|
Tích tụ ruộng đất giúp áp dụng khoa học công nghệ đem lại hiệu quả cao. (Ảnh minh họa, nguồn Internet) |
Để có hiệu quả kinh tế thì sản xuất nông nghiệp phải đạt tới quy mô nhất định mới đảm bảo sinh lời. Quy mô sản xuất lớn đến đâu, tùy thuộc vào hệ thống canh tác (mức độ cơ giới, hệ thống giống, công nghệ kỹ thuật, khả năng quản lý…). Mức độ cơ giới hóa tăng, áp dụng khoa học công nghệ mạnh hơn thì quy mô tối ưu cũng tăng.
Về quỹ đất sẵn có, tại VN mỗi hộ nông dân chỉ có hơn nửa hécta, lại còn chia thành nhiều mảnh. Trong khi đó, các nước có quỹ đất rộng như: Mỹ, Úc, hay Canada…thì quy mô tới hàng trăm hécta hay cả nghìn ha/hộ. Ở Châu Âu hàng chục hécta, ở các nước Đông Á, Đông Nam Á như Nhật Bản, Thái Lan ít nhất cũng có một vài ha.
Đến nay, Việt Nam cũng đã có những gia đình quản lý hàng trăm hécta, các công ty sử dụng hàng nghìn hécta, các trang trại hàng nghìn đầu lợn xuất hiện khá nhiều. Tuy nhiên, quá trình tích tụ ruộng đất đang diễn ra nhưng quá chậm so với năng lực và nhu cầu.
Cốt lõi vấn đề chính là người nông dân. Nếu muốn tăng khả năng cạnh tranh của nông dân Việt Nam mà tiến hành tích tụ thì những người khác phải ra khỏi nghề nông đi tìm nguồn sinh kế khác. Từ 50% lao động làm việc trong nông nghiệp hiện nay rút xuống chỉ còn 5-10% trong tương lai. Số còn lại chắc chắn phải ra đi, nhưng đi đâu, làm gì thì rất thiếu định hướng. TS. Đặng Kim Sơn- nguyên Viện trưởng Viện chính sách Chiến lược (Bộ NN&PTNT) nhận định, khi nông nghiệp đẩy ra, công nghiệp đóng lại thì dường như chỉ có một con đường để lao động có việc làm, đó là đi vào “nền kinh tế dịch vụ”. Nhưng “cánh cửa” tuổi vàng chỉ còn mở cho chúng ta trong một vài chục năm nữa thôi, chậm chân là mất cơ hội vĩnh viễn.
Theo TS. Đặng Kim Sơn, muốn tích tụ được đất đai thì phải giải quyết được 3 vấn đề. Thứ nhất, gắn với thị trường lao động, thậm chí là gắn với chiến lược công nghiệp hóa: làm sao tạo ra việc làm và thu nhập phi nông nghiệp một cách chính thức để rút mạnh lao động nông thôn ra khỏi nông nghiệp. Thứ hai, là tạo điều kiện cho những nông dân có năng lực ở lại, tích tụ được đất: thủ tục thuê đất, mua đất thuận lợi, chi phí giao dịch rẻ, có vốn mua đất, mua máy, có đường, có điện áp dụng cơ giới, mảng này gắn với thị trường đất đai và cơ sở hạ tầng. Thứ ba, gắn với vấn đề phát triển nông thôn, có chính sách để có thể thu hút các DN đầu tư vào nông thôn, hợp tác với nông dân sản xuất lớn giải quyết vấn đề đầu vào và đầu ra cho nông nghiệp. Ba mảng này phải lồng ghép với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế chung, kể cả việc sửa đổi Luật Đất đai.
Theo đại biểu Quốc hội Huỳnh Ngọc Đáng, phải có đột phá trong chính sách đất đai, nhất là vấn đề hạn điền. Nguyên lý công bằng trong phân chia ruộng đất nên được thay thế bằng nguyên lý giao đất cho người sử dụng có hiệu quả cao nhất.
Ngoài ra, các hình thức tích tụ ruộng đất ít có tác động tiêu cực như trang trại gia đình, trang trại dự phần nên được khuyến khích, ưu đãi. Riêng đối với trang trại dự phần, doanh nghiệp thuê đất của nông dân, rồi đầu tư giống, phân bón, khuyến nông và khoán lại cho hộ nông dân sản xuất, tạo ra nông phẩm cung cấp cho nhà máy. Đây là một hình thức mà nhiều nơi đang áp dụng hiệu quả, như ở Ninh Bình, công ty thực phẩm Đồng Giao thuê hàng trăm héc ta đất của nông dân để sản xuất dứa (trái thơm) cung cấp cho nhà máy của công ty. Ở Quảng Nam, loại hình này cũng manh nha hình thành với một số công ty vào thuê đất sản xuất rau quả. Tại xã Xuân Khê (Hà Nam), tỉnh thuê đất của dân để giao cho các doanh nghiệp những thửa ruộng có diện tích lớn để thực hiện các dự án sản xuất lúa, rau, củ quả sạch. Nông dân sẽ được các doanh nghiệp nhận vào làm, đồng thời những mô hình này của các doanh nghiệp sẽ là mô hình mẫu để các hộ có ruộng xung quanh học hỏi, làm theo.
Đến nay nông nghiệp nước ta đã chuyển sang nền nông nghiệp chuyên môn hóa, sản xuất hàng hóa, bảo đảm chất lượng đáp ứng yêu cầu của nhân dân trong nước và xuất khẩu. Do vậy, tất yếu phải tích tụ, tập trung ruộng đất và mở rộng quy mô đất đai cho các đơn vị sản xuất, đây được xem là bước đột phá của sản xuất nông nghiệp hàng hóa, góp phần nâng cao hiệu quả và hội nhập kinh tế quốc tế.