(TNNN)- Khi TPP có hiệu lực vào năm 2018, ngành sữa sẽ phải đương đầu trực diện với các dòng sản phẩm sữa thế giới tràn vào, đặc biệt là Mỹ, Úc và New Zealand. Dưới tác động của TPP, các doanh nghiệp ngành sữa nội địa được dự báo sẽ kém thuận buồm xuôi gió. Còn người nông dân có thể phải đối mặt với việc rời bỏ sân chơi bò sữa khi sữa nguyên liệu ngoại nhập dự báo sẽ giảm giá và tràn vào Việt Nam sau TPP.
|
Sữa nguyên liệu ngoại nhập dự báo sẽ giảm giá và tràn vào Việt Nam sau TPP (Ảnh minh họa, nguồn Internet) |
Với thị trường trên 90 triệu dân và tốc độ tăng dân số khoảng 1,2%/năm, ngành sữa tại Việt Nam vẫn rất hấp dẫn về tiềm năng. Hiện ngành chăn nuôi bò sữa của nước ta mới đáp ứng được gần 34% nhu cầu về sữa tiêu dùng, 66% còn lại phải nhập nội. Bình quân mới đạt là 18 lít/người/năm, trong đó có 6,1 lít sữa tươi bằng 34% tổng lượng sữa quy đổi tiêu thụ (Trung Quốc là 35 lít, Thái Lan là 25 lít). Theo dự báo của Cục Chăn nuôi, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm sữa bình quân đầu người của Việt Nam tăng trưởng khoảng 9%/năm, đạt 27-28 lít/người/năm vào năm 2020. Con số này so ra vẫn thấp hơn Singapore (45 lít) hoặc Thái Lan (35 lít).
Hiện nay, ở phân khúc sản phẩm giá trị cao là sữa bột, các công ty ngoại chiếm khoảng 75% thị phần, dẫn đầu là Abbott, tiếp theo là Mead Johnson, Dutch Lady, Dumex, Nestlé. Công ty Vinamilk (Việt Nam) xấp xỉ 25% thị phần. Trong phân khúc sữa nước (sản phẩm chủ lực của ngành sữa), các công ty Việt Nam đang tạm thời chiếm ưu thế. Trong đó, Vinamilk chiếm gần 50% thị phần, cùng hàng loạt các thương hiệu nội địa khác như: TH True Milk, Mộc Châu, Ba Vì, Dalatmilk, Lothamilk, Vixumilk, Nutifood.
Một số chuyên gia nhận định, sữa tươi 100% nguyên chất ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, do số lượng đàn bò nội địa chỉ đủ cung cấp khoảng 30% nhu cầu cả nước. Việc thiếu hụt 70% lượng sữa cho chế biến và tiêu thụ đã khiến Việt Nam phải gia nhập nhóm 20 nước nhập khẩu sữa lớn nhất thế giới. New Zealand hiện đứng đầu danh sách các nhà cung cấp sữa cho Việt Nam. Ngoài ra, chúng ta còn nhập khẩu sữa từ Mỹ, Úc và các nước châu Âu. Điều này ít nhiều đẩy ngành sữa Việt Nam vào thế phụ thuộc và rủi ro.
Mặt khác, theo Euromonitor, giá thành sữa thành phẩm của Việt Nam hiện khoảng 1,4 USD/lít, vẫn cao hơn mức 1,2 - 1,3 USD/lít ở New Zealand và Úc. Theo bà Mai Kiều Liên- Tổng giám đốc Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk), năm 2015, với giá thu mua 13.000-14.000 đồng/lít mà Vinamilk đang trả cho các hộ nông dân như hiện nay, cao hơn giá sữa của thế giới đến 40%. Khi Hiệp định TPP có hiệu lực, giá sữa chỉ còn 8.000-9.000 đồng/lít nên buộc phải giảm giá thành để cạnh tranh.
Ngoài ra, các cường quốc mạnh về bò sữa cũng yếu ở điểm vận chuyển. Nhiều người Việt Nam thích uống sữa tươi. Sữa tươi sau khi vắt sữa cần được bảo quản lạnh và chế biến trong 24h, do vậy các doanh nghiệp nước ngoài sẽ rất khó vận chuyển sữa tươi vào Việt Nam để cạnh tranh. Tham gia TPP, với những sản phẩm như sữa tươi, sữa nước, sữa chua… doanh nghiệp sữa trong nước đang hoàn toàn làm chủ trên “sân nhà”. Cuộc cạnh tranh chủ yếu diễn ra đối với mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em.
Để cạnh tranh được khi TPP có hiệu lực, cần giảm giá thành. Theo bà Mai Kiều Liên, chỉ có hai giải pháp. Thứ nhất, phải tăng quy mô đàn nuôi, với con giống cho năng suất cao. Thứ hai, giá thức ăn gia súc phải hợp lý, chứ không thể quá cao như hiện nay.
Khi thuế suất nhập khẩu sữa sẽ về 0% trong tương lai, để cạnh tranh người nuôi bò phải đảm bảo con giống cho năng suất trên 20 lít/con/ngày trở lên (hiện 12-15 lít/con/ngày), đồng thời nâng đàn nuôi lên, hoặc liên kết giữa các hộ nuôi lại với nhau để tăng số bò nuôi từ 5 con/hộ lên ít nhất 20 con/hộ, thậm chí cao hơn nữa để giảm được giá thành.