Doanh nghiệp dược phẩm nhập khẩu chất Salbutamol dùng bào chế điều trị đường hô hấp cho người với giá chưa đến 2 triệu đồng/kg, nhưng đem bán “chui” cho các nhà phân phối ngoài ngành y tế lên đến... 10 triệu đồng/kg.
|
Ông Võ Văn Thanh, nhân viên tiếp thị, cũng là một đầu mối tiêu thụ chất cấm (đứng thứ 2 từ trái qua) |
Ông Huỳnh Văn Thắng, đang sở hữu một “trang trại vàng” ở ấp Sông Mây, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, nuôi 120 heo nái và 200 con heo thịt, tiết lộ, mặc dù vừa qua các ngành chức năng ráo riết kiểm tra chất cấm nhưng thương lái vẫn thậm thụt bán chất cấm cho các hộ chăn nuôi.
“Mỗi tháng tôi đều đặn xuất khoảng 100 con heo thịt với trọng lượng bình quân 90-100 kg/con, trước khi heo xuất chuồng khoảng 15-20 ngày là bà T, một thương lái ở TP Biên Hòa đến “vận động”, đặt vấn đề bán cho tôi chất Salbutamol với giá 10 triệu đồng/kg để vỗ béo heo lớn nhanh “tạo nạc”.
Cứ 1 kg trộn với 10 tấn thức ăn hỗn hợp. Giá heo hơi hiện nay là 42 ngàn đồng/kg thì bà T sẽ luôn mua cao hơn 1-2 giá. Có nghĩa nếu xuất 100 tấn heo hơi, tôi được hưởng thêm số tiền chênh lệch nhờ vào việc đưa chất cấm khoảng 100 triệu đồng, trong khi “chi phí” cho chất cấm trộn vào thức ăn chỉ có 3 kg, tức 30 triệu đồng. Tuy nhiên tôi không bao giờ đồng ý” - ông Thắng nói.
Ông Huỳnh Văn Thắng, tuy sở hữu “trang trại vàng” nhưng cũng thường xuyên đối mặt chất cấm do thương lái mang lại
Theo tìm hiểu chúng tôi, một số doanh nghiệp ngành dược nhập khẩu chất Salbutamol (còn gọi là Albutarol) chủ yếu có nguồn gốc từ Ấn Độ để dùng trong các chỉ định về hen phế quản ở người với giá bình quân 90 USD/kg (gần 2 triệu đồng/kg), sau đó đã bán cho các nhà phân phối cấp 1 là 3 triệu đồng. Từ đây sẽ đưa xuống các cửa hàng bán thuốc thú y ở các địa phương và thương lái với giá vô chừng, có thể chỉ có 5-6 triệu đồng, nhưng lúc hàng hiếm thì lên đến 10 triệu đồng/kg.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, một nhân viên tiếp thị TĂCN của công ty T.L chuyên SX thức ăn bổ sung (các loại chế phẩm Premix trộn vào TĂCN với tỉ lệ 4%) ở quận Bình Tân, TP.HCM, thừa nhận, một ít nhân viên tiếp thị TĂCN hiện nay kiêm luôn nghề tay trái là “chào hàng” chất cấm cho các trang trại chăn nuôi.
“Bán hàng cho công ty, mình chạy xe honda suốt ngày ngoài đường, thông thường là 50-60 km/ngày, nhưng mức lương cố định chỉ có 6 triệu đồng, còn bán hàng được bao nhiêu thì hưởng theo qui định 1%/doanh số. Tổng cộng thu nhập cả tháng là 10 triệu đồng.
Trong khi đó nếu “thuyết phục” được các hộ chăn nuôi mua chất cấm khoảng 2-3 kg/tháng thì có thu nhập thêm 5 triệu đồng nữa (chênh lệch 2,5 triệu đồng/kg chất cấm), kiếm tiền nhanh như thế ai mà không ham!” - anh Tuấn nói.
Thế nên, không ngạc nhiên khi mới đây, ngày 8/12, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường (C49, Bộ Công an) đã bắt quả tang ông Võ Văn Thanh (quê Tiền Giang) đang trên đường giao hàng sau khi đến Cty TNHH thủy sản E-Birds (98/15 Vạn Kiếp, P.3, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) để mua chất cấm.
Cán bộ C49 (Bộ Công an) phát hiện chất cấm Salbutamol tại trụ sở Cty TNHH thủy sản E-Birds với số lượng trên 17 kg
“Hiện nay, chúng ta đang “đánh” phần lớn là các hộ chăn nuôi có sử dụng chất cấm Salbutamol, cùng với một số Cty TĂCN ở phía Nam và ngoài Bắc, và mới đây là một Cty Thủy sản ở TP.HCM thì đó mới chỉ phần ngọn.
Còn phần gốc là các công ty dược phẩm được ngành y tế cho phép nhập khẩu Salbutamol về bào chế chữa bệnh cho người, nhưng lại đem bán cho các doanh nghiệp không có chức năng để hưởng chênh lệch giá là cần phải nghiêm trị theo pháp luật” - ông Nguyễn Văn Phụng, Đại biểu Quốc hội, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh. |
Tại đây, Thanh khai mua chất cấm giá 6 triệu đồng/kg, mang về bán lại cho các đại lý thuốc thú y, thương lái ở TP.HCM và Đồng Nai giá 7 triệu đồng/kg, hưởng chênh lệch 1 triệu đồng/kg. Mặc dù, ông Thanh khai với cơ quan chức năng là bản thân hành nghề chở thuê thuốc thú y, TĂCN nên có “cơ hội” được nhiều hộ chăn nuôi gia súc đặt vấn đề mua chất cấm với giá cao.
Tuy nhiên, theo giới chăn nuôi trong nghề thì Thanh không xa lạ gì, bởi nghề chính trước đây của Thanh là tiếp thị thức ăn thủy sản, sau đó tiếp thị thức ăn bổ sung cho Cty T.Đ ở huyện Bình Chánh, còn GĐ Cty TNHH thủy sản E-Birds, ông Trần Văn Bùi (39 tuổi, quê Sóc Trăng) vốn “sếp cũ” của Thanh.
Cũng tại địa chỉ 98/15 Vạn Kiếp nói trên, cán bộ C49 cùng Thanh tra Bộ NN-PTNT phát hiện thùng phuy ghi dòng chữ “Salbutamol sulphate BP 2010” chứa 17,5kg bột trắng, mịn. Bản thân ông Bùi thừa nhận những bịch chất cấm Salbutamol giao cho Võ Văn Thanh cũng được lấy từ thùng phuy này.
Theo lời khai ban đầu, ông Bùi cho biết đã mua số lượng chất Salbutamol của một doanh nghiệp dược phẩm ở quận Bình Thạnh với giá có 2 triệu đồng/kg. Tuy nhiên, ông không biết hàng có nguồn gốc từ đâu. Hàng về, ông Bùi bán nguyên chất cho nhiều đầu mối với giá 2,5-3 triệu đồng/kg để hưởng chênh lệch.
“Tuy vậy trong những thời điểm các cơ quan nhà nước tăng cường kiểm tra chất cấm thì có khi cả tháng tôi không bán được kí-lô nào cho các hộ chăn nuôi mà chủ yếu xuất cho mấy Cty thức ăn thủy sản, thuốc thú y dùng để SX thuốc tăng trọng cho tôm và thức ăn bổ sung cho heo” - ông Bùi nói trong bản khai của C49.
Cán bộ Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an TP.HCM, kiểm tra lô hàng đường hóa học tại Cty Việt-Nhật
Theo ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng thanh tra chuyên ngành thuộc Thanh tra Bộ NN-PTNT, những trang trại chăn nuôi nhỏ lẻ qui mô từ 100-200 con có chất lượng con giống kém nên người ta đưa chất cấm vào sử dụng trong quá trình chăn nuôi để tăng trọng nhằm thu lợi bất chính.
Heo sau khi được nuôi nhốt và sử dụng chất cấm trong thời gian từ 10 ngày đến 1 tháng sẽ đạt tăng trọng 20-30 kg (sẽ có trọng lượng khoảng 130 kg/con). Sau khi trừ chi phí, mỗi đầu heo tăng lợi nhuận 500 ngàn đến 1 triệu đồng. Nếu chủ trại heo có tổng đàn từ 100-300 con heo thì thu lợi từ 100-300 triệu đồng.
Trong khi đó mức xử phạt cho hành vi này cho đến thời điểm này chỉ có 5-10 triệu đồng đối với chăn nuôi nông hộ; 10-20 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trại.
Phát hiện 5 tấn đường hóa học xuất xứ Trung Quốc
Chiều 11/12, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an TP.HCM, phối hợp với QLTT đã tiến hành kiểm tra, phát hiện hơn 5 tấn đường hóa học và chất tạo ngọt tại kho xưởng của Cty TNHH & TM Việt-Nhật (220/6 đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú).
Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện số lượng đường hóa học và chất tạo ngọt với nhiều mẫu mã dạng tinh thể được SX trái phép của Cty Việt-Nhật.
Theo lời khai ban đầu, từ 3 năm nay Cty này đã nhập chất tạo ngọt từ Trung Quốc về sau đó chế biến thành đường có độ ngọt gấp 500 lần đường mía thông thường, thành phẩm đường tinh thể sẽ được đóng gói vào các bao bì với nhiều nhãn mác khác nhau nhưng đều ghi nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc.
Các sản phẩm trên sẽ được đem đi tiêu thụ tại các chợ ở TP.HCM và khu vực lân cận. Nhiều cửa hàng nhập đường hóa học của Cty Việt-Nhật để pha chế nước nấu chè, làm bánh ngọt, điều này sẽ có nguy cơ gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người tiêu dùng khi mà 5 hạt đường tinh thể trên có thể làm ngọt cho 150 lít nước.
Hiện toàn bộ số hàng trên đã được cơ quan chức năng niêm phong tiếp tục điều tra làm rõ.
NHẬT VY
|