Không biết đến bao giờ mới có một năm mới mà dịp tháng Giêng chúng ta không còn phải nhắc đến những câu chuyện kinh khủng từ những Lễ và Hội truyền thống nữa?
|
Ảnh minh họa |
Sự ngán ngẩm mỗi năm mỗi dày lên khi những sự kiện dồn dập xảy ra cứ như “đến hẹn lại lên”. Nào là cướp giò hoa tre hội Gióng, nào là chém lợn Ném Thượng... và đặc biệt nhất là cướp Chúi, cướp Phết ở Hiền Quan - Phú Thọ, nơi hàng trăm trai tráng của mấy thôn lao vào nhau đấm đá túi bụi đến mức người thì ngất xỉu, người thì bật máu.
Và những lễ hội cổ truyền giàu tính văn hóa đã không còn là hình ảnh văn hóa nữa mà cái còn lại chỉ là sự man rợ dường như phải thuộc về những con người ở thời đại mông muội nhất.
Một câu hỏi được nhiều người đặt ra là phải chăng đó chính là truyền thống bao nhiêu đời nay của các lễ hội ấy? Có thể khẳng định chắc chắn rằng không hề có nét truyền thống nào như thế cả. Ví dụ như hội cướp Chúi, cướp Phết ở Hiền Quan chẳng hạn.
Đúng là việc giành nhau quả Chúi, quả Phết được cha ông ta để lại không phải là mong mỏi vào may mắn, phúc lộc đầu năm đơn thuần mà nó là phô diễn sức mạnh của những tráng đinh, điều mà một dân tộc suốt chiều dài lịch sử phải đối mặt với giặc ngoại xâm muốn thể hiện.
Song, bản chất của việc giành Chúi, tranh Phết giống với trò chơi cướp cờ chứ không phải là một trò đánh trận mà người tham gia phải thượng cẳng chân, hạ cẳng tay như chúng ta cứ phải chứng kiến ở những năm gần đây.
Có thể thấy rõ rằng, hội cướp Chúi, cướp Phết Hiền Quan là điển hình cho sự biến tướng của các lễ hội truyền thống so với nguồn gốc ban đầu và sự biến tướng đó lại nảy sinh ra từ chính nền tảng ngày một xuống dốc đến thấp kém của văn hóa đại chúng.
Những người tham gia vào lễ hội đã ngày một rời xa bản chất ban đầu của lễ hội đó; ngày một không am hiểu chính cái lễ hội đó và dùng cách hành xử với một lỗ thủng văn hoá rất lớn của chính mình để áp đặt một cá tính mới đáng ghê sợ cho lễ hội của địa phương mình.
Hình ảnh một người đàn ông đã rụng mấy chiếc răng (chắc từ các lễ hội cướp Phết những năm trước) trả lời phỏng vấn một tờ báo là: “Cướp được là có lộc cả năm” kèm theo câu nói hồn nhiên của một tráng đinh tuổi chưa tới đôi mươi vừa mới rời một cuộc đánh nhau cướp Phết rằng: “Chẳng có gì phải sợ cả”, cho chúng ta ưu tư nhiều hơn về cái lỗ thủng văn hóa kể trên.
Trong mỗi con người đều có cái thiện, cái ác; có cái hiền từ lẫn cái hung hãn. Chỉ có điều, con người tự đặt mình vào môi trường thuận lợi để mặt nào phát tác mới là quan trọng nhất.
Ở môi trường của lễ hội hôm nay, chúng ta thấy rõ cái “tham - sân - si” của con người ta trước cái ảo tưởng “lộc trời” đã khiến cái thiện, cái hiền lành bị che mờ và cái ác, cái hung hãn hiện hình. Người xưa vẫn nói, trong mỗi con người đều có một thiên thần và một ác quỷ. Và khi lòng tham, sự cuồng tín, sự ngu dốt và kém văn hóa thắng thế, con ác quỷ cũng khống chế cái cơ thể của con người.
Những thanh niên nghĩ rằng lộc của giời cướp được là may mắn quanh năm kia có nghĩ rằng họ sẽ không thể may mắn được nếu như họ không lao động. Sức lực của họ là để lao động chứ không phải là để dành cho những pha bạo lực vô bổ đội dưới lốt tín ngưỡng và văn hóa cổ truyền. Lẽ ra họ cần phải hiểu điều đó rõ nhất, cho chính đời sống của bản thân họ.
Ảnh minh họa
Nhưng cuối cùng, họ đã không còn nhớ đến cái triết lý đơn giản và sơ đẳng đó. Cái lỗ thủng văn hóa nó nằm ở ngay khả năng hiểu biết kém cỏi ấy và một khi tầng văn hoá cơ sở nhất đã thủng, lỗ thủng đó đủ chôn lấp cả một nhân cách con người.
Rất khó có thể khôi phục lại những lễ hội kể trên trở về với phiên bản gốc, phiên bản nhân văn của một xã hội lúa nước đề cao tình xóm giềng và lòng ái quốc với những thôn, xóm, làng có ràng buộc bằng các khế ước chung về hành xử là các hương ước, quy tắc dòng họ...
Và càng khó hơn nữa để giải quyết triệt để tận gốc vấn nạn bạo lực ở các lễ hội, khi mà chính những người có trách nhiệm nhất đối với xã hội cũng là những con người tỏ ra “tham - sân - si” không thua gì đám trai làng quá khích.
Họ cũng sùng kính mê muội một cách loạn tín ngưỡng; họ cũng tin vào ấn đền này đền nọ có thể khiến họ thăng quan tiến chức; họ đến với các lễ hội ở tư cách của những người có chức, có quyền, có tiền, thứ tạo ra khoảng cách mặc cảm với những người bần cùng trong xã hội, những người không có cơ hội và sẽ là nạn nhân của đứt gãy văn hóa nói trên.
Và khi họ, tấm gương của quần chúng; công bộc của quần chúng cũng trong một vòng xoáy hỗn loạn với sự dã man còn hơn cả bạo lực, làm sao chúng ta có thể ngăn được bạo lực ở những lễ hội thông thường.