Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, mặc dù vẫn tăng trưởng về tổng thể, nhưng hai mối lo nhất cho thủy sản Việt Nam vẫn là khả năng cạnh tranh và tính bền vững.
|
Thủy sản đang đối mặt nhiều nguy cơ nếu không cải thiện khả năng cạnh tranh |
Khép lại năm 2015, ngành thủy sản đang bộc lộ những nguy cơ lớn.
Bết bát tôm thẻ
Nếu như năm 2014, thủy sản được xem là cứu cánh của ngành nông nghiệp với kim ngạch XK đạt trên 7,8 tỉ USD (tăng 16,7%) thì năm 2015, việc nhiều đối thủ cạnh tranh của Việt Nam khôi phục SX sau dịch bệnh, biến động tỉ giá tiền tệ cũng như việc các thị trường XK siết chặt kiểm soát chất lượng… khiến XK thủy sản không đạt được kết quả như mong đợi.
Theo Tổng cục Thủy sản, kim ngạch XK thủy sản năm 2015 chỉ đạt khoảng 6,72 tỉ USD, giảm 14,3% so với so với năm 2014 và 10,4% so với kế hoạch.
Khó khăn về XK khiến sản lượng thủy sản nuôi trồng trong nước không đạt được như kế hoạch. Cụ thể, tổng sản lượng nuôi trồng cả năm ước đạt 3,35 triệu tấn, tăng 3,2% so với năm 2014, nhưng giảm 7% so với kế hoạch; diện tích nuôi trồng đạt 1,28 triệu ha, giảm 1,5% so với kế hoạch.
Tôm nước lợ là đối tượng nuôi giảm mạnh cả về diện tích và sản lượng. Cụ thể, tổng diện tích tôm nước lợ đạt hơn 690 nghìn ha, giảm 2,3% so với năm 2014 và thấp hơn kế hoạch của Bộ NN-PTNT đề ra là 7,8%.
Trong đó, tôm thẻ chân trắng là đối tượng nuôi tụt mạnh nhất về diện tích, chỉ đạt 87 nghìn ha, giảm tới 17,3% so với cùng kỳ 2014 và thấp hơn 7,2% so với kế hoạch. Việc diện tích và sản lượng tôm thẻ chân trắng giảm mạnh có nguyên nhân chủ yếu do giá tôm XK giảm (trung bình giảm từ 20-30% so với năm 2014).
Cùng với bế tắc XK, tình hình dịch bệnh khiến nuôi tôm nước lợ càng khó khăn chồng chất. Theo Cục Thú y, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại năm 2015 lên tới hơn 52 nghìn ha, tăng 2,3% so với năm trước.
Đặc biệt, bệnh hoại tử gan tụy trên tôm năm 2015 tăng rất mạnh, gây hại trên diện tích hơn 9.200 ha (so với 5.500 ha năm 2014).
Việc kiểm soát dịch bệnh thủy sản hạn chế, cùng với việc giám sát kháng sinh, dư lượng hóa chất trong thủy sản XK chưa được siết chặt khiến nhiều lô hàng thủy sản bị nước XK cảnh báo trả về do nhiều nguyên nhân như nhiễm kháng sinh, nhiễm vi sinh vật gây hại vượt mức cho phép; nhiễm các mầm bệnh trên tôm (như bệnh đốm trắng, bệnh đầu vàng…).
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát lo ngại: Nếu như năm 2014, nuôi tôm nước lợ bùng nổ khi tăng tới 120 nghìn tấn (tương đương 20%) thì 2015 lại giảm đi 60 nghìn tấn. Đáng lo ngại là việc tụt sản lượng không phải do thiên tai dịch bệnh nghiêm trọng như giai đoạn 2012-2013, mà chủ yếu do tôm Việt Nam không thể cạnh tranh được.
Trong khi đó, cùng với việc ô nhiễm môi trường nước nói chung, việc ô nhiễm trong nuôi trồng kéo theo nguy cơ dịch bệnh cũng đang đe dọa tới sự bền vững.
“Nếu tiếp tục nuôi như 2015, chúng ta sẽ tiếp tục lỗ. Việc giảm sản lượng tôm năm 2015 trực tiếp là do thị trường, nhưng sâu xa là do chính chúng ta. Thị trường XK vẫn còn đó, nhưng thị phần chúng ta tăng hay giảm quyết định bởi cạnh tranh được hay không, giá thành, chất lượng thế nào” – Bộ trưởng cảnh báo.
Chuyển hướng
Thách thức cho XK thủy sản năm 2015 cũng là áp lực để thay đổi, nhất là nuôi tôm nước lợ được đánh giá là bước đầu có chuyển hướng linh hoạt, hợp lí.
Tôm thẻ tụt mạnh cả về diện tích và sản lượng do khó khăn trong XK
Trước việc vụ thu hoạch tôm ĐBSCL tập trung vào giữa năm, trùng với vụ thu hoạch của Ấn Độ khiến giá tụt mạnh, ngay cuối năm 2015, Tổng cục Thủy sản đã nhanh chóng điều chỉnh vụ xuống giống năm 2016 phải sớm hơn 1 tháng. Chủ trương này đã được các địa phương người dân rất hoan nghênh.
Đối với hình thức nuôi, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, trước khó khăn về XK tôm thẻ chân trắng, năm 2015, Bộ NN-PTNT đã kịp thời chỉ đạo đúng hướng, đẩy mạnh diện tích nuôi tôm sú, nhất là tôm sú quảng canh áp dụng mô hình kết hợp tôm – lúa, điều chỉnh giải pháp nuôi tôm thẻ từ thâm canh mật độ cao sang hướng mật độ thưa, giảm lượng thức ăn...
Nhờ đó, diện tích tôm sú đạt vẫn đạt 603 nghìn ha, tương đương diện tích năm 2014 và tăng nhẹ về sản lượng với mức tăng 1,6% (tuy vẫn thấp hơn kế hoạch 4,2%).
Việc chuyển hướng đẩy mạnh nuôi tôm sú và khai thác tiềm năng tôm – lúa ở ĐBSCL được xem là giải pháp giúp ngành tôm lách được khe cửa hẹp trên thị trường XK tôm năm 2015 do thị trường tôm sú thế giới không có nhiều đối thủ cạnh tranh, đặc biệt đang được nông dân ủng hộ, đánh giá cao.
Ông Phạm Khánh Ly, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, năm 2015, diện tích tôm – lúa ở ĐBSCL đã chuyển biến rất tích cực với mức tăng 30% diện tích, năng suất trung bình đã nâng lên 500 kg/ha (so với 300 kg/ha như trước đây).
Với định hướng nâng tổng diện tích tôm – lúa lên trên 200 nghìn ha trong thời gian tới, đây là tiềm năng hết sức thuận lợi của ngành tôm Việt Nam.
Cùng với hình thức tôm – lúa, năm 2015, hàng loạt các mô hình nuôi tôm an toàn theo hướng VietGAP, tôm sinh thái, công nghệ cao, nhất là cách thả tôm thưa, kết hợp điều chỉnh chế độ ăn đang được nông dân tự giác nhân rộng bởi vừa giảm được chi phí, vừa tăng được năng suất và mẫu mã sản phẩm, đặt biệt là giảm được dịch bệnh rõ rệt.
Đối với cá tra, năm 2015, diện tích nuôi cá tra vẫn giữ được mức ổn định khoảng 5 nghìn ha (bằng 98% năm 2014), tuy nhiên nhờ tăng được năng suất, sản lượng cá tra đạt trên 1,22 triệu tấn, tăng 6,7% so với năm trước và vượt 16,3% kế hoạch.
Hình thức nuôi cá tra cũng đã có sự chuyển dịch cơ cấu mạnh từ nuôi nhỏ lẻ sang các DN chế biến có vùng nuôi và các hình thức liên kết hợp tác giữa hộ dân và DN chế biến nhằm kiểm soát chất lượng. Đến cuối năm 2015, đã có 75 cơ sở nuôi thủy sản ở ĐBSCL được cấp chứng nhận VietGAP, trong đó có 42 cơ sở nuôi cá tra…
Dù đang có sự chuyển biến tích cực, tuy nhiên Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, các chỉ tiêu xây dựng VietGAP đối với SX thủy sản hiện nay vẫn còn quá phức tạp, khiến tỉ lệ áp dụng còn rất thấp.
Theo Bộ trưởng, cá tra đáng ra năm 2015 đã phải đạt 100% diện tích chứng nhận VietGAP, nhưng thực tế chưa làm được, có thể một phần do tiêu chuẩn áp dụng quá hàn lâm, cứng nhắc. Vì vậy năm tới, ngành thủy sản phải tổng rà soát lại việc áp dụng VietGAP, điều chỉnh phù hợp để đẩy mạnh VietGAP trên diện rộng.
Một số vấn đề của ngành thủy sản đã được bàn và triển khai từ lâu nhưng tác động tới thực tiễn còn chậm, chưa tạo được chuyển biến mạnh trong toàn ngành. Nuôi trồng thủy sản dù tiếp tục tăng về tổng thể, nhưng đang xuất hiện nhiều vấn đề lớn.
Nếu không có giải pháp và hành động căn cơ để tăng cạnh tranh, tăng năng suất và chất lượng, cải thiện môi trường nuôi bền vững, chúng ta thậm chí không thể gia tăng được SX mà còn có thể phải giảm sản lượng.
Đặc biệt trong bối cảnh hàng rào kỹ thuật các nước NK ngày càng ngặt nghèo, hơn 30 nước, trong đó có các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam về thủy sản đã điều chỉnh tỉ giá tiền tệ, họ mua nguyên liệu cho nông dân giá không đổi, nhưng lại XK với giá rẻ hơn chúng ta.
Năm 2016, thị trường XK thủy sản nhìn chung sẽ vẫn là khó khăn, nhất là tôm và cá tra, thị trường chung khó có khả năng cải thiện.
Trong bối cảnh đó, chúng ta không còn cách nào khác là phải tiếp tục nâng cao cạnh tranh, nhất là chất lượng và vệ sinh ATTP. Không thể để có những lô tôm, lô cá bị trả về, có nguy cơ bị gia tăng về rào cản kỹ thuật…
(Bộ trưởng Cao Đức Phát)
|