi trường nông thôn để góp phần giải quyết vấn đề này toàn diện và bền vững hơn.

PV: Thưa ông, đó là bức tranh của 5 năm qua. Vậy 5 năm tới (2016-2020) chúng ta sẽ thực hiện chương trình xây dựng NTM như thế nào?

Ông Tăng Minh Lộc: Tôi nghĩ cần tập trung đầu tư giải quyết những khâu tạo nền tảng cơ bản và những “điểm nghẽn” mà chúng ta đã thấy. Trước hết, cần tập trung hoàn thành cơ bản hệ thống hạ tầng thiết yếu ở nông thôn như giao thông, điện, thủy lợi, nước sạch, trường học, trạm y tế. Với miền núi, nơi đặc biệt khó khăn cần ưu tiên trước việc xong các cơ sở vật chất về giao thông, điện. Hệ thống này phải đảm bảo kết nối liên thông đến từng bản, ấp mới phát huy hiệu quả.

Thứ hai, cần chú trọng đầu tư cho sản xuất, từ tái cơ cấu đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến đến ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đào tạo nông dân chuyên nghiệp, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo – đây là gốc để tạo nội lực cho xây dựng NTM.

Thứ ba, cần tập trung để tạo chuyển biến rõ nét về môi trường nông thôn, xử lý rác thải, nước thải. 

Thứ tư, cần coi trọng phát triển văn hóa, đẩy mạnh các hoạt động thể thao, văn nghệ ở mỗi làng quê, xây dựng lối sống văn hóa ở mỗi gia đình nông dân. Nâng cao chất lượng công tác an ninh, trước mắt tập trung đẩy lùi một số tệ nạn như rượu chè, cờ bạc, trộm cắp để người dân cảm thấy an toàn hơn trong cuộc sống.

Thứ năm, cần gắn xây dựng NTM với giảm nghèo và giảm sự phát triển cách biệt giữa các vùng miền. Do đó, cần có chính sách, cách làm đặc thù đối với các vùng khó khăn. Tôi nghĩ miền núi cần lấy thôn, bản làm đơn vị tổ chức thực hiện trước, sau đó mới đến xã. Miền núi phải tập trung cho phát triển giao thông, điện, các mô hình sản xuất để tạo nền cho thực hiện các tiêu chí khác. Chúng ta không nhất thiết yêu cầu các tỉnh miền núi phải đạt tỷ lệ chuẩn cao ngay, mà cần có bước tạo nền cơ bản trước.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần “tuyên chiến” mạnh mẽ với “bệnh thành tích” trong một bộ phận lãnh đạo. Không chỉ có kiểm tra giám sát quá trình thực hiện mà phải bổ sung thêm các “khóa” cần thiết, ví như bổ sung chỉ tiêu “đọng nợ trái quy định” hoặc sự hài lòng của người dân…, là điều kiện khi xét xã, huyện đạt chuẩn NTM.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Nguồn: ĐCSVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo