Theo ghi nhận của NNVN thì tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đang có xu hướng giảm dần, đây quả là một tín hiệu tốt trong những ngày cuối năm 2015.
|
Cán bộ thú y huyện Cần Giuộc kiểm tra lấy mẫu nước tiểu heo tại hộ chăn nuôi Phạm Ngọc Hoàng Ân qua test nhanh cho kết quả âm tính |
Tất cả là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của ngành NN-PTNT trong việc kiểm tra và xử lý ráo riết.
Chúng tôi về huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, một trong 3 địa phương được xem là điểm nóng về chất cấm trong thời gian qua, đặc biệt là các lò giết mổ, nơi tập trung đàn heo của các thương lái từ các khu vực lân cận đổ về.
Kết quả đáng mừng
Theo ông Nguyễn Quang Đăng, Trưởng trạm Thú y huyện, đêm 4 và ngày 5/12, cán bộ thú y huyện đã “đột kích” vào cơ sở giết mổ Trường Bình ở ấp Hòa Thuận Hai, xã Trường Bình do ông Huỳnh Văn Phụng và Nguyễn Ngọc Thanh cùng làm chủ. Trong đó ông Thanh cũng là một thương lái. Mỗi đêm cơ sở của ông Bình và Thanh giết mổ khoảng 50 con heo. Địa chỉ này vốn khá phức tạp, bởi hàng ngày có không dưới chục thương lái từ các nơi mang đàn heo đến giết mổ.
Sau khi lấy 50 mẫu nước tiểu của các lô heo gồm 100 con làm test nhanh (định tính) của 5 thương lái gồm ông Thanh, Phạm Hoàng Dũng, Nguyễn Văn Bình, Vũ Ngọc Trường Giang, Nguyễn Văn Định, đều cho kết quả âm tính. Thấy vẫn chưa chắc chắn, Trạm tiếp tục gửi mẫu lên Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3) kiểm tra định lượng, hôm qua (16/12), đã có thông báo âm tính.
“Ở địa phương, chăn nuôi chủ yếu nhỏ lẻ, qui mô từ 50-60 con/nông hộ trở lại nên cũng tiềm tàng nguy cơ chất cấm cao, nhưng lo nhất vẫn là mấy lò giết mổ tư nhân, bởi nguồn heo phần lớn là trôi nổi được thương lái mua lại từ các khu vực lân cận nên chất cấm có hay không cũng ở đây mà ra” - ông Đăng nói.
Theo chân anh Nguyễn Thanh Hậu, phó Trạm thú y huyện, đến kiểm tra lấy mẫu hộ chăn nuôi Phạm Ngọc Hoàng Ân ở ấp Phước Thịnh, xã Trường Bình, đang nuôi 55 con heo chuẩn bị xuất chuồng vào ngày 25/12 sắp đến. Anh Hậu cho biết, đoàn đi không có công an phối hợp nên việc kiểm tra rất khó khăn, thông thường các hộ chăn nuôi lảng tránh hoặc bất hợp tác.
“Nghịch lý là mình đến kiểm tra nhưng chẳng khác nào đi vận động, “dụ dỗ” họ để được kiểm tra. Bởi nói kiểm tra là họ sợ hai điều, một là lây lan dịch bệnh từ đàn heo khác đến đàn heo của họ; hai là không may dính chất cấm thì họ bị phạt tiền, nêu tên trên báo đài” - anh Hậu nói.
Thế nên, ban đầu chúng tôi cũng gặp thái độ thiếu thiện chí của hộ nuôi. Như đã đoán trước nên đoàn kiểm tra lấy kịch bản thuyết phục là chính. Cuối cùng hộ chăn nuôi Hoàng Ân đồng ý mở cửa cho đoàn vào khu vực trại lấy mẫu. Thế nhưng, do thấy người lạ xuất hiện trong chuồng nên đàn heo cứ bỏ chạy lòng vòng khiến cho việc hứng mẫu nước tiểu cực kỳ khó khăn, rất mất thời gian.
Lấy mẫu thức ăn chăn nuôi kiểm tra chất cấm
“Theo quy định thì hứng nước tiểu đổ vào 3 bịch nylon, mỗi bịch chứa khoảng 300 ml, chủ trại giữ 1 bịch, 1 bịch lưu tại trạm và 1 bịch được niêm phong mã hóa đưa đi xét nghiệm. Tuy nhiên trong trường hợp này do test nhanh có ngay kết quả âm tính nên chỉ giữ lại 1 bịch ở trại nuôi thôi” - anh Hậu giải thích.
Mặc dù vậy, đoàn vẫn lấy mẫu thức ăn có tên Rex star (ngôi sao đỏ) mà hộ chăn nuôi này đang sử dụng để đưa đi kiểm tra phân tích chất cấm. Dự kiến vào đầu tuần sau sẽ cho kết quả.
Sau đó chúng tôi tiếp tục đến các hộ ông Chính, ông Tư ở ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc, với tổng đàn heo khoảng 20 con/hộ và qua test nhanh cũng đều cho kết quả âm tính.
“Theo kế hoạch chúng tôi còn phải lấy 47 mẫu của 47 hộ chăn nuôi heo, nhưng do khó khăn là phần lớn nhiều hộ “cấm cửa” không cho đoàn cán bộ thú y thực thi nhiệm vụ nên dự kiến đầu năm 2016 sẽ tiếp tục kiểm tra với sự hỗ trợ thêm của bên công an. Theo đánh giá ban đầu có thể thấy là việc sử dụng chất cấm có giảm, người nuôi và cả thương lái đã bắt đầu ý thức được về tác hại của chất cấm cũng như việc nhà nước xử lý mạnh tay về vấn đề này” - ông Đăng khẳng định.
Nơi làm rát, chỗ nằm im
Trái với việc Cần Giuộc đang ráo riết kiểm tra chất cấm cuối năm thì tại huyện Cần Đước với tổng đàn heo 21.000 con lại có không khí “trầm lắng” đến ngạc nhiên.
Theo báo cáo của ông Nguyễn Thanh Tâm (Trạm thú y), từ đầu năm đến nay chỉ có 1 lần duy nhất là đoàn của tỉnh về kiểm tra chất cấm nhưng chỉ tại một lò giết mổ tập trung của ông Lê Văn Non vào tháng 9/2015 ở ấp 7, xã Tân Ân.
Bộ test nhanh thử chất cấm trong nước tiểu heo
Tại thời điểm này, đoàn kiểm tra đã lấy mẫu 4 lô heo của tất cả 6 thương lái, trong đó qua test nhanh phát hiện 1 lô dính chất cấm của thương lái tên Bình mua heo có nguồn gốc từ xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành.
“Lẽ ra đoàn kiểm tra phải giữ lô heo dính chất cấm để đưa đi test định lượng lại nhưng không hiểu sao vẫn đưa vào giết mổ, đến nay kết quả dương hay âm tính với chất cấm của lô heo này như thế nào thì trạm thú y huyện không nhận được sự phản hồi” - ông Tâm nói.
- Vậy đoàn của tỉnh và huyện có lần nào đi kiểm tra việc sử dụng chất cấm của các hộ chăn nuôi trong huyện không? - Tôi hỏi.
“Hoàn toàn không. Ngày 21-22/10, trên tỉnh có tập huấn chương trình lấy mẫu vệ sinh thú y, tồn dư kháng sinh, chất cấm tại cơ sở chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh sản phẩm có nguồn gốc động vật, tôi cũng có tham dự và nhận giấy chứng nhận, tuy nhiên do huyện Cần Đước không nằm trong kế hoạch kiểm tra của tỉnh nên đến nay số liệu cũng chỉ có vậy thôi”.
Sử dụng chất cấm giảm mạnh
“Từ 20/11 đến nay, đoàn kiểm tra thú y đã lấy 88 mẫu nước tiểu của 88 trang trại nuôi heo trên địa bàn 6 huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Thống Nhất, Long Thành, Xuân Lộc và TP Biên Hòa. Hiện nay đã cho kết quả được 72 mẫu, trong đó phát hiện có 9 mẫu của 9 hộ chăn nuôi dương tính với chất cấm.
Những hộ dính chất cấm đều có hàm lượng rất thấp khoảng 2,09 ppm (có dư nhưng không nhiều), điều này cho thấy người dân đã có ý thức hơn. Hình thức xử phạt thấp nhất là 7,5 triệu đồng đối với 1 hộ ở phường Trảng Dài, TP Biên Hòa, các hộ còn lại là 15 triệu/hộ. Kinh phí xét nghiệm cho 1 mẫu là 720 ngàn; kinh phí cho mỗi đợt kiểm tra từ 1,5-2 tháng là trên 100 triệu.
Các năm trước, kiểm tra chất cấm là 2-3 đợt/năm, năm 2015 do tình hình chất cấm rộ lên nên mức độ kiểm tra tăng lên 4-5 đợt”
Ông Nguyễn Công Thành, Trưởng phòng Thanh tra, Chi cục Thú y Đồng Nai
|