Thuốc trừ sâu dỏm từ... cốm gạo và nước lã
Với công thức thuốc thật chia nhỏ rồi phối trộn với hóa chất và nước lã, nhóm thanh niên gốc miền Tây đã làm thuốc trừ sâu bệnh dỏm mang thương hiệu nổi tiếng Syngenta để bán ra thị trường có “doanh số” lên đến 100 triệu đồng mỗi ngày...
|
Đối tượng Nguyễn Vũ Hoài Anh bên máy sang chiết thuốc trừ sâu bệnh dỏm |
Như NNVN đã đưa tin ngày 25/12, Đội 7 Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an TP.HCM vào tối ngày 23/12 đã ập vào địa chỉ B21/448A, tổ 21, ấp 2, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TP.HCM bắt quả tang 4 đối tượng đang sản xuất thuốc sâu dỏm.
Gồm Nguyễn Vũ Hoài Anh (22 tuổi, quê tỉnh Bến Tre), Nguyễn Văn Hiền (27 tuổi, cùng quê với Anh), Nguyễn Văn Thanh Tú (19 tuổi, quê tỉnh Hậu Giang), Lê Văn Kương (23 tuổi, cùng quê với Tú).
Tại hiện trường cơ quan công an đã phát hiện nhiều sản phẩm thuốc trừ sâu bệnh trên bao bì ghi là Chess 50WG, Virtako 40WG (dạng cốm), Takumi20WG (trừ sâu) và trừ nấm bệnh gồm Filia 525 SE, Tilt Super 300 EC, Anvil 5SC và hầu hết đều mang thương hiệu Cty Syngenta (Thụy Sỹ).
Trong đó có chai thuốc trừ nấm bệnh phổ rộng Anvil 5SC (dạng lỏng) của Cty Syngenta, bên ngoài thị trường giá bán là 215 ngàn đồng/chai, nhưng các đối tượng làm giả khai bán Anvil dỏm cho các đại lý vùng sâu, vùng xa giá chỉ có 80 ngàn đồng/lít.
Điều đáng nói, “nhà xưởng” tại đây trang bị hẳn hoi máy đóng gói bao bì, cùng nhiều con dấu khắc, tem chống hàng giả và các lọ màu, cọ sơn để vẽ nhái bao bì các sản phẩm dỏm giống như thật.
Đối tượng Nguyễn Vũ Hoài Anh (22 tuổi) được xác định có vai trò quản lý đã thừa nhận hành vi vi phạm của mình. Theo đó, Anh khai nhận: “Mỗi ngày các lao động làm việc từ sáng đến tối và xuất ra khoảng 20 thùng thuốc trừ sâu dỏm theo đơn đặt hàng đem giao cho khách hàng chủ yếu ở khu vực miền Tây. Số lượng hàng giao đi quy đổi ra tiền là hơn 100 triệu đồng/ngày".
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Nguyễn Vũ Hoài Anh từng làm việc trong một nhà máy SX thuốc sâu ở miền Tây, sau đó lên TP.HCM học nghề in ấn kéo lụa.
Các sản phẩm thuốc trừ sâu bệnh dỏm nhìn bề ngoài trông như thật
Vốn có kinh nghiệm “pha chế” thuốc sâu bệnh, cũng như tay nghề in lụa bao bì nên Anh đã nhảy vào SX và buôn bán thuốc sâu dỏm, bởi chỉ cần đầu tư trang thiết bị một lần vài chục triệu đồng nhưng thu lợi nhuận gấp 100 lần.
Thuốc thật chia nhỏ + cốm gạo + nước lã = Thuốc "dỏm"
Hàng ngày, đối tượng Hoài Anh thuê khoảng 3-4 lao động ăn ở tại chỗ, hầu hết là người đồng hương miền Tây và được trả lương tùy vào “tay nghề”, người trực tiếp pha chế được trả 200 ngàn/ngày; còn nhẹ hơn như sang chai đóng gói được trả 120 ngàn/ngày.
Ngoài ra, trên Anh có một ông chủ thực sự giấu mặt có tên T.V.T (SN 1985, quê Cần Thơ, hiện công an đang xác minh làm rõ nhân vật bí mật này) chỉ đạo.
Được biết, T từng thụ lý 3 năm tù cũng với hành vi buôn bán và SX thuốc trừ sâu giả, đã tốt nghiệp một trường trung cấp nông nghiệp, chuyên làm nhiệm vụ “tiếp thị” nghiên cứu thị trường.
Hàng ngày, T đi khảo sát thị trường để xác định loại thuốc nào đang “hot” dễ tiêu thụ nhất để lên kế hoạch làm giả, sau đó giao kế hoạch cho Hoài Anh thực hiện.
Hiện nay, do tất cả các Cty thuốc BVTV đều có nhân viên tiếp thị sản phẩm nằm vùng, thường xuyên làm việc với các đại lý cấp 1, 2, nên T rất cảnh giác chỉ giao hàng dỏm cho các đại lý cấp 3, 4 nhỏ lẻ ở vùng sâu, vùng xa.
Qui trình “công nghiệp” làm dỏm thuốc trừ sâu bệnh hại cây trồng của các đối tượng thực hiện rất đơn giản nhưng trông khá “hiện đại”, đó là mua thuốc trừ sâu bệnh thật của một số Cty thuốc BVTV trong nước dưới dạng gói (cốm, hạt, bột) loại 0,5-1kg hoặc chai Pit 1 lít (dạng lỏng).
Công thức làm thuốc trừ sâu bệnh dỏm gồm thuốc thật, hóa chất, cốm gạo và nước lã
Sau đó về chia nhỏ pha trộn với một số hóa chất có màu (chưa rõ nguồn gốc) mua ở chợ Kim Biên (Q5) đựng trong các can nhựa 20 lít rồi pha thêm nước lã!
Chẳng hạn, thuốc trừ nấm bệnh Anvil 5SC của Syngenta được “chế biến” từ chai thuốc bệnh gốc đồng mua ngoài giá 90 ngàn đồng/lít trừ bệnh lem lép hạt, vàng lá, khô vằn trên lúa... nhưng được pha thêm nước lã và hóa chất với tỉ lệ thích hợp, để “hô biến” thành nhiều chai thuốc Anvil của Syngenta với màu sắc và mùi gần giống sản phẩm thật đem bán với giá chỉ có 80 ngàn đồng/lít.
Bên cạnh đó, Hoài Anh còn sử dụng những máy móc “bấm nút” tự động để chiết xuất sang chai, đóng nắp cũng làm hệt như sản phẩm chính hãng của một số Cty thuốc BVTV khác trong nước để bán ra thị trường nhằm lừa gạt nông dân.
Đối với các loại thuốc gói dạng cốm (ký hiệu WG) thì cũng được Hoài Anh làm giả bằng cách lấy cốm gạo xay nhuyễn, sau đó trộn với hóa chất và một ít thuốc thật vào với mục đích tạo màu và mùi giống như sản phẩm thật.
Sau đó, cũng được đóng gói trong những gói nhỏ nhờ sự hỗ trợ của máy cắt, máy in màu bao bì sản phẩm rất khéo mà nhìn thoạt qua giống y chang với sản phẩm thật.
Theo một đại diện Cty Syngenta, từ đầu năm 2013, Cty đã dán tem chống giả trên các sản phẩm thuốc trừ sâu bệnh, mã số chống hàng giả gồm 10 ký tự gồm cả số và chữ, nông dân và đại lý chỉ cần dùng ĐTDĐ nhắn tin thì trong vòng 5 giây tổng đài sẽ trả lời ngay về nguồn gốc sản phẩm.
Tuy nhiên, như đã nói trên, các sản phẩm của Syngenta vẫn còn tiếp tục bị làm giả.
“Việc phát hiện thuốc trừ sâu bệnh giả trên thị trường rất khó do công tác thanh kiểm tra không liên tục, chỉ phát hiện được thuốc giả khi người dân khiếu nại hoặc kiểm tra lấy mẫu ở các đại lý.
Hiện nay do công nghệ in ấn phát triển, bao bì hàng giả làm tinh vi giống y như sản phẩm thật, gần như chỉ có doanh nghiệp phát hiện sau đó thông báo cho các cơ quan chức năng biết để kiểm tra”
(Ông Nguyễn Bá Tùng, Thanh tra Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai)
|