Nông dân sản xuất còn tự phát, không theo quy hoạch
14:09 - 12/07/2016
(TNNN)- Tự phát và phá rào quy hoạch là hai vấn đề lớn đặt ra đối với ngành trồng trọt hiện nay. Thực tiễn cho thấy, hầu hết những trường hợp “vượt rào quy hoạch” trong lĩnh vực nông nghiệp, đều chỉ đem lại “trái ngọt” những mùa đầu tiên khi may mắn được giá, còn sau đó chỉ là “trái đắng”, thậm chí không được nếm “trái ngọt” mà chỉ nhận được “trái đắng” mà thôi. Lãnh hậu quả, không ai khác, chủ yếu là những người nông dân nghèo.
Mía 500 đồng/kg, dân miền Tây phá rào trồng lúa, nuôi tôm (Ảnh minh họa, nguồn Internet)

Mấy năm trở lại đây, giá sắn (củ mì) luôn ở mức ổn định, nông dân có lãi, cho nên việc mở rộng diện tích trồng sắn ở các tỉnh Tây Nguyên đang phá vỡ quy hoạch cơ cấu cây trồng. Thông tin từ Cục Trồng trọt- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Cả nước hiện có khoảng hơn 400 nghìn ha sắn, thì riêng Tây Nguyên là 160 nghìn ha.
 
 
Diện tích sắn vượt kế hoạch ảnh hưởng lớn đến việc quy hoạch cơ cấu cây trồng trên địa bàn. Nhiều diện tích dự định trồng ngô lai, bông vải, nay nông dân tự ý chuyển sang trồng sắn một cách tự phát đã làm sản lượng sắn tăng đột biến. Tỉnh Gia Lai có bốn nhà máy sắn với tổng công suất 1.640 tấn/ngày nhưng nhiều lúc chỉ tiêu thụ được 40% sản lượng sắn toàn tỉnh. Theo đó, lượng sắn còn lại trôi nổi trên thị trường, bị tư thương ép giá, gây thiệt thòi lớn cho nông dân. Tỉnh Kon Tum có tổng cộng năm nhà máy sắn, cũng hoạt động trong tình trạng nêu trên. Tỉnh Bình Định, theo quy hoạch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh chỉ phát triển ổn định 11.000 ha mì. Tuy nhiên, hiện diện tích mì toàn tỉnh đã tăng lên trên 13.581 ha, vượt hơn 2.581 ha so với quy hoạch…
 
 
Việc bùng nổ diện tích sắn ở Tây Nguyên trong những năm gần đây đến mức địa phương và ngành không kiểm soát nổi và dẫn đến nhiều hệ lụy là: Phá vỡ quy hoạch chung của ngành nông, lâm nghiệp ở địa phương; ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên rừng... Ðiều đáng lo ngại là chất lượng sắn thấp, sản lượng không cao, cho nên việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn, giá cả không ổn định, nông dân dễ bị lỗ.
 
 
Với cây cà phê, trong vài năm gần đây, giá cà phê nhân tăng cao và ổn định kéo dài nên đã thu hút nông dân mở rộng diện tích cà phê, dẫn đến tình trạng diện tích loại cây này phát triển lên tới 620.000ha, vượt xa so với quy hoạch đến năm 2020 là 520.000ha.
 
 
Tại Đắk Lắk, theo quy hoạch, đến năm 2020, tỉnh Đắk Lắk ổn định 190.000 ha cà phê nhưng hiện nay tỉnh đã có 204.500 ha cà phê. Đắk Lắk hiện chiếm 40% diện tích cà phê của cả vùng Tây Nguyên và 30% diện tích cà phê của cả nước, với sản lượng trên 450.000 tấn cà phê nhân/năm.
 
 
Theo đánh giá của UBND tỉnh Đắk Lắk, việc tăng trưởng vượt quy hoạch của cây cà phê dẫn đến hệ lụy rừng bị tàn phá, thu hẹp dần, đất bị rửa trôi năng suất. Sản lượng tăng nhưng chất lượng sản phẩm chưa cao, sức cạnh tranh trên thị trường thế giới thấp, hiệu quả kinh tế vì thế cũng không khả quan. Mặt khác, môi trường sinh thái trong vùng trồng càphê, hồ tiêu ngày càng bị ô nhiễm, mất tính ổn định gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống của bà con các vùng nông thôn.
 
 
Ngay trong mùa khô năm 2015 vừa qua, tỉnh Đắk Lắk đã có 47.835 ha cà phê bị thiếu nước tưới làm chết đứng vườn cây hoặc khô cành, chủ yếu trồng ngoài vùng quy hoạch gây thiệt hại cho nông dân hàng nghìn tỷ đồng.
 
 
Với cây hồ tiêu, theo thống kê của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), đến hết quý 1-2016, tổng diện tích hồ tiêu cả nước đã đạt 100.000 ha, vượt gấp đôi con số quy hoạch đến năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Không những vậy, thực tế cho thấy diện tích hồ tiêu đang còn tiếp tục tăng từ 10-20% trong thời gian tới.
 
 
Tại tỉnh Gia Lai, theo quy hoạch đến năm 2015, diện tích cây hồ tiêu ở địa phương này chỉ là 6.000 ha và đến năm 2020 vẫn giữ ổn định. Tuy nhiên, theo thống kê mới nhất của ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai, hiện nay, diện tích cây hồ tiêu trên địa bàn đã vượt trên 13.000 ha, tăng hơn gấp đôi so với quy hoạch và không biết khi nào mới dừng lại. Trong số diện tích hồ tiêu này hiện có 8.000 ha đang kinh doanh, còn lại đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản. Tại tỉnh Đắk Nông, theo thống kê mới đây của Sở Nông nghiệp- PTNT thì đến tháng 2/2016, diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh đã lên tới con số 17.188 ha, vượt xa kế hoạch đến năm 2025 chỉ dừng lại ở mức 12.951 ha.
 
 
Đây là nguy cơ lớn bởi diện tích hồ tiêu mới không nằm trong quy hoạch, dẫn đến muôn vàn rủi ro về điều kiện tự nhiên (đất, nguồn nước, khí hậu…), giống, kỹ thuật canh tác, trình độ quản lý… Đồng thời, chất lượng hồ tiêu cũng bất ổn khi vì chạy theo sản lượng (năng suất), người nông dân có thể lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật… Trong khi đó, các hiệp hội gia vị châu Âu, Mỹ, Canada… đều đã nhiều lần cảnh báo và đã có động thái ngừng nhập khẩu hồ tiêu từ Việt Nam.
 
 
Với cây cao su (còn được bà con gọi là “vàng trắng”), Quyết định số 750/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 3-6-2009, mục tiêu phát triển diện tích cây cao su của Việt Nam đến năm 2015 là 800.000 ha và giữ diện tích ổn định ở mức này. Tuy nhiên những năm 2011-2012 cây cao su đem lại lợi nhuận cao hơn nhiều loại cây công nghiệp khác đã khiến hàng vạn nông dân phá vườn điều, cà phê... để trồng cao su. Đến nay diện tích trồng cao su cả nước đã trên 1 triệu ha. Số diện tích vượt này có đến trên 30% là diện tích rừng tự nhiên, 40% là rừng nghèo còn lại là diện tích khác chuyển sang trồng cao su, rất hiếm diện tích đồi trọc được trồng cây cao su. Điều đáng nói, khu vực Tây Bắc vốn được xem là vùng có nhiệt độ thấp, không phù hợp với loại cây nhiệt đới này cũng phát triển rất mạnh. Điển hình như: Tại tỉnh Điện Biên diện tích cao su đã trồng 4.256 ha, tập trung tại các huyện Điện Biên, Mường Chà, Tuần Giáo, Mường Nhé, Mường Ảng và thành phố Điện Biên.
 
 
Hậu quả là bây giờ người nông dân lại rục rịch cưa cao su để trồng cây khác. Như tại Bình Phước- tỉnh có diện tích cao su lớn nhất nước với khoảng 230.000 ha, thời gian qua có tới hơn 1.800ha cao su bị chặt bỏ để chuyển sang các loại cây trồng khác, trong đó chủ yếu là hồ tiêu, điều, cây ăn trái… và mục đích khác. Còn tại Bình Dương, các doanh nghiệp và hộ dân cũng đã chặt bỏ gần 2.400 ha cao su do giá mủ xuống thấp. Trong khi đó, nhiều hộ dân tại Đắk Nông tỉa cành, chắn rễ cao su để làm trụ sống trồng tiêu.
 
 
Ngoài ra, còn các loại cây trồng khác vượt quy hoạch ở các địa phương như dưa hấu Quảng Ngãi, hành tím Sóc Trăng, thanh long Bình Thuận, mía tím Hòa Bình… Điển hình như: Tại Bình Thuận, diện tích trồng thanh long đã lên tới 22.000ha, trong khi quy hoạch đến cuối năm 2015 mới chỉ 15.000 ha. Gần đây nhất là cây mắc ca- mới ở giai đoạn trồng thử nghiệm, làm tiền đề thực hiện quy hoạch, thế nhưng tại một số địa phương ở Tây Nguyên, người dân đã triển khai trồng vượt quá cả diện tích dự kiến.
 
 
Khi quy hoạch bị phá vỡ, diện tích nhân rộng một cách ồ ạt chạy theo phong trào và lợi nhuận trước mắt không tính đến chuyện lâu dài sẽ dẫn đến hậu quả nhãn tiền là sản lượng tăng đột biến, sản phẩm có nguy cơ rơi vào tình trạng ứ đọng, bị ép giá, không tiêu thụ được. Và điệp khúc “trồng - chặt, chặt - trồng” sẽ tiếp tục tái diễn mà không có hồi kết.
 
 
Theo Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mục đích quy hoạch là phục vụ quản lý Nhà nước nhưng đích cuối cùng là đảm bảo phát triển ổn định, bền vững, mang lại lợi nhuận cho các bên tham gia trong sản xuất. Đồng thời tập trung ưu tiên nhiều hơn việc tăng lợi nhuận cho người nông dân. Khi tận dụng được lợi thế về tự nhiên (đất đai, nguồn nước, khí hậu) và kinh tế, thực hiện theo quy hoạch sẽ giảm được giá thành sản xuất. Khi giá cả thị trường, các kênh tiêu thụ có những rủi ro, giá thành sản xuất vẫn thấp hơn kể cả khi thị trường đi xuống.
 
 
Chính phủ và các bộ, ngành chức năng cũng đã nghiên cứu, khảo sát và có quy hoạch các ngành hàng nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Quy hoạch này được đánh giá là bài bản, xem xét đến từng vùng, từng sản phẩm cũng như thực trạng và nhu cầu của thế giới để qua đó, đưa ra bài toán về diện tích, sản lượng và các giải pháp, lộ trình triển khai. Vấn đề là từ văn bản đến thực tiễn lại chưa ăn khớp, chưa được thực hiện một cách đồng bộ, chặt chẽ.
 
 
Khi giá cao, người dân bất chấp, đổ xô vào trồng, kể cả trồng trên những vùng đất không được coi là thuận lợi. Có quy hoạch rồi nhưng vì lợi ích nên nhiều địa phương đã xin bổ sung quy hoạch. Với những tiến bộ kỹ thuật về giống như có khả năng chịu hạn, mặn hay rét nên việc mở rộng sản xuất cũng trở nên dễ dàng hơn. Điển hình như: Cây cà phê đã có sự phát triển trồng trên cả những vùng không chỉ có nguồn đất không phù hợp, nguồn nước cũng khó khăn. Đối với loại cây này, nguồn nước là rất quan trọng, chính vì thế khi sản xuất ngoài quy hoạch, giá thành sản xuất sẽ cao hơn trong vùng được quy hoạch.
 
 
Để giải quyết bài toán này trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, cây trồng, vật nuôi đều hướng theo sản xuất hàng hóa nên không thể thiếu thị trường. Vì vậy, phải tính toán xem nhu cầu thị trường như thế nào, từ nhu cầu thị trường sẽ quay trở lại tính toán sản xuất. Theo nhiều chuyên gia, chính những định hướng trong sản xuất, những thông tin dự báo thị trường kịp thời sẽ từng bước nâng cao ý thức của nông dân trong việc thực hiện các quy hoạch.
 
 
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng, chúng ta đang thực hiện cơ chế thị trường. Vì vậy, chúng ta tổ chức sản xuất nông nghiệp phải sản xuất những thứ thị trường cần, chứ không phải sản xuất những thứ chúng ta có. Trong điều kiện hiện nay, yêu cầu mới đặt ra là phải phát triển mạnh hơn hai thành phần trong chuỗi giá trị, đó là các tổ hợp tác, các hợp tác xã và các doanh nghiệp. Đặc biệt là các doanh nghiệp, chỉ khi chúng ta phát triển theo chuỗi như vậy, với sự gắn kết thì sự tự phát của nông dân có thể được hạn chế, hiệu quả sản xuất sẽ ổn định hơn.

Hữu Thành
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo