Giải pháp nào cho xây dựng Nông thôn mới ở các xã khó khăn?
18:00 - 07/01/2016
Qua giai đoạn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) từ 2010-2015, nhìn chung bộ mặt nông thôn trên cả nước đã có nhiều khởi sắc rõ rệt. Tuy nhiên, vấn đề xây dựng NTM ở các xã khó khăn, xã biên giới vẫn là một bài toán khó.
Tạo nguồn sinh kế, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc là công tác quan trọng trong xây dựng NTM ở các xã khó khăn, xã biên giới. (Ảnh: BT)

Khoảng cách chênh lệch còn lớn

Theo Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương, thực hiện Chương trình xây dựng NTM đến tháng 11/2015, bình quân trên cả nước, một số tiêu chí đã đạt kết quả khả quan như 56,5% số xã đạt tiêu chí thu nhập (mức thu nhập bình quân/ đầu người vùng nông thôn là 24,6 triệu đồng/năm, tăng khoảng 1,9 lần so với năm 2010); 85,5% số xã đạt tiêu chí việc làm; tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 4,5% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 (giảm bình quân 2%/năm). Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 50,97% cuối năm 2011 xuống còn 38,2% cuối năm 2013; 32,59% cuối năm 2014, bình quân giảm trên 5%/năm.

 

Tuy nhiên, nhiệm vụ xây dựng NTM ở các xã khó khăn, xã biên giới vẫn chưa có nhiều cải thiện tích cực. Trong đó, mức chênh lệch giữa các tiêu chí ở các xã khó khăn với bình quân chung cả nước vẫn còn khoảng cách lớn. Tiêu biểu như nhóm tiêu chí hạ tầng, ở các xã khó khăn chỉ đạt tỷ lệ 7,9% (trong khi cả nước đạt 36,4%); tiêu chí thủy lợi đạt 32,9% (bình quân cả nước 61,4%); tiêu chí trường học đạt 10,6% (cả nước 42,1%), cơ sở vật chất, văn hóa mới chỉ đạt tỷ lệ 4,97% (trong khi cả nước là 34,6%),… Các tiêu chí khác như chợ nông thôn, bưu điện, nhà ở dân cư, điện,…ở các xã khó khăn vẫn còn khoảng cách lớn so với bình quân chung của cả nước.
 

Là tỉnh có nhiều huyện vùng cao, trong đó 6 huyện vùng cao của tỉnh đều thuộc vào danh sách 62 huyện nghèo đang thực hiện Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, công cuộc xây dựng NTM tại các xã khó khăn của tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn nhiều khó khăn. Theo Văn phòng điều phối NTM Quảng Ngãi, đến tháng 11/2015, thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về Nông thôn mới ở 64 xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, có 6 xã ở nhóm 3 từ 10-14 tiêu chí; 23 xã ở nhóm 4 từ 5-9 tiêu chí, 35 xã ở nhóm 5 từ 0-4 tiêu chí. Số tiêu chí bình quân/xã đạt 4,7 tiêu chí/xã. Các tiêu chí chưa đạt hoặc đạt thấp phổ biến là nhóm tiêu chí liên quan đến cơ sở hạ tầng và nhóm tiêu chí về kinh tế. Nhìn chung, kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia NTM ở các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh rất thấp, nhiều địa phương không có chuyển biến, qua 5 năm thực hiện không có số tiêu chí tăng thêm.
 

Bên cạnh đó, tại Bình Định, theo Văn phòng điều phối NTM của tỉnh, toàn tỉnh có 3 huyện miền núi với 24 xã. Đến nay, trong số 24 xã, số xã đạt 19 tiêu chí và từ 15-18 tiêu chí 0/24 xã, số xã đạt từ 10-14 tiêu chí 5/24 xã, số xã đạt 5-9 tiêu chí 19/24 xã, không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí. Trong đó, tiêu chí thu nhập và tiêu chí liên quan đến hộ nghèo là hai tiêu chí khó đạt đối với các xã miền núi khó khăn. Hiện nay, hầu hết các xã miền núi ở tỉnh Bình Định đều chưa đạt các tiêu chí này theo như quy định của Bộ tiêu chí quốc gia về NTM.
 

Vì sao vẫn chưa thoát nghèo?

Nguyên nhân của thực trạng xây dựng NTM ở các xã khó khăn chưa có nhiều cải thiện tích cực có thể kể đến nhiều yếu tố. Trong đó, có thể kể đến điểm xuất phát thấp dẫn đến việc tổ chức phát triển sản xuất, tạo sinh kế để nâng cao thu nhập cho người dân rất khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao và theo chuẩn mới sẽ còn cao hơn; sự nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo của người nghèo, hộ nghèo là nhân tố quyết định thành công của công cuộc xóa đói giảm nghèo, tuy nhiên, phần lớn hộ nghèo thiếu vốn, thậm chí việc tiếp thu kiến thức kinh tế, kỹ thuật của một bộ phận không ít còn thụ động, thiếu năng lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Số hộ thoát nghèo có nguy cơ tái nghèo hàng năm còn rất cao, kết quả giảm nghèo chưa bền vững.
 

Nhiều hộ gia đình còn quen với tập quán thả rông gia súc, gia cầm, chuồng trại chưa đảm bảo và thiếu đầu tư thức ăn trong chăn nuôi dẫn đến hiệu quả chăn nuôi chưa đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, các kiến thức khoa học kỹ thuật áp dụng trong cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao đã được tập huấn, chuyển giao nhưng một bộ phận người nghèo chưa mạnh dạn áp dụng vào thực tế.

Thực tế cũng cho thấy, tập quán sản xuất của người dân khu vực miền núi còn lạc hậu, diện tích đất canh tác ít, chủ yếu là đất đồi rừng, khó sản xuất. Bên cạnh đó, việc sản xuất ở một số vùng còn mang tính tự phát, làm theo phong trào, chưa có nhiều mô hình sản xuất hàng hóa tập trung, kinh tế trang trại phát triển chưa tương xứng cao. Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn xã không nhiều, quy mô không lớn nên khả năng thu hút lao động, tạo nguồn thu ngân sách, mức độ cạnh tranh không cao nên việc giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân không dễ khắc phục trong “một sớm một chiều”.
 

Bên cạnh khó khăn trong việc thực hiện các tiêu chí về thu nhập và hộ nghèo, xây dựng cơ sở vật chất văn hóa cũng là một trong những tiêu chí nan giải khi thực hiện xây dựng NTM ở các xã miền núi. Đây có thể được xem là bài toán khó đối với các xã miền núi trong việc đầu tư xây dựng các cơ sở vật chất văn hóa đạt chuẩn, bởi bên cạnh việc cần quỹ đất xây dựng và nguồn vốn đầu tư lớn, cần sự quan tâm của địa phương trong việc đưa cơ sở vật chất văn hóa này vào khai thác, sử dụng phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội.
 

Một số giải pháp

Theo ý kiến của nhiều nhà quản lý, chuyên gia, thực tế tình hình triển khai thành công xây dựng NTM trên địa bàn cả nước, nhất là ở các xã khó khăn cho thấy, rất cần chú ý đến giải pháp hàng đầu là vai trò chỉ đạo, cách thức tổ chức, sự định hướng và nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ xã; vai trò chủ động và tích cực tham gia của cộng đồng dân cư địa phương trong quá trình xây dựng NTM.

Đối với các xã khó khăn, nhất là ở các địa phương có nguồn thu ngân sách tại chỗ thấp, chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách Trung ương thì việc phấn đấu đạt chuẩn đủ 19 tiêu chí trong 5 năm tới là khó khả thi. Do vậy, cần xác định mục tiêu phù hợp với các xã khó khăn để tạo động lực cho các xã vươn lên, từng bước vượt qua tâm lý ỷ lại, thụ động, trông chờ hoàn toàn vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Thêm nữa, cũng cần có những điều chỉnh về cách làm, cơ chế, chính sách để thực sự đảm bảo vai trò chủ thể của người dân nông thôn và cộng đồng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng NTM, hướng tới sự phát triển hài hòa, bền vững.
 

Mặt khác, cần thống nhất mục tiêu của Chương trình giảm nghèo và Chương trình xây dựng Nông thôn mới, cả hai chương trình cần nhằm thực hiện một mục tiêu chung. Đối với các xã khó khăn, cần tập trung ưu tiên đầu tư cho các lĩnh vực: phát triển sản xuất, tạo sinh kế để nâng cao thu nhập, giảm nghèo, nâng cao dân trí, phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống, đường giao thông đến thôn, đương lâm sinh, trường học, nước sinh hoạt.

Thêm vào đó, rất cần chú trọng đến công tác rà soát, đánh giá kết quả các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất của các chương trình đã đầu tư ở miền núi. Phát triển sản xuất, tạo sinh kế vẫn là nhiệm vụ quan trọng ở các xã đặc biệt khó khăn trong giai đoạn tới.

Mặt khác, cần tăng cường công tác tuyên truyền, thường xuyên, sâu rộng, thiết thực với nhiều hình thức khác nhau trong mọi tầng lớp nhân dân, phổ biến cho người dân hiểu rõ về chủ trương, cơ chế chính sách, quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi cá nhân, cộng đồng thôn trong quá trình xây dựng NTM tại địa bàn. Lấy nội lực là căn bản, hiểu kỹ nội dung, phương pháp, cách làm, tự tin đứng lên làm chủ, tự giác tham gia và sáng tạo trong tổ chức thực hiện với phương châm “dân biết, dân làm, dân bàn”.
 

Các xã cần có sự chủ động trong việc ưu tiên triển khai thực hiện các tiêu chí dễ, cần ít kinh phí, không nên trông chờ, ỷ lại vào nguồn vốn phân bổ từ cấp trên. Cần có sự phân công rõ ràng, cụ thể cho từng cán bộ, tổ chức trong việc chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng NTM, từ đó góp phần đưa các xã miền núi khó khăn rút ngắn khoảng cách với các xã miền xuôi trên lộ trình xây dựng NTM.

Ngoài ra, các giải pháp tiếp tục triển khai, nhân rộng một số mô hình có hiệu quả giúp người dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật, khuyến khích tham gia cải thiện khoa học kỹ thuật trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi là điều cần thiết. Chủ động nguồn cây, con giống và trang thiết bị hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp từ các nguồn, định hướng đầu ra của sản phẩm nông nghiệp về giá cả, thị trường, tiêu thụ sản phẩm tạo ra sự an tâm, ổn định cho hộ sản xuất, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân, cải thiện bộ mặt khu vực nông thôn miền núi./.

Nguồn: Theo Dangcongsan
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo