Sông Ba ô nhiễm, thủy sản thưa dần, cá nuôi chết trắng, ai đã đầu độc?
10:34 - 09/06/2016
Mấy năm gần đây, từ khi ngăn dòng công trình thủy điện An Khê - Ka Nak, rồi các nhà máy công nghiệp mọc lên hai bên bờ sông, cá chết phơi trắng bụng, cua ốc cũng chẳng còn bao nhiêu...
Nước suối Vối, một nhánh sông Ba giống như ao tù, chỉ có ốc bươu sinh sôi

Ai đã đầu độc sông Ba? Đó là công trình thủy điện An Khê - Ka Nak chặn ngang, cắt đứt dòng sông ngay gần đầu nguồn, khiến hàng trăm km sông phía dưới đập thủy điện này cạn trơ đáy; đó là hàng chục nhà máy đường, khoai mì, dăm gỗ, trang trại chăn nuôi mọc lên ven bờ sông Ba, mỗi ngày, xả xuống sông Ba hàng chục tấn chất thải, gây ô nhiễm kinh hoàng…

Trở tay không kịp

Chúng tôi theo chân anh bạn đồng nghiệp ra “tận mục” con đập ngăn dòng sông Ba làm thủy điện An Khê, cách trung tân TX. An Khê (Gia Lai) chỉ vài cây số. Con đập rộng hơn chục mét, cao dễ đến 20 mét so với đáy sông.

Một bên đập là hồ tích nước rộng mênh mông, phía xa xa, một con sông nhân tạo đào xuyên qua núi để đưa dòng nước chảy về sông Côn, Bình Định là thủy điện. Phía dưới đập, đáy sông sâu hút mắt, dòng nước nhỏ đang chảy róc rách, cây dại mọc xanh um giữa lòng sông, ở đó, có vài con bò đang thẩn thơ gặm cỏ.

12-07-28_nh-2
Đây là con đập chặn dòng sông Ba. Phía xa xa theo tay chỉ là con kênh xuyên núi, dẫn nước về sông Côn, Bình Định

 

Nhà máy thủy điện An Khê - Ka Nak nằm ở địa bàn huyện Kbang và thị xã An Khê, Gia Lai, được chia làm 2 bậc. Bậc 1 nằm ở huyện Kbang là thủy điện Ka Nak với hồ chứa nước dung tích 285 triệu m³, công suất chỉ hơn 10 MW. Còn bậc 2 là thủy điện An Khê, nằm ở thị xã An Khê với dung tích hồ chứa chỉ có 5,6 triệu m³ nhưng công suất lên tới 160 MW.

Sở dĩ công suất của Nhà máy thủy điện An Khê lớn gấp 16 lần Nhà máy thủy điện Ka Nak vì các nhà thiết kế đã cho đục hầm đèo, lắp đường ống dẫn nước từ hồ chứa ở phường An Phước, TX. An Khê đổ về sông Kôn (Bình Định), nơi đặt các tổ máy phát điện của nhà máy.

Độ dốc của đường ống quá lớn nên công suất của nhà máy theo đó cũng tăng lên. Toàn bộ dòng sông Ba đã bị chặn, nắn cho chảy về Bình Định, nên hạ lưu sông Ba cạn khô, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng vạn hộ dân.

Nhưng điều đáng sợ hơn là, vào mùa mưa, thủy điện xả lũ thì dân vùng hạ lưu có nguy cơ “chìm trong biển nước”. Năm 2011 và 2013, TX. An Khê giữa đêm chìm trong biển nước, hàng trăm tỷ đồng bị dòng nước cuốn ra biển khi thủy điện An Khê - Ka Nak 2 lần xả lũ bất ngờ.

12-07-28_nh-4
Một trong 4 cửa xả đập ngăn sông Ba về hạ nguồn

 

Ông Nguyễn Văn Tình, một người dân sống bên bờ Sông Ba nói: Những trận hạn hán được xếp vào hàng “lịch sử” với mức độ nghiêm trọng năm sau luôn cao hơn năm trước cứ xuất hiện thường xuyên khiến người dân khốn đốn do thiếu nước sản xuất. Rồi ngay khi trời đổ mưa, sông Ba bất ngờ trở thành biển nước mênh mông.

Còn nhớ cách đây mấy năm, công trình thủy điện Sông Ba hạ tích nước bất ngờ xả lũ để tránh nguy cơ vỡ đập. Vậy là chỉ sau một đêm, cả một vùng hạ lưu sông Ba rộng lớn chìm trong biển nước. Lũ lên quá nhanh, con người còn trở tay không kịp huống chi đàn gia súc, gia cầm. Nhiều hộ gia đình chăn nuôi phá sản từ đó.

Rồi có năm, chưa vào mùa mưa, lũ chưa về, nhiều loại cây trồng vừa vào kỳ ra hoa kết trái. Đùng một cái, công trình thủy điện An Khê - Ka Nak trên sông Ba bất ngờ xả lũ. Vậy là sau một đêm, hàng chục ha hoa màu các loại cùng nhiều tài sản giá trị khác của nhân dân bị cuốn phăng theo dòng lũ...

“Hồi tháng tư, một vị ĐBQH tỉnh Gia Lai đã bức xúc, nói về thủy điện An Khê – Ka Nak là một “sai lầm thế kỷ”. Theo vị này, cách chặn cả một dòng sông lớn để chuyển nước sang dòng sông khác là việc làm chưa có tiền lệ, là cách làm liều lĩnh, trái quy luật tự nhiên”, anh bạn đồng nghiệp ở Gia Lai nói.

Túi chứa thải khổng lồ

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên dòng sông Ba, đoạn chảy qua An Khê đến KBang, có cả chục công ty, nhà máy, trang trại chăn nuôi mọc lên. Hầu hết đều xả thải xuống dòng sông cạn. Nhà máy quặng KBang; Nhà máy đường An Khê; Công ty TNHH Veyu; Công ty TNHH Một thành viên MDF Vinaor Gia Lai.

12-07-28_nh-6-
Cống xả thải ra sông Ba của một nhà máy tại An Khê

 

Dẫn chúng tôi len lỏi trong những bụi gai dại, xuống một con suối nhỏ, ông Trần Văn Hòa, người dân P.An Bình, TX. An Khê, chỉ cho chúng tôi một miệng cống to đến hơn 1 vòng tay người ôm. Từ miệng cống, một dòng nước không lớn, đang chảy theo mương dẫn ra sông Ba.

Anh Hòa cho biết, đây là miệng cống xả thải của một công ty lớn phía trên, anh từng là công nhân, thi công đường cống này. Theo quan sát của chúng tôi, nước có màu vàng, dù không đục lắm, nhưng bốc mùi hôi khăn khẳn.

Đứng vài phút, có cảm giác cay mắt. Anh Hòa bảo “mấy bữa nay nhà máy này gần như không hoạt động vì thiếu nguyên liệu. Chứ nếu không, dòng nước trong cống này chảy ra ào ào, và bốc mùi không chịu nổi đâu”.

Không chỉ xả thải xuống sông, một công ty đóng bên bờ sông Ba còn làm con đường bê tông kiên cố chặn ngang sông, đoạn phía dưới thủy điện để làm đường cho xe tải của nhà máy chạy sang bên kia sông chở nguyên liệu về nhà máy. Con đường này được gọi là đập tràn, khi nước sông lên cao, con đường sẽ nằm sâu dưới nước, còn khi nước cạn như hiện nay, đây là con đường thực thụ, xe tải nặng có thể qua.

Một trong những thủ phạm gây ô nhiễm nặng nhất cho sông Ba là những trang trại chăn nuôi bò của Công ty Cổ phần chăn nuôi Gia Lai là công ty con thuộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, hiện đang nuôi khoảng 60.000 con bò thịt và bò sữa tại 5 trang trại ở các huyện Mang Yang, Ia Pa và thị xã An Khê của tỉnh Gia Lai.

Hầu hết những trang trại này đều nằm dọc sông Ba và là một trong những thủ phạm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hàng trăm hộ dân sống gần trang trại phải sống chung với ruồi xanh.

12-07-28_nh-9
Một đập tràn đắp qua sông Ba tại TX.An Khê cho xe tải vận chuyển nguyên liệu qua lại giữa 2 bờ sông

 

“Từ hồi có trang trại bò, chuyện ăn cơm trong màn là thường”, ông Nguyễn Văn Tình, người dân ở P.An Bình, TX.An Khê nói.

Ông Trần Văn Tuấn, người dân xã Thành An, TX.An Khê, có 3ha mặt nước nuôi cá, trồng lúa, nói: “Từ khi có trại bò ở đây, ao cá của tôi cứ chết sạch, cá trắm, cá mè, cá trôi, cá rô phi chết hết rồi. Lúa cũng bị mất năng suất khoảng 40%. Phía dưới đây người ta còn thiệt hại nhiều hơn. Tại vì họ chưa có hệ thống để xử lý phân, giờ mưa là tuôn ra, chảy ra tới tận sông Ba”.

Bà H’Jang, 48 tuổi, nhà ở bên bờ sông Ba, ở phường An Bình, TX.An Khê, nói. Giọng nuối tiếc: “Mấy năm gần đây, từ khi ngăn dòng công trình thủy điện An Khê - Ka Nak, rồi các nhà máy công nghiệp mọc lên hai bên bờ sông, cá chết phơi trắng bụng, cua ốc cũng chẳng còn bao nhiêu thưa dần vì ô nhiễm.

Đặc biệt, mấy tháng gần đây, có những khúc sông người dân không tài nào chịu nổi mùi hôi thối, ngồi trong nhà cũng phải đeo khẩu trang. Nhiều bến sông, trước đây chiều nào cũng tập trung đông người, giờ vắng hoe, vì có nước đâu mà ra? Chưa kể là rất hôi thối”.

“Công trình thủy điện An Khê - Ka Nak với mục đích đầu tiên là phục vụ dân sinh. Nhưng khi công trình hoàn thành, đi vào hoạt động, đã gây bức xúc khá lớn cho người dân địa phương vì nhiều hệ lụy. Một trong những ảnh hưởng lớn nhất đến người dân là thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt.

Nghĩa là, vấn đề an sinh như mục đích ban đầu đặt ra chưa đạt được. Nhiều ý kiến cho rằng phải trả lại dòng chảy cho sông Ba, nhưng nếu làm vậy thì tức là phải bỏ thủy điện. Đây là điều không đơn giản, vì công trình đầu tư rất lớn.

Chúng tôi cũng đã kiến nghị nhà nước và các nhà khoa học cần khảo sát, đánh giá tác động môi trường, dân sinh, để công trình vừa mang lại lợi ích cho đất nước, vừa hạn chế được tối đa ảnh hưởng đến dân sinh”, ông Nguyễn Hùng Vỹ, Chủ tịch UBND TX An Khê.

 

HỒNG THỦY - ĐĂNG LÂM
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo