Liên kết “4 nhà” còn lỏng lẻo
18:06 - 25/01/2016
(TNNN)- Vai trò của mối liên kết “4 nhà” được đặt ra từ năm 2002 với Quyết định 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng. Tuy nhiên, hơn một thập kỷ qua, mối liên kết này vẫn chưa được kết nối chặt chẽ như kỳ vọng.
Ảnh minh họa

Qua triển khai thực hiện mô hình liên kết “4 nhà” đã xuất hiện một số mô hình hiệu quả góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, mang lại lợi ích thiết thực cho bà con nông dân.
 
Tại thôn Đồng Lai, xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn), từ cuối năm 2014, Phòng Nông nghiệp huyện và xã đã phối hợp với Công ty cổ phần chế biến thực phẩm xuất khẩu GOC (tỉnh Bắc Giang) triển khai mô hình trồng dưa chuột Nhật xuất khẩu trên cánh đồng rộng 61 sào (1 sào = 360m2) của 29 hộ nông dân trong thôn. Từ nguồn vốn phát triển nông thôn mới của xã, các nguồn hỗ trợ khác của doanh nghiệp (DN) và đóng góp của người dân, mô hình trồng dưa chuột áp dụng phương thức canh tác hiện đại đã được phát triển trên cánh đồng của thôn, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Người dân được các cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cụ thể các khâu gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch... đồng thời DN cam kết bao tiêu sản phẩm giúp bà con yên tâm sản xuất. Hiện cây dưa đang trong thời kỳ thu hoạch rộ. Cứ 2 ngày 1 lần, bà con lại tất bật thu hoạch dưa để chờ người đến thu mua. Với giá thành 3.000 đồng/kg, 1 sào đất trồng dưa cho năng suất 4-5 tấn, mang lại thu nhập 6 triệu đồng cho người nông dân. Trong khi đó, 1 sào đất trồng lúa cho năng suất 1,5 tạ cũng chỉ được khoảng 1 triệu đồng.
 
Tại Lào Cai, vụ ngô 2014-2015, Sở NN&PTNT, Trung tâm khuyến nông Lào Cai, Công ty Dekalb Việt Nam, Công ty CP giống Cây trồng miền Nam (SSC) và Công ty TNHH MTV An Nghiệp (DN thu mua) đã cùng vào cuộc, hỗ trợ hơn 100 hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai triển khai thí điểm mô hình trồng 110ha ngô lai DK8868 của Dekalb Việt Nam do SSC phân phối trên địa bàn 5 huyện Bảo Thắng, Bảo Yên, Mường Khương, Bảo Hà và SiMaCai. Giống được bán chịu, sản xuất ra sản phẩm có đơn vị thu mua, bà con góp đất, công chăm bón. Sự vào cuộc của DN từ đầu vào đến tiêu thụ giúp nông dân yên tâm sản xuất, không chịu sự bấp bênh của thị trường. Trong khi năng suất bình quân trước đó của tỉnh Lào Cai chỉ đạt 3,65 tấn/ha thì năng suất vụ ngô 2014-2015 trên 110ha trồng giống của Dekalb đã cho năng suất vượt trội, trung bình 12-13 tấn ngô tươi/ha, tương đương 6-6,5 tấn ngô khô/ha. Sau thu hoạch, Cty An Nghiệp thu mua toàn bộ sản lượng ngô với giá hợp lý khiến bà con rất phấn khởi.
 
 
Tuy nhiên, việc liên kết giữa 4 nhà hiện vẫn còn quá lỏng lẻo. Chính sự lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ đã dẫn tới ngành nông sản rơi vào tình thế: Ùn tắc đầu ra, được mùa rớt giá, thu nhập của nông dân thì vô cùng bấp bênh.
 
Điển hình như tại Tây Ninh, trong mô hình liên kết “4 nhà” thâm canh lúa theo hướng VietGap và cánh đồng mẫu lớn, các Công ty phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đảm nhận khâu cung ứng phân bón, thuốc trừ sâu theo hình thức đầu tư ứng trước cho nông dân; đồng thời phối hợp cán bộ kỹ thuật nông nghiệp các huyện hướng dẫn lịch gieo sạ, cách thức bón phân, phòng trừ dịch hại theo hướng tiết kiệm, đạt hiệu quả. Tuy nhiên, khâu tiêu thụ sản phẩm đầu ra dù đã sau 7 năm triển khai mô hình và có trên 15 vụ sản xuất nhưng người nông dân trồng lúa ở Tây Ninh vẫn phải “loay hoay” tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của mình, chưa có một DN nào đứng ra bao tiêu sản phẩm.
 
Một trong những nguyên nhân chính được giới chuyên gia chỉ ra là bởi sự liên kết giữa các mắt xích trong chuỗi sản xuất nông nghiệp còn quá lỏng lẻo. Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, trong quá trình triển khai thực hiện liên kết “4 nhà”, chăn nuôi bò sữa, trồng và chế biến mía thì liên kết tốt; một số sản phẩm nông dân không nhất thiết phải liên kết thì có lỏng lẻo hơn. Trong năm 2014 đã thực hiện với cây lúa ở ĐBSCL đã có hơn 100 DN liên kết 172.000ha nhưng chỉ có 45.000ha thành công, còn lại bỏ cuộc giữa chừng. Vì thế, trong liên kết 4 nhà, DN đóng vai trò chính nhưng chưa thành công, vì  DN trong nông nghiệp chiếm khoảng gần 4% tổng số DN của cả nước. DN thực sự muốn liên kết có năng lực tài chính, kho bãi, nhà máy chế biến thì không nhiều.
 
Tại khu vực nông thôn, các hình thức tổ hợp tác, HTX rất ít nên DN gặp khó khăn khi phải liên kết với hàng nghìn hộ nông dân chứ không phải là 1 đơn vị đại diện. Nguyên nhân nữa cũng rất quan trọng là sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền các cấp. Mỗi địa phương phải có tiêu chí cánh đồng lớn và có quy hoạch sản xuất nhưng hiện cả nước có chưa tới 10 tỉnh làm được những việc này.
 
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: “Nỗi lo lớn nhất của tôi là vấn đề tiêu thụ nông sản cho bà con và cái khó lớn nhất là chế biến nông sản”. Chế biến và tiêu thụ nông sản có vai trò chủ yếu của DN. Tuy nhiên lâu nay, phần lớn các DN vẫn quen lối làm ăn bằng cách dựa vào thương lái để thu mua nông sản mà không liên kết, làm ăn trực tiếp với nông dân. Do đó, bà con nông dân thường xuyên bị động, bị thương lái ghìm giá, ép giá… Còn nhà khoa học vẫn chưa thể chuyển giao được các nghiên cứu của mình đến với thực tiễn sản xuất của bà con nông dân. Bà con vẫn phải sản xuất theo lối thủ công, manh mún…theo kiểu tự phát, đến mùa vụ nào là trồng loại nông sản đó, rồi thu hoạch ồ ạt, dẫn tới nguồn cung vượt quá cầu. Điệp khúc được mùa rớt giá cứ thế tiếp diễn.
 
Để khắc phục hạn chế, bất cập của Quyết định 80, Chính phủ đã ban hành các chính sách bổ trợ, thúc đẩy việc thực hiện như: Chỉ thị 25/2008/CT-TTg về việc tăng cường chỉ đạo tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng; Quyết định 62/2013/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn (thay cho Quyết định số 80). Chính sách này có nhiều điểm mới, trong đó nhấn mạnh ưu tiên phát triển mô hình liên kết theo dạng cánh đồng mẫu lớn trong chiến lược phát triển các vùng nông sản chủ lực tập trung phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Mô hình này cũng có nhiều tiềm năng nhân rộng trong cả nước và các cây trồng khác, không chỉ giới hạn đối với cây lúa. Tuy nhiên, đến nay thì Quyết định 62 vẫn chưa đi vào cuộc sống vì nguyên nhân chủ yếu do khó khăn trong việc xác định tiêu chí “cánh đồng lớn” và tiêu chí “hỗ trợ” do sự khác nhau về năng lực và cách thức sản xuất lúa gạo giữa các vùng, miền; nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ là rất hạn chế cũng như thủ tục triển khai phức tạp; sự bất ổn do chưa điều hòa  được lợi ích của “4 nhà”.
 
Để thực hiện tốt hơn chủ trương liên kết 4 nhà, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã đưa ra giải pháp là: Ngoài vận động nhân dân thì phải thực hiện đồng bộ các giải pháp khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, liên kết với nông dân, phát triển mạnh mẽ tổ hợp tác, HTX để hỗ trợ nông dân, DN trong liên kết và tăng cường sự chỉ đạo của chính quyền các cấp.
 
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chỉ đạo sơ kết việc thực hiện Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn để rút kinh nghiệm, triển khai ra diện rộng.
 
Vấn đề có ý nghĩa quyết định để các liên kết bền vững là sự cam kết, ràng buộc về trách nhiệm giữa DN và nông dân. DN cần xây dựng chiến lược kinh doanh, chiến lược sản phẩm mang tính khả thi cao, chú ý khâu dự báo và tìm kiếm thị trường, phải biết lượng sức khi đặt mua hàng với nông dân, tránh vượt quá khả năng dẫn đến phá hủy liên kết. Các HTX và người sản xuất tuân thủ các nội dung đã cam kết, tránh đẩy DN vào tình trạng điêu đứng, khó xử, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN.
 
Chủ trương liên kết “4 nhà” nhằm gắn kết giữa sản xuất với nhu cầu tiêu thụ được xem là hướng đi đúng để phát triển nông nghiệp bền vững. Chỉ khi nào mối kết đó được bền chặt, có sự tương tác, hỗ trợ nhau, thì ngành nông sản mới có thể phát triển bền vững, đời sống của người nông dân mới hết bấp bênh, bài toán ùn tắc nông sản lúc đó mới chính thức được giải tỏa.

Đại Nghĩa
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo