Còn nhiều trở ngại trong phát triển kinh tế trang trại
17:52 - 29/02/2016
(TNNN)- Những năm qua, kinh tế trang trại đã góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn theo hướng tăng nhanh tỷ trọng sản xuất hàng hóa, tạo ra các vùng sản xuất tập trung. Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập khiến kinh tế trang trại phát triển thiếu bền vững.
Ảnh minh họa

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, số lượng trang trại hiện nay tăng chậm và phân bố không đều giữa các vùng trong cả nước. Khu vực trung du, miền núi phía Bắc là nơi có diện tích đất đai rộng nhưng số lượng trang trại ít, trong khi đó khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, quy mô diện tích thấp nhưng lại tập trung nhiều trang trại.
 
Số lượng trang trại ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm còn hạn chế. Nhiều chủ trang trại vẫn áp dụng phương pháp sản xuất truyền thống, chưa chú ý tới việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào quá trình sản xuất, dẫn đến năng suất, chất lượng sản phẩm làm ra chưa cao, sức cạnh tranh yếu, giá bán thấp.
 
Hầu hết chủ trang trại chưa có sự liên kết trong các khâu từ sản xuất tới tiêu thụ, bị động trước thị trường và chịu cảnh để thương lái định đoạt giá của sản phẩm. Điển hình như tại xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai, Hà Nội) có 71 trang trại chăn nuôi được xây dựng theo mô hình chi hội, nhóm hộ chăn nuôi cũng chỉ hỗ trợ nhau về kỹ thuật, con giống, còn chủ yếu vẫn tiêu thụ theo kiểu "mạnh ai nấy làm", rất khó để hình thành chuỗi sản xuất khép kín, an toàn và khoa học.
 
Một trong những khó khăn lớn nhất của người dân hiện nay là việc tiếp cận được nguồn vốn vay từ các ngân hàng. Hầu hết vốn đầu tư là vốn tự có và vốn vay của cộng đồng. Vốn vay của các tổ chức tín dụng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ. Để đủ điều kiện vay vốn, các chủ trang trại buộc phải có tài sản thế chấp. Thế nhưng, phần lớn đất đai làm trang trại là đất thuê, đất đấu thầu cho nên ngân hàng không có cơ sở để cho vay. Việc cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại hiện nay không có giá trị về kinh tế, không thể thế chấp vay vốn. Theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, về định mức cho các trang trại vay vốn đối với khu vực đồng bằng, mức vay tối đa tuy đã tăng từ 500 triệu đồng (Nghị định 41/2010/NĐ-CP) lên 1 tỷ đồng nhưng thủ tục vay vẫn còn phức tạp, qua nhiều đầu mối trung gian, người dân khó tiếp cận được nguồn vốn vay.
 
Mặt khác, các trang trại chủ yếu sử dụng lao động của gia đình; một số trang trại có thuê lao động thời vụ và lao động thường xuyên, tiền công lao động chỉ được thực hiện theo hình thức thoả thuận giữa hai bên, chưa thực sự tạo sự ổn định về giải quyết việc làm.
 
Để khắc phục những vấn đề trên, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ hành lang pháp lý cho việc tích tụ ruộng đất cũng như tạo điều kiện giúp người dân mở rộng quy mô, diện tích trang trại. Đồng thời triển khai cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tạo thuận lợi cho các chủ trang trại tiếp cận vốn vay đầu tư trực tiếp từ các chương trình của Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất, thời hạn vay phù hợp, bảo đảm cho chiến lược đầu tư sản xuất lâu dài.
 
Các địa phương cần tiến hành rà soát và quy hoạch lại đất đai, đầu tư hỗ trợ đầu vào cho các trang trại, nhất là về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, công cụ sản xuất, nhà máy bảo quản, chế biến sau thu hoạch và chú trọng xây dựng kênh phân phối sản phẩm bảo đảm đầu ra ổn định cho các gia trại, trang trại.
 
Đồng thời, tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra đối với kinh tế trang trại, đảm bảo các chủ trang trại thực hiện đầy đủ công tác bảo vệ môi trường, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, có giá trị kinh tế cao để nâng cao sức cạnh tranh cả ở trong và ngoài nước...
 
Kinh tế trang trại là một trong những mô hình sản xuất thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hoá lớn. Sự phát triển của kinh tế trang trại đã góp phần giúp người dân phát huy được lợi thế so sánh, mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp hàng hoá, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa trong nông nghiệp, nông thôn.
 
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có khoảng 29.500 trang trại. Trong đó, có 8.800 trang trại trồng trọt (chiếm 29,83%), 10.974 trang trại chăn nuôi (chiếm 37,20%), 430 trang trại lâm nghiệp (chiếm 1,46%), 5.268 trang trại thủy sản (chiếm 17,86%) và 4.028 trang trại tổng hợp (chiếm 13,66%). Giá trị sản xuất hàng hóa bình quân ở các trang trại khoảng 2 tỷ đồng/năm.

Việt Dũng
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo