Xứ Nghệ phát triển trâu bò trước thách thức thời tiết khắc nghiệt?
Trong đợt rét đậm, rét hại kỷ lục vừa qua, nhiệt độ ở một số nơi trên địa bàn tỉnh Nghệ An giảm sâu và kéo dài nhiều ngày liên tục đã gây nên thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp, nhất là ngành chăn nuôi.
|
Bò của đồng bào Mông có đặc tính chịu rét tốt |
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, từ ngày 22 - 28/1/2016, do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ mạnh nên ở nhiều địa phương, trong đó chủ yếu là các huyện vùng cao đã xảy ra hiện tượng rét đậm, rét hại trên diện rộng, nền nhiệt trung bình giảm xuống dưới 7 độ C, có nơi xuống dưới 0 độ C.
Mặc dù UBND tỉnh đã phối hợp với Sở NN-PTNT, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh nhanh chóng ban hành các phương án đối phó nhưng mức độ thiệt hại vẫn lên tới 142 tỷ đồng.
Về chăn nuôi, tổng số gia súc, gia cầm bị chết lên đến 49.996 con. Chỉ tính riêng số lượng trâu, bò là 3.204 con (trâu, nghé 1.560 con; bò, bê 1.644 con), trong đó tập trung chủ yếu ở 3 huyện vùng cao là Tương Dương, Kỳ Sơn và Quế Phong.
Với điều kiện tự nhiên sẵn có, đồng bào miền Tây xứ Nghệ vẫn quen với phong tục, tập quán chăn, dắt thả trâu, bò rông trong rừng. Phương thức này dù tiết kiệm được công sức nhưng lại tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, nhất là khi thiên tai ập đến thì gần như trở tay không kịp.
Nói đâu xa, ngay trong đợt rét vừa rồi, chỉ tính riêng số lượng trâu, bò bị chết đã lên đến 3.204 con (trâu, nghé 1.560 con; bò, bê 1.644 con), tập trung chủ yếu ở 3 huyện vùng cao Tương Dương, Kỳ Sơn và Quế Phong.
Quá trình tìm hiểu được biết, ở những nơi này số hộ đầu tư chuồng trại theo tiêu chuẩn “ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè” rất hiếm, đa phần người dân đều chọn phương án thả rông trong rừng hết ngày này qua ngày khác. Khi không khí lạnh đột ngột tràn về, bà con mới tá hỏa đi tìm. Tìm thấy thì gia súc đã… chết cứng từ bao giờ. Nhà thiệt hại ít thì chục triệu đồng, nhà nuôi nhiều thì hàng chục triệu "đội nón ra đi", thành thử cái vòng luẩn quẩn “nghèo vẫn hoàn nghèo” khó dứt ra được.
Câu hỏi được đặt ra lúc này là làm gì để thay đổi thói quen cũ của đồng bào? Ông Vi Lưu Bình, PGĐ Sở NN-PTNT Nghệ An chia sẻ, các huyện vùng cao có lợi thế lớn nhờ diện tích tự nhiên rộng lớn, rất phù hợp cho việc phát triển tổng đàn gia súc, nhất là những vật nuôi có giá trị cao như trâu, bò. Nhưng muốn làm ăn có lãi và hạn chế rủi ro, bà con nơi đây phải thay đổi cách nghĩ. Nếu chỉ dựa hoàn toàn vào tự nhiên thì không ổn, ngoài những cái sẵn có, người dân phải chủ động làm chuồng trại, đồng thời trồng cỏ, tích trữ thức ăn cho gia súc trong mùa giá rét.
Ông Vi Lưu Bình cũng cho biết thêm, để quy trình chăn nuôi đi vào ổn định, các hộ phải tìm hiểu, chọn lựa kỹ càng con giống phù hợp, có thể thích nghi với điều kiện khắc nghiệt của từng vùng miền. Ví dụ, với những vùng có nhiệt độ xuống thấp vào mùa đông như Kỳ Sơn hay Tương Dương, bà con hoàn toàn có thể yên tâm với giống bò của đồng bào Mông (ở xã Na Ngoi, Kỳ Sơn). Ngoài ra, những giống bò vùng ôn đới giá lạnh (Charolais, Hereford, B.B.B…) cũng là sự lựa chọn phù hợp...