'Siêu lợi nhuận' khiến thuốc nguyên liệu BVTV nhập khẩu vẫn như... vũ bão!
Nhiều năm qua, nông dân luôn được khuyến cáo hạn chế thấp nhất việc sử dụng thuốc BVTV trên đồng ruộng thông qua các chương trình IPM, “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”. Thế nhưng, tình hình nhập khẩu thuốc nguyên liệu của các DN đến nay lại như... vũ bão!
|
Cơ quan chuyên môn khuyến cáo nông dân hạn chế sử dụng thuốc BVTV trên đồng ruộng, nhưng thuốc trên đồng ruộng vẫn nhiều |
“Ma trận” thuốc nguyên liệu
Hiện nay, Việt Nam không sản xuất được thuốc nguyên liệu bảo vệ thực vật hay còn gọi là hoạt chất (ký hiệu a.i hoặc a.e) để gia công, phối trộn thành thuốc thành phẩm, hàng năm phải nhập khẩu với chi phí hàng trăm triệu USD.
Không hiểu có phải vì khâu quản lý thuốc nguyên liệu (còn gọi là thuốc kỹ thuật) “đầu vào” đang có vấn đề hay không mà trên thị trường luôn ở trong tình trạng nóng về “đầu ra” như thuốc giả, thuốc kém chất lượng... Vừa qua, đã xảy ra tình trạng thuốc sâu có nhãn hiệu của một số doanh nghiệp (DN) phun sâu không chết, bẫy chuột ăn mà cứ sống nhăn răng. Tại sao như vậy?
Theo danh mục thuốc BVTV năm 2015 (năm 2016 chưa ban hành - PV), Việt Nam đang có khoảng 1.700 hoạt chất và hỗn hợp các hoạt chất khác nhau để sản xuất thuốc BVTV thành phẩm với 4.000 dòng sản phẩm của gần 200 DN lớn nhỏ, trong đó có 5 DN nước ngoài, 4 DNNN, 14 Cty cổ phần, còn lại là Cty TNHH, DN tư nhân.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu chúng tôi, trên thị trường thật ra chỉ còn lại khoảng 2.000 sản phẩm (trong đó khoảng 20% là thuốc sinh học, thảo mộc), còn các loại sản phẩm thuốc tuy có tên trong danh mục nhưng đã biến mất hoặc có rất ít trên thị trường do sau khi đăng ký danh mục đưa vào thị trường bị nông dân chê nên “sớm nở tối tàn”.
Theo ước tính, hàng năm các DN nhập khẩu (NK) đến 300 loại thuốc nguyên liệu (hàm lượng 95% hoạt chất hay chất hoạt động, 5% tạp chất), bao gồm thuốc sâu, thuốc bệnh và thuốc trừ cỏ để gia công, sang chiết, đóng gói cho hàng ngàn sản phẩm thuốc BVTV, trong đó thị trường Trung Quốc đứng đầu do ưu điểm dễ sử dụng, giá rẻ hơn so với nguyên liệu các nước khác, nhất là châu Âu.
Cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện một DN nhỏ tại quận 7, TPHCM nhập khẩu thuốc nguyên liệu của Trung Quốc quá đát vào tháng 4/2016
Có 3 DN Trung Quốc xuất khẩu thuốc nguyên liệu sang Việt Nam nhiều nhất là Cty Vision Fluorochem (Nam Kinh); Cty Hóa Chất Zhejiang Province Changxing First (Chiết Giang) và Cty Shenzhen Sunrising Industry Co., LTD (Thượng Hải).
Sau Trung Quốc mới đến các nước Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore, Nhật Bản, Đức, Thụy Sĩ, Pháp, Thái Lan, Indonesia... Do mặt hàng thuốc nguyên liệu nhập khẩu áp thuế suất bằng 0 nên gần như không có hiện tượng nhập lậu qua đường tiểu ngạch, có chăng là nhập lậu thuốc thành phẩm của Trung Quốc qua đường biên giới Quảng Ninh và Lào Cai.
Kinh doanh mặt hàng thuốc BVTV có thể nói siêu lợi nhuận “một vốn bốn lời”. Chẳng hạn, NK 1 kg (lít) thuốc nguyên liệu giá từ 500 ngàn đồng đến 2 triệu đồng (đa số là của Trung Quốc) nhưng khi gia công thành phẩm dạng nhũ dầu (EC) có 10% hoạt chất thì được 10 lít 10EC, còn 20EC được 5 lít. Chỉ cần bán giá sỉ 300 ngàn đồng/lít đối với mặt hàng 10EC đã có 3 triệu đồng, trong khi giá NK thấp hơn nhiều.
Thuốc nguyên liệu hoạt chất Tricyclazone trừ nấm bệnh dạng huyền phù (SC) hạt mịn
Thế nhưng, việc NK thuốc nguyên liệu trong danh mục lại không bị giới hạn về số lượng nên các DN tùy vào thị trường tiêu thụ mà tha hồ nhập. Ngoài ra, còn phải kể đến một số Cty hóa chất khác NK về bán lại cho các DN “mi-ni” để gia công, sang chiết và đóng gói.
Thế nên, không có gì lạ khi mặt hàng thuốc nguyên liệu NK qua các năm không hề giảm, cả nước phải chi nửa tỷ đô-la mỗi năm, mặc dù các cơ quan chuyên môn luôn khuyến cáo cho nông dân hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc BVTV trên đồng ruộng nhằm tránh nguy cơ độc hại cho người và môi trường, thông qua các biện pháp IPM (phòng trừ dịch hại tổng hợp); “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm”.
Quản lý còn bất cập
Ngày 18/7, chúng tôi liên hệ với Cty Hóa chất G.P ở quận Tân Phú, TP.HCM, để mua thuốc nguyên liệu với các hoạt chất gồm: Nhóm thuốc sâu là Alphal cypermethrin, Cymermethrin, Abamectin, Emamectin Benzoate, Chlorpytifos, Fenobucard, Diazinon, Profenofos, Azadirachtin; nhóm thuốc bệnh là Carbendazim, Propiconazole, Dienocconnaole, Azoxystrobin, Tebuconazole, Mancozed, Hexaconazole, Tricyclazone với mục đích mang về gia công, đóng gói thành phẩm.
Sau khi hỏi chúng tôi ở Cty nào, trong vòng 30 phút, phía đại diện Cty G.P đã thông báo giá thấp nhất 500 ngàn đồng/kg, cao nhất là 2,2 triệu cho từng loại và nhấn mạnh chỉ bán hàng của Trung Quốc và Ấn Độ. Trong đó, nhóm hoạt chất thuốc trừ sâu phần lớn đắt tiền hơn so với nhóm thuốc bệnh.
Thông tư số 21/2015 ngày 8/6/2015 của Bộ NN-PTNT về “Quản lý thuốc BVTV” do không bắt buộc các DN phải NK đúng thuốc nguyên liệu như hồ sơ đăng ký nộp ban đầu, miễn là hàm lượng hoạt chất sau khi NK phù hợp với hoạt chất thể hiện trên hồ sơ.
Kho thuốc BVTV thành phẩm của một DN lớn tại TP.HCM
Thế nên, hiện có rất nhiều DN khi làm hồ sơ NK thuốc nguyên liệu, dù phải mô tả nhà cung cấp (NCC) nước ngoài, nhưng sau khi đăng ký xong, DN mua NCC nào cũng được, miễn là hàm lượng hoạt chất phân tích có kết quả tương đương.
Điều này dẫn tới việc DN đăng ký một đằng, nhưng nhập một nẻo. Chẳng hạn, trên hồ sơ đăng ký NCC từ châu Âu như Pháp, Đức, Thụy Sĩ, nhưng thực chất “ruột” lại là của Trung Quốc, Ấn Độ do giá NK rẻ hơn khoảng 20%. Vì vậy, trên bao bì của DN “tự tin” ghi “Nguyên liệu nhập từ châu Âu” để đánh lừa bà con nông dân.
Mặt khác, nguyên liệu thông thường chỉ có 95% hàm lượng hoạt chất, còn lại 5% là tạp chất. Tạp chất này có gây hại cho người và môi trường hay không còn tùy thuộc vào NCC, tức quốc gia xuất khẩu nguyên liệu.
Sau khi NK thuốc nguyên liệu, các DN gia công ở 3 dạng chủ yếu là nhũ dầu (EC) ở thuốc sâu, thuốc cỏ; dạng huyền phù (SC) hạt mịn ở các loại thuốc bệnh và dạng rắn (WG) hạt cốm ở thuốc sâu, thuốc ốc. Trong đó, phổ biến trên thị trường nhất là dạng EC vì dễ làm, hai dạng còn lại do công nghệ phức tạp nên chỉ có ở các DN lớn “ôm”.
Điều đáng nói, tùy theo bí quyết, công nghệ gia công của từng DN mà chất lượng thuốc BVTV được giới trong ngành đánh giá theo 3 cấp độ “cao, vừa và thấp (kém)”. Nếu gặp cấp vừa, thấp của các DN “mi-ni” gia công thì phải phun 2-3 lần sâu mới chết, so với quảng cáo thì chỉ cần phun 1 lần là đủ.
Ngoài ra, sau khi đưa vào gia công thành phẩm bán ra nông dân, hàm lượng hoạt chất trong thuốc nguyên liệu chỉ còn 5%; 10%; 40%; 50%, còn lại là “chất độn” gồm tạp chất và phụ gia chiếm phần lớn.
Trong khi chất lượng thuốc BVTV không chỉ phát huy hiệu quả ở hoạt chất mà còn phụ thuộc cả phụ gia, bởi nó làm tăng tính ổn định kết dính của thuốc. Thế nhưng, hiện chúng ta chỉ quản lý mỗi hoạt chất, còn các thành phần khác trong thuốc đang được thả lỏng, DN mua ở đâu, sử dụng thế nào chỉ có trời mới biết...
Theo Tổng cục Hải Quan, 3 năm gần đây Việt Nam đã chi hàng trăm triệu USD để nhập khẩu thuốc trừ sâu từ Trung Quốc, trong đó năm 2014 là 411 triệu, năm 2015 là 376 triệu USD và 5 tháng đầu năm 2016 là 127 triệu USD.