|
Để giải quyết khó khăn trong xuất khẩu Thanh long cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý theo hướng liên kết giữa doanh nghiệp và các tổ chức nông dân để phát triển bền vững |
Tuy nhiên, diện tích và sản lượng chủ yếu vẫn tập trung ở Bình Thuận với trên 20.000 ha, Long An gần 5.000 ha, Tiền Giang khoảng 3.000 Ha. Như vậy, xu thế phát triển diện tích Thanh Long ngày càng tăng và phát triển rộng khắp trên toàn quốc. Tuy phát triển nhanh và thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng. Lợi nhuận của người trồng Thanh long cũng tăng hơn so với một số cây trồng khác, xong vẫn còn tồn tại một số bất cập như sau:
Do có lợi nhuận và dễ trồng, có thể rải nhiều vụ trong năm nên cây Thanh long bị khai thác quá sức. Do phải mang trái nhiều vụ liên tiếp lại không được bổ sung dinh dưỡng kịp thời và cân đối nên cây Thanh long có hiện tượng thiếu dinh dưỡng, cành teo tóp, xuất hiện vàng cành, tần xuất và các chủng loại sâu bệnh hại ngày càng nhiều.
Cây Thanh long là cây ăn quả có lợi thế của Việt Nam, là cây có giá trị xuất khẩu kim ngạch cao. Tuy nhiên, cây Thanh long đang đứng trước một thách thức làm giảm năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất do bệnh đốm trắng gây ra; mặc dù người dân sử dụng nhiều biện pháp phòng trừ bệnh đốm trắng nhưng không hiệu quả, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật gây ảnh hưởng đến xuất khẩu và ảnh hưởng đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Việc quá lạm dụng một số hợp chất kích thích sinh trưởng (có chứa GA3, GA4, GA7, Cytokinin, NAA...) trên cây Thanh long cũng góp phần làm suy kiệt sức lực của cây. Chúng ta đã biết rõ rằng chất kích thích sinh trưởng (chất ĐHST) không phải là dinh dưỡng, nếu dùng nó quá nhiều mà không bổ sung kịp thời các chất dinh dưỡng cho cân đối thì cây sẽ bị kiệt sức và suy giảm tính chống chịu với sâu bệnh hại và thời tiết bất lợi..
Vấn đề trồng Thanh long trên địa hình đất trũng thấp hiện đang rất phổ biến, tại đó, mực thủy cấp nông, khó thoát nước vào mùa mưa lũ (có thể diện tích này chiếm gần 50%) như trên nền đất ruộng lúa 2 vụ, 3 vụ, dể bị úng. Thiết kế ruộng không có hệ thống thóat úng, không phù hợp với đặc điểm không chịu úng của cây thanh long làm cho bộ rễ thiếu oxy, phát triển kém, cành ốm yếu, chống chịu với sâu bệnh yếu, chất lượng và năng suất trái thấp. Nhiều vườn cây phát triển yếu, cành vàng, có vườn sau một thời gian bị chết. Chứng tỏ phát triển vườn Thanh long còn mang tính tự phát không có thiết kế, qui hoạch khoa học. Đặc biệt hiện nay cây Thanh long đã tràn về vùng phèn Đồng Tháp Mười, vấn đề nghiên cứu tính thích nghi và tính chống chịu phèn và úng của Thanh long cần được đặt ra hết sức cấp bách để cảnh báo cho người trồng Thanh long. Trong khi đó, Thanh long Bình Thuận đa số trồng trên đất bạc màu nhưng canh tác thiếu phân hữu cơ, bón quá nhiều phân hóa học làm đất thêm bạc màu, hệ vi sinh vật đất có lợi kém phát triển, sức đề kháng của cây rất yếu.
Việc lạm dụng & sử dụng không tuân thủ theo nguyên tắc 4 Đúng những loại thuốc BVTV, phân bón lá đã làm cho cành, rễ Thanh long bị suy kiệt & trái thanh long mau hư khó bảo quản và vận chuyển đi xa. Cũng do sử dụng nhiều lần trên nhiều dạng loại thuốc đã tiêu diệt nhiều loại thiên địch, từ đó đã phá vỡ "thế cân bằng sinh học tự nhiên". Thực tế đã cho thấy, hiện nay trên các vườn Thanh long thâm canh xuất hiện nhiều loại bệnh.
Mặc dù trái Thanh long Việt Nam phần lớn đã được xuất khẩu tới 14 quốc gia trên thế giới (chiếm từ 80-85% sản lượng), nhưng chủ yếu vẫn là các nước châu Á mà Trung Quốc chiếm thị phần lớn. Chưa có khả năng mở rộng thị trường sang khu vực châu Âu (Đông Âu, Tây Âu) và Nhật Bản. Châu Âu là thị trường bán được giá cao nhưng là những khách hàng khó tính. Trong lúc đó trái Thanh long của ta còn quá nhiều tồn tại, nhất là còn xuất hiện những vết bệnh (do nấm và vi khuẩn) trên trái trong quá trình tồn trữ, vận chuyển, thiếu vệ sinh và đôi khi vẫn còn tồn dư lượng hóa chất độc hại, nên khi chuyên chở xa, nhất là chuyên chở bằng tàu thủy, khi đến thị trường châu Âu tỷ lệ trái bị hư hỏng quá lớn. Đồng thời đã bắt đầu có một số nước cảnh báo về dư lượng thuốc BVTV cao trong trái Thanh long. Vấn đề xúc tiến thương mại của Việt Nam ở các nước châu Âu chưa được quan tâm, người dân châu Âu hầu như chưa hiểu biết gì nhiều về trái Thanh long (thậm chí họ coi Thanh long như một trái xương rồng hoang dại nên rất ngại khi được mời dùng thử).
Việc xây dựng được thương hiệu mạnh cho Thanh long Việt Nam vẫn chưa được đầu tư thích đáng. Còn tồn tại khá nhiều các nhãn hiệu Thanh long cùng xuất xứ tại Việt Nam (có cả nhãn hiệu của Công ty nước ngoài đóng gói ngay tại Việt Nam). Chưa xây dựng được các tiêu chuẩn và qui chuẩn về chất lượng trái Thanh long xuất khẩu.
Vì vậy, để phát triển Thanh long một cách bền vững, ngoài các giải pháp quản lý dịch hại trên cây thanh long, cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý theo hướng liên kết giữa doanh nghiệp và các tổ chức nông dân để phát triển bền vững. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu phát triển thị trường trong và ngoài nước để tiêu thụ Thanh long, các thị trường đã phát triển tốt thì tiếp tục giữ vững. Bộ Nông nghiệp & PTNT cũng đang ráo riết mở các thị trường cho thanh long, đặc biệt thị trường mới như Ấn Độ, Liên bang Nga.