(TNNN)- Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cứ 3 hộ thoát nghèo thì có 1 hộ tái nghèo, tức tỷ lệ tái nghèo tới 33%. Tình trạng các hộ tái nghèo đã cho thấy công tác xóa đói giảm nghèo hiện thiếu tính bền vững.
|
Tỷ lệ hộ nghèo cả nước chỉ còn 4,5% năm 2015. (Ảnh minh họa, nguồn Internet) |
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, trong 15 năm qua, Việt Nam đã có khoảng 43 triệu người dân thoát khỏi nghèo đói. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ mức 29% năm 2002, xuống chỉ còn 4,5% năm 2015, riêng các huyện nghèo còn dưới 30%.
Theo kết quả sơ bộ tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 – 2020, miền núi Tây Bắc là khu vực có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao nhất với trên 55% tổng số hộ dân; tiếp đến là khu vực miền núi Đông Bắc với hơn 29%; đồng bằng sông Hồng và đồng bằng Nam Bộ dưới 10%. Các khu vực còn lại tỷ lệ này từ 12 - 24%.
Nguyên nhân của tình trạng tái nghèo, các chuyên gia cho rằng, tỷ lệ hộ nghèo cần hỗ trợ lớn, trong khi nguồn ngân sách chưa thể đáp ứng được tất cả các vùng miền, cũng như từng đối tượng thụ hưởng. Do đó nguồn vốn đầu tư cho giảm nghèo đã ít lại phải phân bổ dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm, còn chồng chéo trong quá trình thực hiện. Ví dụ, cùng là công tác dạy nghề, nhưng một đối tượng có thể thụ hưởng theo chính sách 156, hoặc dạy nghề cho đối tượng phụ nữ, dạy nghề cho nông dân hay dạy nghề cho người thiểu số.
Sự thay đổi các tiêu chí về chuẩn nghèo cũng là một nguyên nhân khiến số đối tượng nghèo tăng lên. Trong khi người nghèo tại khu vực đô thị gia tăng do tốc độ đô thị hóa nhanh, các biến động về tự nhiên như lụt bão… đã làm gia tăng nguy cơ tái nghèo.
Hiện Chính phủ đang đặt ra mục tiêu giảm nghèo đến năm 2020, phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm trung bình 2%/năm, riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm theo chuẩn nghèo cụ thể của từng giai đoạn. Đồng thời, từ năm 2016, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ tiến hành áp dụng chuẩn nghèo đa chiều toàn diện, tức là chuẩn nghèo sẽ không chỉ lo cơm ăn, lo áo mặc mà nó còn các yếu tố khác như thông tin, được đi học và chăm sóc sức khỏe... Theo dự kiến, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước sẽ phải chi ra khoảng 20.509 tỷ đồng, tương đương 74,55% tổng số nguồn vốn cần có.
Để việc xóa đói giảm nghèo trở nên bền vững và hiệu quả, cần có những định hướng chính sách phù hợp, không thể dàn trải. Nhà nước cần rà soát, nghiên cứu và giảm bớt các chính sách mang tính trợ cấp cho không, gắn với điều kiện khuyến khích sự chủ động vươn lên của người nghèo, không tiếp tục tạo ra sự trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Đồng thời cần có các chính sách đồng bộ để tạo việc làm để tăng thu nhập cho người nghèo…